Những cái chết tức tưởi
Mới đây, vào khoảng 5h30 ngày 15/8, bà Đỗ Thị Thu H. (55 tuổi, nhân viên Trạm Y tế xã Đức Chánh, huyện Mộ Đức, Quảng Ngãi) sau khi hết ca trực, trên đường về nhà, khi đi qua thôn 2 xã Đức Chánh bất ngờ bị ông Nguyễn Thành Sơn (46 tuổi, trú xã Đức Chánh, là người bị tâm thần) cầm một khúc gỗ đánh mạnh vào đầu và mặt, khiến bà H. tử vong tại chỗ. Khi chúng tôi đến tìm hỏi, nhiều người dân chứng kiến vụ việc đều kể lại tường tận, nhưng yêu cầu không được chụp ảnh hoặc tiết lộ danh tính, vì sợ đối tượng tâm thần biết chuyện, sẽ trả thù.
Bác sỹ Bệnh viện tâm thần Quảng Ngãi đang theo dõi điều trị khoảng 6.000 bệnh nhân Ảnh: Nguyễn Ngọc
Một người dân chứng kiến vụ việc kể lại, khi thấy ông Sơn đánh bà H, không ai dám trực tiếp can thiệp, mà chỉ gọi điện báo cho công an xã. Lúc công an đến khống chế được đối tượng thì bà H. đã tử vong.
Ông Sơn nặng hơn 80kg, rất hung hăng, từng rượt đánh rất nhiều người trong xóm nhập viện. Trước đêm đánh chết bà H, ông Sơn cầm gậy đi khắp xóm la ó, quậy phá suốt đêm, người dân xung quanh không ai dám ngủ. Chính quyền địa phương cũng xác nhận ông Sơn mắc bệnh động kinh, được cấp sổ theo dõi và quản lý bệnh nhân tâm thần, được cấp thuốc điều trị hằng tháng và nhận tiền hỗ trợ. Điều đau lòng là nạn nhân bị ông Sơn đánh chết chính là người từng cấp thuốc điều trị cho nghi phạm.
Chị Nguyễn Thị Phẩm, Phó trưởng trạm Y tế xã Đức Chánh cho biết, hoàn cảnh của chị H. hết sức bi đát, khi cách đây gần 1 năm, chồng bị tai nạn giao thông qua đời, giờ đến lượt chị cũng qua đời trong tình cảnh rất oan nghiệt, để lại một đứa con duy nhất.
Được biết, hung thủ Nguyễn Thành Sơn có gia cảnh khó khăn, hiện đang ở với vợ, cùng 2 người con. Bình thường ông Sơn vẫn đi phụ hồ hoặc ai thuê gì làm nấy, tuy nhiên người này thường lên cơn bất thường. Nhất là khi thời tiết nắng nóng ông ta hay phát bệnh và rượt đánh nhiều người dân trong xã.
Cách đây khoảng 5 tháng, đối tượng Sơn cũng đã đánh ông Trần Văn Thanh (nguyên Chủ tịch Hội Nông dân xã Đức Chánh) bị thương tích tới trên 90%, hiện đang nằm điều trị chấn thương sọ não ở Bệnh viện chợ Rẫy (TPHCM) từ nhiều tháng qua.
Trường hợp nhân viên y tế Đỗ Thị Thu H. bị đối tượng tâm thần đánh chết không phải là vụ việc cá biệt ở Quảng Ngãi.
Cuối năm 2020, đối tượng T.N.V. (33 tuổi) đã ra tay sát hại mẹ ruột là bà B.T.T.T (57 tuổi) cùng trú xã Nghĩa Trung, huyện Tư Nghĩa. Tại hiện trường, thi thể bà T. nằm trên nền nhà, bị chém nhiều nhát vào đầu, cắt đứt bàn tay, mổ ruột. V. bị bệnh tâm thần, có dấu hiệu sử dụng ma túy khi gây án, từng điều trị nội trú tại Bệnh viện Tâm thần tỉnh, nhưng được bà T. đưa về nhà cho uống thuốc điều trị.
"Theo quy định pháp luật, chính quyền không thể đưa bệnh nhân tâm thần đi điều trị tập trung, nếu gia đình họ không đồng ý. Nên đây là một vấn đề rất khó trong việc giám sát các hành vi để gây ra các vụ án đau lòng".
Ông Nguyễn Quang Chính - Chủ tịch UBND xã Đức Chánh
Cũng trong năm 2020, TAND tỉnh Quảng Ngãi tuyên phạt 7 năm tù đối với Nguyễn Thị Thanh Huyền (27 tuổi, xã Bình Tân Phú, huyện Bình Sơn) về tội giết người. Nạn nhân xấu số chính là người yêu của Huyền. Giám định pháp y của Viện Pháp y tâm thần trung ương Biên Hòa kết luận: Trước, trong, sau khi gây án, Huyền bị bệnh tâm thần phân liệt thể paranoid giai đoạn thuyên giảm không hoàn toàn; tại thời điểm gây án Huyền bị hạn chế khả năng nhận thức và điều khiển hành vi.
Khiếp sợ người tâm thần lang thang
Đa phần gia đình những người mắc bệnh tâm thần có hoàn cảnh khó khăn, nhiều người thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo. Bệnh nhân tâm thần sống chủ yếu dựa vào người thân, gia đình và trợ cấp xã hội hàng tháng. Trong khi các cơ sở tư vấn chữa trị, phục hồi chức năng cho người tâm thần còn hạn chế.
Riêng tại xã Đức Chánh (huyện Mộ Đức) hiện có 67 người mắc bệnh tâm thần và động kinh, một số có sổ theo dõi, một số không. Trong đó có đến 43 trường hợp tâm thần phân liệt và 24 trường hợp động kinh.
Ông Nguyễn Quang Chính - Chủ tịch UBND xã Đức Chánh cho biết, chính quyền xã gặp khó khăn trong việc vận động đưa người bệnh tâm thần đi điều trị tập trung. Như trường hợp Nguyễn Thành Sơn địa phương cũng đã phối hợp với Công an huyện bắt buộc phải đưa Sơn đi điều trị tập trung nhưng gia đình họ không đồng ý.
Ông Đặng Trong - Giám đốc Bệnh viện Tâm thần tỉnh Quảng Ngãi cho hay, những bệnh nhân rối loạn tâm thần nặng, các bệnh nhân cần theo dõi thì được khám chữa bệnh nội trú. Sau giai đoạn cấp, bệnh nhân ổn định thì sẽ được chuyển về các trạm y tế trên địa bàn toàn tỉnh để quản lý theo dõi và điều trị ngoại trú.
“Phần lớn các bệnh nhân được gia đình yêu cầu đưa về chăm sóc. Tuy nhiên, vì sự thiếu trách nhiệm trong quản lý con em mắc bệnh tâm thần, đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng, mất an ninh trật tự xã hội”, ông Trong cho biết.