Vào tháng 6/2018, anh Zeng Jinopeng, công dân Trung Quốc 23 tuổi tại Thượng Hải đã nợ khoảng 10.000 Nhân dân tệ (1.500 USD) với ứng dụng Huabei, một dịch vụ cho vay của Alibaba. Phần lớn khoản nợ được anh Zeng dùng cho ăn uống, mua sắm quần áo lẫn du lịch.
Điều thú vị ở đây là bất chấp anh Zeng chỉ nhận được khoảng 8.000 Nhân dân tệ/tháng tiền bố mẹ gửi từ quê nhưng Huabei vẫn cho anh vay. Vậy là anh Zeng phải tìm mọi cách để trả khoản nợ này, từ trả góp, bán đồ phụ kiện của bản thân hay thậm chí là vay từ Jiebei, một ứng dụng cho vay khác của chính... Alibaba để trả nợ.
Tuy nhiên, chàng trai trẻ này chỉ càng ngày cuốn vào trong nợ nần hơn và cuối cùng cha mẹ của Zeng lại phải thanh toán khoản nợ này hộ con trai.
Câu chuyện của anh Zeng là rất phổ biến trong thế hệ "Z", những người sinh trong khoảng giữa thập niên 1990 đến đầu thập niên 2000.
Họ là những thanh thiếu niên trẻ sống trong thời kỳ Trung Quốc bùng nổ kinh tế và có tư tưởng hưởng thụ, thích chi tiêu, được người thân bao bọc, không có tiền sử xấu về nợ nần và dễ bị thu hút bởi các ứng dụng cho vay.
Ngày nay, việc mọc lên như nấm của các ứng dụng tài chính, startup công nghệ, ngân hàng điện tử tại Trung Quốc đã khiến giới trẻ dễ dàng truy cập được tín dụng mà chẳng có đảm bảo gì cả. Số liệu chính thức cho thấy tỷ lệ tín dụng hộ gia đình đã tăng 4 điểm phần trăm lên mức 54% GDP trong quý I/2019.
Mặc dù tỷ lệ này của Trung Quốc vẫn thấp hơn Mỹ (66%), Hong Kong (72%) hay Hàn Quốc (100%) nhưng đà tăng trưởng tín dụng chóng mặt này đang khiến chính quyền Bắc Kinh cùng các chuyên gia lo lắng.
Giữa tháng 7/2019, hãng Fitch Ratings đã cảnh báo hiện tượng tăng tín dụng cá nhân mạnh như vậy tại Trung Quốc thường đi trước những cuộc điều chỉnh sụt giảm mạnh từ thị trường tài chính.
Cựu thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) Zhou Xiaochuan cho biết giới trẻ ngày nay đang bị cuốn vào thói quen nghiện tiêu dùng, vay tiền nhờ những ứng dụng công nghệ tài chính.
Báo cáo của trường đại học Thượng Hải vào tháng 7/2019 cũng cho thấy nền kinh tế Trung Quốc sẽ chịu ảnh hưởng nặng nếu tỷ lệ tín dụng tăng lên mức các hộ gia đình không thể chịu đựng.
Nói cách khác, việc vay nợ quá nhiều khiến thu nhập của người dân chỉ dành cho trả nợ, không còn đủ để chi tiêu thứ khác, qua đó gây tổn hại đến thị trường tiêu dùng và nền kinh tế.
Hiện Trung Quốc đang trong quá trình chuyển đổi từ nền kinh tế phụ thuộc xuất khẩu sang tập trung thị trường tiêu dùng. Trong khi xuất khẩu của Trung Quốc gặp khó khăn vì chiến tranh thương mại thì kế hoạch chuyển sang thị trường tiêu dùng của nước này có thể đổ vỡ vì bong bóng tín dụng cá nhân.
Số liệu chính thức cho thấy những khoản vay cá nhân không thế chấp tại Trung Quốc đã tăng trưởng 20% kể từ năm 2008 nhờ vào những trường hợp như anh Zeng. Ứng dụng Huabei đòi lãi suất 0,05%/ngày và 18,25%/năm cho những khoản vay cá nhân từ 500-50.000 Nhân dân tệ. Tiền có thể trả góp hàng tháng.
Đối thủ của Alibaba là JD.com cũng có những ứng dụng tương tự.
Tín dụng ngắn hạn của các hộ gia đình Trung Quốc (nghìn tỷ Nhân dân tệ)
Không giống như những kênh tín dụng truyền thống, loại hình cho vay cá nhân không thế chấp này hầu như không được nhà nước quản lý. Hãng tư vấn IReseach nhận định tổng giá trị thị trường này có thể tăng từ 7,8 nghìn tỷ Nhân dân tệ năm 2018 lên 19 nghìn tỷ Nhân dân tệ năm 2021.
Năm ngoái, chính quyền Bắc Kinh đã thực hiện chiến dịch hạn chế cho vay kiểu như trên nhằm phòng chống sự bất bình ổn trên thị trường tài chính.
Mảng cho vay cá nhân không thế chấp ngay lập tức suy giảm gần 50% từ mức đỉnh. Tuy nhiên, tình hình lại bắt đầu nóng trở lại khi nhu cầu tiêu dùng của thế hệ Z ở Trung Quốc chưa bao giờ chấm dứt.
Chính phủ Trung Quốc cho biết gần 70% trong tổng số 50 triệu người tham gia thị trường vay vốn cá nhân không thế chấp tại đây có độ tuổi dưới 40.