Albert bé nhỏ: Thí nghiệm tâm lý phi đạo đức thực hiện trên đứa trẻ 8 tháng tuổi gây ra nhiều tranh cãi nhất trong lịch sử nghiên cứu

Negroni |

Đây là một trong những thí nghiệm tâm lý học nổi tiếng và gây ra nhiều tranh cãi, chỉ trích nhất vì nhiều lý do.

Trong các thí nghiệm tâm lý, có một thí nghiệm được cho là phi đạo đức nhất khi thực hiện trên một em bé 9 tháng tuổi. Đó là thí nghiệm tâm lý của bác sĩ John Watson, cha đẻ của "thuyết hành vi" đã khiến cho một em bé trở nên sợ hãi động vật và bất kể vật thể nào có lông.

Trước đó, nhà sinh lý học người Nga Ivan Pavlov đã tiến hành một thí nghiệm chứng minh quá trình hình thành phản xạ có điều kiện ở chó. Pavlov thường xuyên rung chuông mỗi khi cho chó ăn, ban đầu chó thấy thức ăn sẽ tiết nước bọt. Thế nhưng sau nhiều lần lặp đi lặp lại, con chó chỉ cần nghe tiếng chuông cũng sẽ tiết nước bọt mặc dù không có thức ăn. Đây được gọi là phản xạ có điều kiện.

Nhà khoa học tâm lý John Watson đã vô cùng hứng thú với nghiên cứu này và ông đã tiến hành một thí nghiệm để xem điều tương tự có xảy ra với con người hay không.

Thí nghiệm này có tên là Albert B, hay còn gọi là "Little Albert" (Albert bé nhỏ), được thực hiện vào năm 1919 bởi nhà khoa học tâm lý John Watson thuộc Bệnh viện Đại học Johns Hopkins ở Baltimore, Maryland và một sinh viên tốt nghiệp Rosalie Rayner.

Ban đầu, Watson cho đứa trẻ tiếp xúc với chuột trắng, thỏ, khỉ và một chiếc mặt nạ Santa Claus. Các nhà nghiên cứu quan sát phản ứng của cậu bé và thấy rằng cậu tỏ ra không sợ hãi bất kì món đồ nào. Thậm chí, cậu bé còn tỏ ra thích thú và muốn được chạm vào chúng.

Sau đó, Watson cho cậu bé tiếp xúc với con chuột. Khi Albert cầm lấy con chuột, Watson đã tạo ra một thứ âm thanh ong tai, chát chúa bằng cách lấy búa đập vào kim loại. Đứa trẻ giật mình và bắt đầu khóc lớn khi nghe thấy tiếng động. Khi Albert cố gắng với lấy con chuột một lần nữa, các nhà nghiên cứu lại tiếp tục tạo ra âm thanh chát chúa kia. Sau đó, họ gửi Albert về nhà trong một tuần.

Albert bé nhỏ: Thí nghiệm tâm lý phi đạo đức thực hiện trên đứa trẻ 8 tháng tuổi gây ra nhiều tranh cãi nhất trong lịch sử nghiên cứu - Ảnh 2.

Khi Albert quay lại, họ bắt đầu thí nghiệm lại từ đầu. Đúng như dự đoán, nỗi sợ hãi của Albert không chỉ tập trung vào con chuột mà còn chuyển sang các đồ vật, động vật có lông khác. Thậm chí một chiếc áo khoác lông thú cũng khiến cho Albert run rẩy, khóc lóc và cố bò đi xa.

Đây là một trong những thí nghiệm tâm lý học nổi tiếng và gây ra nhiều tranh cãi, chỉ trích nhất vì nhiều lý do. Đầu tiên, thiết kế thí nghiệm và quy trình không được xây dựng một cách cẩn thận. Nhà khoa học đã không đánh giá phản ứng của Albert một cách khách quan và thay vào đó là dựa trên những diễn giải chủ quan của riêng mình. Thứ hai, thí nghiệm này gây ra nhiều lo ngại về đạo đức. Nhiều người cảm thấy căm phẫn vì các nhà khoa học đã gây tổn thương cả về tâm lý và thể xác cho một em bé nhỏ.

Câu hỏi về những gì đã xảy ra tiếp theo với Albert bé nhỏ đã trở thành một bí ẩn. Nhà khoa học Watson đã không thể loại bỏ được nỗi sợ hãi có điều kiện của cậu bé vì cậu đã rời đi cùng mẹ của mình sau khi thí nghiệm kết thúc. Một số người cho rằng cậu bé lớn lên sẽ thành một người đàn ông có nỗi ám ảnh kì lạ về những đồ vật có lông màu trắng.

Albert bé nhỏ: Thí nghiệm tâm lý phi đạo đức thực hiện trên đứa trẻ 8 tháng tuổi gây ra nhiều tranh cãi nhất trong lịch sử nghiên cứu - Ảnh 3.

Đương nhiên, sự phẫn nộ đối với việc đối xử với Albert khiến mọi người tự hỏi cậu bé là ai và chuyện gì đã xảy ra sau đó. Trước khi chết, Watson đã đốt sạch giấy tờ của mình, điều đó khiến người ta khó có thể tìm ra được dấu vết về Albert.

Theo báo cáo của Nhà tâm lý học Mỹ, một cuộc tìm kiếm kéo dài 7 năm do nhà tâm lý học Hall P. Beck dẫn đầu đã phát hiện ra một thông tin.

Albert bé nhỏ được cho là một cậu bé có tên là Douglas Merritte. Tuy nhiên, câu chuyện đã kết thúc không có hậu. Douglas qua đời khi lên 6 tuổi vào năm 1925 vì bệnh não úng thủy.

Năm 2012, Beck và Alan J. Fridlund đã công bố phát hiện của mình rằng Douglas Merritte không phải là một đứa trẻ "khỏe mạnh" và "bình thường" như Watson mô tả trong thí nghiệm năm xưa. Thay vào đó, họ phát hiện Douglas đã bị bệnh não úng thủy từ khi mới sinh ra và họ cũng đưa ra những bằng chứng cho thấy Watson biết rõ sự thật này nhưng cố tình xuyên tạc tình hình sức khỏe của cậu bé. Những phát hiện này không chỉ phủ bóng lên di sản của Watson mà còn đào sâu các vấn đề đạo đức của thí nghiệm nổi tiếng này.

Albert bé nhỏ: Thí nghiệm tâm lý phi đạo đức thực hiện trên đứa trẻ 8 tháng tuổi gây ra nhiều tranh cãi nhất trong lịch sử nghiên cứu - Ảnh 4.

Năm 2014, người ta nghi ngờ những phát hiện của Beck và Fridlund khi các nhà nghiên cứu đưa ra bằng chứng cho thấy một cậu bé có tên là William Barger chính là Albert bé nhỏ thực sự. Barger sinh cùng ngày với Merritte, là con trai của một y tá làm việc cùng bệnh viện với mẹ của Merritte. Barger qua đời ở tuổi 87 vào năm 2007, được biết ông mắc bệnh sợ chó, dù nhiều người không thể khẳng định đó có phải là hậu quả từ thí nghiệm Little Albert hay không.

Về phía John Watson, sự nghiệp của ông kết thúc trong vụ bê bối đạo đức. Ông bỏ nghề và trở thành một giám đốc quảng cáo.

(Theo verywellmind, newscientist)


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại