Mới đây, tờ al-Monitor đăng tải bài viết của phóng viên Amberin Zaman nhan đề: "Who really won in south Caucasus?" (Ai thực sự đã thắng ở nam Kavkaz).
Nhằm đem lại cho độc giả cái nhìn đa chiều, đặc biệt là về cái gọi là "chiến thắng" của Nga sau khi thỏa thuận hòa bình về xung đột Nagorno-Karabakh được ký kết, chúng tôi xin được lược dịch bài viết.
Nga là "bên thắng cuộc" sau xung đột Nagorno-Karabakh?
Trong tất cả các cuộc xung đột nước ngoài có sự tham gia của Thổ Nhĩ Kỳ thời gian gần đây, cuộc xung đột ở Nagorno-Karabakh là hoạt động quân sự diễn ra nhanh nhất (1 tháng, 2 tuần và 3 ngày) cũng như mang tính quyết định nhất.
Vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ đã được thể hiện rõ từ những ngày đầu của cuộc chiến (27/9) với các cố vấn quân sự, máy bay không người lái (UAV) và các tay súng Syria. Nó đã cho phép Azerbaijan giành lại một cách đẫm máu tất cả các lãnh thổ bị Armenia chiếm đóng trong gần ba thập kỷ.
Cái gọi là "quyền lực cứng" của Thổ Nhĩ Kỳ đã làm thay đổi cán cân ở nam Kavkaz/Caucasus, giống như ở Syria và Libya.
Tuy vậy, Nga, quốc gia đứng ngoài cuộc xung đột, được nhiều người coi là "bên thắng cuộc" thực sự. Có đúng như vậy không?
Xe bọc thép của lực lượng gìn giữ hòa bình Nga triển khai tại Nagorno-Karabakh.
Thất bại ở Nagorno-Karabakh là thực tế tàn nhẫn và là một điều nhục nhã đối với người Armenia. Các lãnh đạo nước này đang bị công chúng giận dữ cáo buộc là những kẻ phản bội.
Yerevan và Stepanakert đã mất ít nhất 1.500 binh sĩ, một số lượng đáng kể trang thiết bị. Hy vọng về một thỏa thuận trong tương lai sẽ trao cho người dân Nagorno-Karabakh (đại đa số là dân tộc Armenia) quyền tự quyết - tức là hợp nhất với Armenia, đã bị sụp đổ.
Thỏa thuận ngừng bắn 9 điểm do Điện Kremlin làm trung gian có hiệu lực vào ngày 10/11 đã kịp thời cứu vãn việc kiểm soát của phía Armenia đối với khoảng 70% diện tích Nagorno-Karabakh.
Khoảng 2.000 lính gìn giữ hòa bình của Nga sẽ được triển khai trong và xung quanh khu vực này, đồng thời đánh dấu sự trở lại của Quân đội Nga trong lãnh thổ Azerbaijan.
Sự kiểm soát của Nga đối với Armenia đã gần hoàn tất và các suy luận thông thường cho rằng Moscow đã cho phép Ankara làm suy yếu Yerevan trước khi "đánh quỵ" nó bằng cách áp đặt các điều khoản thỏa thuận hòa bình.
Nga cũng tỏ ra "cửa trên" khi nói rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình ở Karabakh, mặc dù Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tuyên bố hoàn toàn khác.
Xe tăng Nga được triển khai tại Nagorno-Karabakh.
Thổ đã thu được "lợi lộc" gì trước, trong và sau xung đột?
Richard Giragossian, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Khu vực (RSC), một tổ chức tư vấn độc lập có trụ sở tại Yerevan, cho rằng Ankara đã lấy lại được vai trò "người bảo trợ quân sự chính" của Azerbaijan.
Đây là một vai trò mà Thổ Nhĩ Kỳ đã để mất khi Azerbaijan bị Armenia nghiền nát trong Chiến tranh Nagorno. -Karabakh lần thứ nhất những năm 1990.
"Các cố vấn và vũ khí của Thổ Nhĩ Kỳ hiện đã thay thế Nga và họ sẽ muốn giữ mọi thứ theo cách đó". Ông Giragossian nhấn mạnh với al-Monitor: "Tôi cảm nhận được sự lo lắng của người Azerbaijan trước việc triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình của Nga.
Đối với nhiều người Azerbaijan, cuộc chiến không chỉ để giành lại lãnh thổ đã mất.
UAV Bayraktar TB2 do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất đã trở thành vũ khí chiến lược giúp phía Azerbaijan giành chiến thắng (Ảnh: Çatışma Gündemi).
Thomas de Waal, một thành viên cao cấp tại Viện nghiên cứu Carnegie Europe và là tác giả của một số cuốn sách về Caucasus bình luận với al-Monitor: "Đó là một cuộc chiến tranh giải phóng họ khỏi nước Nga".
Theo ông de Waal, lợi ích chiến lược lớn nhất của Thổ Nhĩ Kỳ là việc mở một hành lang vận tải, mặc dù bị Nga giám sát, thông qua Nakhichevan (một khu vực tự trị của Azerbaijan ở biên giới phía đông của Thổ Nhĩ Kỳ) qua Armenia đến Azerbaijan và xa hơn nữa.
"Tuyến đường này sẽ kết nối Istanbul đến Bishkek (thủ đô Kyrgyzstan) ở Trung Á. Điều này cũng đồng nghĩa với việc Thổ Nhĩ Kỳ sẽ được kết nối bằng đường sắt với Nga".
Theo các chuyên gia, nói về chiến thắng lớn của người Nga có thể "hơi quá đà".
"Có những điểm yếu trong thỏa thuận. Người Nga có thể đã "bóc ngắn cắn dài". Họ chỉ có ít hơn 2.000 quân ở giữa một khu vực xung đột. Đó là một thỏa thuận nhưng không phải là hòa bình" de Waal lưu ý.
Khi Nhóm Minsk với Nga, Pháp và Mỹ là đồng chủ tịch được giao nhiệm vụ đàm phán một giải pháp hòa bình từ năm 1993 dường như hoàn toàn bất lực khi xung đột bùng phát, người Nga chỉ đơn giản là giữ lại được vị thế của mình trong "cuộc chơi" với thỏa thuận ngừng bắn.
"Cuối cùng, không có gì miêu tả địa vị của Nagorno-Karabakh (Cộng hòa Artsakh tự xưng) trong thỏa thuận này", de Waal nhấn mạnh trong một bài viết được Carnegie đăng tải.
"Đây là vấn đề trọng tâm của cuộc tranh chấp trong hơn một thế kỷ. Bỏ nó ra là có chủ ý, nhưng nó có nghĩa là một vấn đề chính trị rất nhạy cảm vẫn chưa được giải quyết".
Bản đồ cho thấy tuyến đường nối Nakhichevan với Azerbaijan và Armenia với Nagorno-Karabakh trong tương lai bên cạnh thỏa thuận ngừng bắn (Ảnh: Çatışma Gündemi).
Armenia sẽ ngả vào "vòng tay" của kẻ thù?
Cuối cùng, những lo lắng về sức ép của Nga có thể thúc đẩy Thổ Nhĩ Kỳ mở lại biên giới trên bộ với Armenia, thúc đẩy sự cân bằng chiến lược một lần nữa, nhưng lần này lại có lợi cho Yerevan.
Biên giới giữa 2 nước bị phong tỏa để thể hiện tình đoàn kết với Azerbaijan khi lực lượng Armenia chiếm đóng vùng Kelbajar vào năm 1993.
Theo các điều khoản của thỏa thuận hôm 9/10, Kelbajar sẽ là khu vực bị chiếm đóng đầu tiên được trao trả cho Azerbaijan vào ngày 14/11.
Một khi Armenia hoàn tất việc rút khỏi tất cả các khu vực chiếm đóng, những lời bào chữa của Ankara về việc hủy bỏ một loạt các thỏa thuận (do Thụy Sĩ làm trung gian ký với Armenia năm 2009) để tái thiết lập quan hệ ngoại giao và mở lại biên giới sẽ "tan thành mây khói".
Nhà phân tích người Azerbaijan của Tổ chức Khủng hoảng Quốc tế (ICG) Zaur Shiriyev tin rằng Azerbaijan, quốc gia đã gây áp lực buộc Ankara từ bỏ thỏa thuận năm 2009, giờ đây sẽ ủng hộ bình thường hóa quan hệ giữa hai nước vì nó sẽ giúp làm "loãng" ảnh hưởng của Nga.
Baku cũng sẽ dễ dàng hơn trong việc xây dựng quan hệ kinh tế với nước láng giềng thù địch.
"Quan trọng hơn, điều này sẽ thúc đẩy hòa giải, xoa dịu hận thù và cho phép các dân tộc trong khu vực học cách chung sống hòa bình với nhau", Ông Shiriyev nhấn mạnh với al-Monitor.
Lính Nga giám sát tuyến biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Armenia vào năm 2015 (Ảnh: DW).
Ozgur Unluhisarcikli, Giám đốc phụ trách Thổ Nhĩ Kỳ thuộc Quỹ Marshall Đức (của Mỹ) đồng tình với quan điểm này trong bình luận gửi qua email cho Al-Monitor:
"Cần phải có một kế hoạch hòa bình dẫn đến một hiệp ước hòa bình và việc Thổ Nhĩ Kỳ hoàn toàn bình thường hóa quan hệ với Armenia nên là một phần trong đó.
Thực tế là Thổ Nhĩ Kỳ nên tuyên bố đơn phương dỡ bỏ phong tỏa biên giới với Armenia ngay lúc này để thể hiện sự đồng tình với giải pháp hòa bình".
Nhưng một Armenia đang bị sốc và "thu mình vào vỏ ốc" và khó có khả năng hoan nghênh bất kỳ động thái nào như vậy khi vẫn coi Ankara là nguyên nhân chính khiến cuộc chiến bùng phát.
Khatchig Mouradian, một giảng viên nghiên cứu về Trung Đông, Nam Á và Châu Phi tại Đại học Columbia, cho biết:
"Thổ Nhĩ Kỳ đã đóng vai trò là động cơ, là trung tâm chỉ huy của cái gọi là nỗ lực chiến tranh của phía Azerbaijan.
Ở trên không là UAV Bayraktar và F-16 và trên mặt đất là các tay súng Syria - song song với cuộc chiến trong lĩnh vực ngoại giao.
Như vậy, người Armenia nhìn thấy ở Ankara sự ủng hộ không hề nao núng đối với cuộc chiến ở Nagorno-Karabakh.
Nó có thể là cái đinh cuối cùng đóng vào chiếc quan tài của quá trình bình thường hóa quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ - Armenia trong tương lai gần.
Thật khó để tưởng tượng Yerevan tham gia vào nỗ lực hồi sinh quá trình bình thường hóa vào thời điểm người dân Armenia đang thương tiếc hàng nghìn thanh niên đã trở thành con mồi của máy bay không người lái Thổ Nhĩ Kỳ".
Diana Yayloyan, một nhà nghiên cứu người Armenia cho biết: "Chỉ riêng việc đề xuất hòa giải giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Armenia thôi cũng đủ để bị gán cho là kẻ phản bội".
Người biểu tình Armenia đốt cờ Thổ Nhĩ Kỳ tại Yerevan vào năm 2014 (Ảnh: Daily Sabah).
Armenia và Azerbaijan sẽ phải học cách "chung sống"
Chiến tranh đã làm sống lại những ký ức đau thương về hơn 1 triệu người Armenia thiệt mạng những năm 1910 (hiện có 29 quốc gia coi đây là hành động diệt chủng trong khi Thổ Nhĩ Kỳ bác bỏ).
"Trong tâm hồn người Armenia, người Azerbaijan và người Thổ Nhĩ Kỳ được hòa làm một, như một dân tộc Turkic (các dân tộc Thổ/Turk/Đột Quyết) muốn tiêu diệt người Armenia", Yayloyan nhấn mạnh với al-Monitor.
"Nhưng theo thời gian, chủ nghĩa thực dụng cuối cùng sẽ chiếm ưu thế và người Armenia có thể bắt đầu để mắt đến tính kiêu ngạo của chính họ, đó là một nguyên nhân góp phần dẫn đến thất bại", de Waal nói.
Onnic J. Krikorian, một nhà báo ở Tbilisi, Gruzia và đã sống ở Armenia trong nhiều năm đã viết trên mạng xã hội Twitter.
"Những người theo chủ nghĩa dân tộc sẽ không thích điều này, nhưng việc chung sống (giữa 2 dân tộc) là điều không thể tránh khỏi. Đó sẽ là một con đường dài và khó khăn, nhưng đó là chặng đường sẽ phải đi.
Hy vọng rằng, nhiều người Armenia và Azerbaijan sẽ bắt tay vào việc này ngay bây giờ".
Amberin Zaman là nhà báo người Thổ Nhĩ Kỳ, phóng viên cao cấp phụ trách Trung Đông, Bắc Phi và Châu Âu của al-Monitor trong 5 năm qua.
Trước Al-Monitor, Zaman đã đưa tin về Thổ Nhĩ Kỳ, người Kurd và các cuộc xung đột trong khu vực cho các tờ The Washington Post, The Daily Telegraph, The Los Angeles Times và Voice of America.
Cô từng là phóng viên của The Economist tại Thổ Nhĩ Kỳ từ năm 1999 đến năm 2016, và đã từng là người phụ trách chuyên mục cho một số tờ báo tiếng Thổ Nhĩ Kỳ.
Lực lượng Armenia chăm sóc cho một người lính Azerbaijan bị thương trong giao tranh hôm 9/11 (Nguồn: ANNA News).