TAND TP Nha Trang, Khánh Hòa vừa có thông báo yêu cầu vợ chồng ông S. (ngụ TP HCM) tranh chấp hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ với một công ty du lịch, yêu cầu cung cấp giấy thỏa thuận của hai bên về việc lựa chọn tòa án có thẩm quyền giải quyết và một số tài liệu khác.
Theo tòa, nếu trong 30 ngày làm việc vợ chồng ông S. không thực hiện thì tòa sẽ trả lại đơn kiện. Sau đó vợ chồng ông S. đã làm đơn khiếu nại thông báo này theo hướng thẩm quyền giải quyết thuộc tòa án.
Tranh chấp lạ
Theo đơn kiện, tháng 2-2017, vợ chồng ông S. được mời đến công ty A để nghe giới thiệu về mô hình sở hữu kỳ nghỉ.
Công ty cho biết nếu đặt cọc ngay thì sẽ được giảm giá 10 triệu đồng và được tặng phiếu quà tặng đi du lịch miễn phí. Vợ chồng ông S. đã ký hợp đồng mua sở hữu kỳ nghỉ, đóng 116 triệu đồng (tương đương 30% tổng giá trị hợp đồng).
Công ty A giới thiệu ông S. qua một ngân hàng vay tín chấp 184 triệu đồng để thanh toán cho công ty.
Tuy nhiên, sau khi tìm hiểu kỹ và xem lại hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ đã ký, vợ chồng ông S. phát hiện có rất nhiều điều khoản bất lợi cho mình.
Sau đó phía ông S. yêu cầu công ty hoàn trả tiền nhưng không được nên đã nộp đơn khởi kiện đến TAND TP Nha Trang (nơi công ty A đóng trụ sở).
Hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ là một loại hợp đồng còn khá xa lạ ở Việt Nam, không bị điều chỉnh bởi Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở…
Nhưng nó lại liên quan đến các điều kiện kinh doanh bất động sản hình thành trong tương lai và các điều kiện huy động vốn.
Đặc biệt, trong hợp đồng mẫu và hợp đồng ký kết giữa vợ chồng ông S. và công ty A có sẵn quy định: “Trung tâm Trọng tài quốc tế Singapore (SIAC) giải quyết tranh chấp giữa các bên và được thực hiện bằng tiếng Anh”.
Từ đó vấn đề pháp lý đặt ra là trong trường hợp này tòa án Việt Nam hay Trung tâm Trọng tài SIAC giải quyết tranh chấp?
Được biết công ty A là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được thành lập và hoạt động hợp pháp tại Việt Nam nên không được coi là công ty nước ngoài tại Việt Nam.
Thẩm quyền thuộc tòa án
Có ý kiến cho rằng luật cho phép các bên lựa chọn cơ quan giải quyết tranh chấp gồm cả tòa án và trung tâm trọng tài trong nước, ngoài nước.
Việc hợp đồng lựa chọn cơ quan giải quyết tranh chấp là SIAC là không trái pháp luật và phải tuân thủ hợp đồng.
Hơn nữa, mô hình sở hữu kỳ nghỉ còn khá mới mẻ ở Việt Nam, chưa có nhiều người hiểu rõ và tham gia. Do đó nên tìm một cơ quan trung gian mang tầm quốc tế như SIAC để giải quyết tranh chấp thì mới hiểu rõ vấn đề.
Căn cứ vào Điều 6 Luật Trọng tài thương mại 2010 thì nếu hai bên tranh chấp đã có thỏa thuận trọng tài mà một bên khởi kiện tại tòa án thì tòa án phải từ chối thụ lý, trừ khi thỏa thuận trọng tài vô hiệu hoặc không thể thực hiện được.
Vì thế TAND TP Nha Trang yêu cầu ông S. phải cung cấp văn bản thỏa thuận của hai bên về việc lựa chọn tòa án có thẩm quyền giải quyết là đúng. Nếu không cung cấp được thì tòa có quyền trả đơn vì không thuộc thẩm quyền giải quyết.
Tuy nhiên, theo luật sư Nguyễn Hồng Hà (Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Khánh Hòa), dù hợp đồng có thỏa thuận điều khoản trọng tài giải quyết tranh chấp là SIAC nhưng TAND TP Nha Trang vẫn có quyền thụ lý giải quyết, bởi dự án của công ty A không phải là dự án kinh doanh bất động sản.
Về bản chất, đây là dự án bán quyền sở hữu kỳ nghỉ, tức là cung cấp một sản phẩm dịch vụ du lịch cho người tiêu dùng (NTD). Do đó, hợp đồng mẫu sở hữu kỳ nghỉ này còn phải được điều chỉnh bởi Luật Bảo vệ NTD.
Cạnh đó, Luật Trọng tài thương mại 2010 quy định rõ quyền lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp của NTD. Cụ thể, tại Điều 17 luật này quy định:
Đối với các tranh chấp giữa nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ và NTD, mặc dù điều khoản trọng tài đã được ghi nhận trong các điều kiện chung về cung cấp hàng hóa, dịch vụ do nhà cung cấp soạn sẵn thỏa thuận trọng tài thì NTD vẫn được quyền lựa chọn trọng tài hoặc tòa án để giải quyết tranh chấp. Nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ chỉ được quyền khởi kiện tại trọng tài nếu được NTD chấp thuận.
PGS-TS Đỗ Văn Đại (Trưởng khoa Luật dân sự, Trường ĐH Luật TP.HCM) phân tích hai vấn đề liên quan. Thứ nhất, chủ thể tranh chấp trong vụ này không có yếu tố nước ngoài, do đó việc thỏa thuận trọng tài nước ngoài giải quyết tranh chấp là không có giá trị, tức điều khoản vô hiệu. Do đó, thẩm quyền giải quyết là của TAND TP Nha Trang.
Thứ hai, trong quan hệ giữa công ty A và vợ chồng ông S. là quan hệ giữa người cung cấp dịch vụ và NTD. Điều 38 Luật Bảo vệ NTD quy định rõ:
Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ phải thông báo về điều khoản trọng tài trước khi giao kết hợp đồng và được NTD chấp thuận.
Trường hợp điều khoản trọng tài do tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đưa vào hợp đồng theo mẫu hoặc điều kiện giao dịch chung thì khi xảy ra thanh chấp, NTD là cá nhân có quyền lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp khác.
Do đó giả sử điều khoản trọng tài trong hợp đồng có hiệu lực thì việc giải quyết tranh chấp cũng phụ thuộc vào ý chí của NTD.
UBND tỉnh Khánh Hòa khuyến cáo
Liên quan đến vụ việc này UBND tỉnh Khánh Hòa đã có văn bản chỉ đạo giao cho Sở Du lịch chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp, Sở Công Thương, Sở TT&TT, Hội Luật gia, Hội Bảo vệ quyền lợi NTD và các ngành, địa phương liên quan làm việc trực tiếp với công ty A về nội dung hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ. Mục đích là để xem xét, chấn chỉnh, khắc phục các sai phạm theo quy định (nếu có), đồng thời thông tin khuyến cáo rộng rãi cho người dân biết nên tham vấn các cơ quan chuyên môn, các tổ chức hành nghề luật sư trước khi tham gia ký kết nhằm tránh thiệt hại, rủi ro.