Ai ủng hộ Mỹ chống lại ông Assad?
Thủ tướng Anh Theresa May hôm qua, 11/4, tuyên bố “tất cả các dấu hiệu” đều cho thấy chính phủ Syria phải chịu trách nhiệm cho vụ tấn công bằng vũ khí hoá học ở Douma.
Bà May, dù chưa chính thức xác nhận sự tham chiến của Anh trong chiến dịch của Mỹ, nhưng đã ra lệnh cho các tàu ngầm của nước này di chuyển đến vị trí trong tầm bắn của tên lửa, nhằm sẵn sàng mở cuộc tấn công nhằm vào quân đội Syria.
Cùng với Anh, cả Úc và Ả Rập Saudi đều lên tiếng ủng hộ hành động quyết liệt của Washington.
Ngoại trưởng Úc Julie Bishop cho biết nước này tán thành Mỹ. Trong khi Hoàng tử Ả Rập Saudi Mohammed bin Salman khẳng định trong cuộc họp báo với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm 10/4 rằng: “Nếu liên minh và các đối tác của chúng tôi yêu cầu, thì chúng tôi sẽ có mặt”.
Lập trường của Thổ Nhĩ Kỳ hiện vẫn chưa rõ ràng, dù nước này được cho là có quan điểm chống lại ông Assad.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan một mặt ủng hộ quân nổi dậy Syria, mặt khác lại hợp tác với cả Nga và Iran để giảm thiểu bạo lực tại khu vực này.
Vị trí đồn trú của lực lượng do Mỹ dẫn đầu ở Syria. Ảnh: NY Times
Ai về phe Nga ủng hộ ông Assad?
Tính đến thời điểm hiện tại, Nga và Iran là hai đồng minh thân cận nhất của chính phủ Syria.
Theo lời Cố vấn cấp cao về các vấn đề quốc tế của Đại giáo chủ Iran, ông Ali Akbar Velayati, Tehran “thề sẽ trở lại Damascus để chống lại bất kì sự can thiệt quân sự nào”.
“Chúng tôi sẽ cùng chính phủ Syria chống lại bất kì cuộc xâm lăng nào. Iran ủng hộ Syria trong cuộc chiến chống Mỹ và Israel”, ông Ali Akbar Velayati nói trong chuyến thăm Ghouta ở Syria.
Trên thực tế, Iran đã đe doạ sẽ tấn công Israel nhằm trả đũa về cuộc tấn công sáng 9/4, bị nghi là do Israel tiến hành nhằm vào sân bay quân đội T-4 của Syria.
Vị trí đồn trú của quân đội Nga...
...và quân đội Iran ở Syria. Ảnh: NY Times
Ngoài Iran, Ấn Độ hiện cũng đang trong quá trình đàm phán về mối quan hệ hợp tác chiến lược “Nga - Ấn”, theo báo cáo của RIA từ Điện Kremlin.
Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 11/4 được cho là đã điện đàm với Thủ tướng Ấn Độ Narenfra Modi.
Hiện, một cụm binh lực lớn của Mỹ, bao gồm cả tàu sân bay đang tập trung tại khu vực đông Địa Trung Hải, sẵn sàng khai hỏa tấn công Syria.
Động thái trên diễn ra trong bối cảnh Mỹ dường như đang chuẩn bị cho một đợt không kích nhằm vào Syria, sau khi cáo buộc quân đội nước này sử dụng vũ khí hóa học ở Đông Ghouta hôm 7/4 nhằm vào dân thường.
Trong khi đó, Nga được cho là đã điều 11 tàu chiến rời cảng Tartus (Syria) ra khơi để đối đầu với các mối đe doạ từ Washington.
Khí tài quân sự dự kiến sẽ được các nước huy động nếu chiến tranh Syria nổ ra.