Thưa giám mục, mấy ngày qua dư luận quan tâm và có ý kiến, thậm chí tỏ ra nuối tiếc trong việc đại tu Nhà thờ Bùi Chu, Giám mục có ý kiến gì về việc này?
Giám mục Thomas Vũ Đình Hiệu: Nhà thờ chính tòa Giáo phận Bùi Chu được xây dựng vào năm 1885, bởi Đức Giám mục Wenceslao Onate Thuận với chiều dài 78m, rộng 22m, cao 15m, tháp cao 35m.
Tính đến nay, Nhà thờ chính tòa Bùi Chu đã 134 năm tuổi. Do ảnh hưởng của khí hậu nhiệt đới, nhất là chống chọi với những cơn bão, nhà thờ đã xuống cấp nghiêm trọng.
Tường đã bị nứt nẻ nhiều chỗ, vôi vữa và gạch mái bị rớt xuống, ảnh hưởng không chỉ tới việc thờ phượng mà còn gây nguy hiểm tới tính mạng của giáo dân.
Thưa Giám mục, việc đại tu nhà thờ đã lên kế hoạch từ khi nào, các linh mục tu sĩ và giáo dân có ý kiến gì về việc đại tu Nhà thờ Bùi Chu?
Giám mục Thomas Vũ Đình Hiệu: Việc đại tu Nhà thờ Bùi Chu đã được chúng tôi lên kế hoạch cách đây 5 năm (năm 2014). Theo đó, hầu hết các tu sĩ, giáo dân và chính quyền địa phương đã đồng thuận về việc đại tu Nhà thờ Bùi Chu.
Trong thời gian này, ngoài việc kêu gọi giáo dân cầu nguyện cho dự án được sớm khởi công, thi công an toàn, nhiều giáo dân và nhà hảo tâm đã đóng góp công, của và đã chuẩn bị tương đối đầy đủ vật liệu để đại tu ngôi thánh đường này.
Thời gian gần đây, xuất hiện một số ý kiến trên mạng xã hội về việc đại tu nhà thờ.
Giám mục Giáo phận Bùi Chu Thomas Vũ Ðình Hiệu
Tuy nhiên đó chỉ là những ý kiến của một số người “ngoại đạo”. Đối với việc này chúng tôi sẽ tham khảo, song quyết định sửa chữa trùng tu, đại tu như thế nào cuối cùng vẫn thuộc về tu sĩ và giáo dân.
Ngày thường Nhà thờ Bùi Chu diễn ra 2 thánh lễ sáng và chiều thứ Bảy, Chúa nhật có thể lên tới 4 thánh lễ.
Việc tụ họp hàng nghìn giáo dân để dâng lễ, trong khi đó nguy cơ sụp đổ, mất an toàn rất dễ xảy ra. Chính vì thế việc chúng tôi đưa lên hàng đầu vẫn là đảm bảo an toàn tiếp đó là mục đích thờ phượng, sau đó mới tính đến các giá trị khác như kiến trúc, di sản…
Theo đó, kế hoạch hạ giải Nhà thờ Bùi Chu sẽ được tiến hành vào ngày 13/5/2019 tới.
"Nhà thờ Bùi Chu, trước đây, một số phần như vữa trát chủ yếu là cát vôi và mật, trần được làm bằng luồng rơm trộn vôi, cát nên đã hết tuổi thọ phải làm lại. Ngoài ra Nhà thờ Bùi Chu đã quá tải, khiến nhiều giáo dân phải ngồi ngoài trời khi dự thánh lễ… Chúng tôi dựa vào ngôi nhà thờ cũ để đại tu từ những chi tiết nhỏ nhất, vì vậy người dân không lo ngại về diện mạo mới của Nhà thờ Bùi Chu".
Giám mục Thomas Vũ Ðình Hiệu
Thưa Giám mục việc đại tu đã được tham khảo và đã có ý kiến chuyên gia nào về việc này, ngôi nhà thờ mới diện mạo sẽ thế nào so với Nhà thờ Bùi Chu hiện nay?
Giám mục Thomas Vũ Đình Hiệu: Trước khi đi đến quyết định đại tu Nhà thờ chính tòa Bùi Chu, chúng tôi đã đi tham khảo nhiều nơi, trong đó có quần thể Nhà thờ đá Phát Diệm, Kim Sơn (Ninh Bình).
Thời điểm trùng tu Nhà thờ Phát Diệm, kinh phí rất tốn kém, tuy nhiên vì đó là ngôi nhà thờ có kiến trúc độc đáo nhất Đông Nam Á, vật liệu cũng độc đáo nên đành phải chọn giải pháp trùng tu.
Đối với Nhà thờ Bùi Chu, trước đây, một số phần như vữa trát chủ yếu là cát vôi và mật, trần được làm bằng luồng rơm trộn vôi, cát nên đã hết tuổi thọ phải làm lại.
Ngoài ra Nhà thờ Bùi Chu đã quá tải, khiến nhiều giáo dân phải ngồi ngoài trời khi dự thánh lễ… Chúng tôi dựa vào ngôi nhà thờ cũ để đại tu từ những chi tiết nhỏ nhất, vì vậy người dân không lo ngại về diện mạo mới của Nhà thờ Bùi Chu.
Một số ý kiến cho biết, họ muốn kêu gọi người dân đóng góp kinh phí, nhà nước cho đất để trùng tu giữ lại Nhà thờ Bùi Chu; đồng thời xây nhà thờ mới ở khu vực lân cận, Giám mục nghĩ sao về việc này?
Giám mục Thomas Vũ Đình Hiệu: Chúng tôi không phủ nhận lòng tốt của người dân, song phải khẳng định một điều “không ai cho không ai cái gì” và việc này đã từng xảy ra ở Giáo phận Phát Diệm.
Cách đây gần 30 năm, có tổ chức đặt barie để bán vé khi tín hữu về hành hương tại Nhà thờ Phát Diệm. Nếu như ai đó bán vé khi tín hữu hoặc người dân đến nhà thờ thì đó là điều người Công giáo không chấp nhận được.
Xin cảm ơn Giám mục.
Theo ông Ðặng Ngọc Cường - Chủ tịch UBND huyện Xuân Trường, Hội đồng linh mục giáo phận Bùi Chu đã họp bàn vấn đề này trong nhiều năm và đi đến quyết định hạ giải nhà thờ. Về mặt thủ tục hành chính đều đã hoàn tất.
Tiếc cho một di sản
Ông Martin Ram, cố vấn cao cấp tại Ngân hàng Thế giới (WB), cũng là Giám đốc dự án tại Trung Tâm Phát Triển Ðô Thị Bền Vững thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (từng sống ở Hà Nội từ 2002 - 2010 khi đảm nhiệm chức vụ Chuyên gia kinh tế trưởng của WB tại Việt Nam), vừa có tâm thư kêu gọi giải cứu nhà thờ chính tòa Bùi Chu.
Ngoài ra hơn 20 kiến trúc sư trên cả nước đã lên tiếng cho rằng nên trùng tu lại Nhà thờ Bùi Chu hơn là đại tu hoặc xây mới, vì đây còn là một công trình có ý nghĩa rất lớn về mặt di sản văn hóa-kiến trúc và lịch sử.
Giáo phận Bùi Chu được ví là cái nôi của người Công giáo, nơi có nhiều xứ đạo lâu đời và gắn liền với nhiều sự kiện lịch sử hình thành, phát triển của Công giáo tại Việt Nam.
Nhà thờ chính tòa Bùi Chu nổi bật với gam màu thổ hoàng; dưới là hàng cột lim đen bóng đặt trên các trụ đá cổ bồng trạm trổ tinh tế; trên là mái vòm hình ô – van đậm phong cách kiến trúc Ba-rốc (tiếng Bồ Ðào Nha, nghĩa là những viên ngọc quý) nhưng vẫn gợi dáng dấp tam quan Ðông Phương cổ kính.
Ðầu nhà thờ là cổng vào Tòa Giám mục Bùi Chu, nơi đây có tháp đồng hồ. Chiếc đồng hồ cổ kính của Pháp được sản xuất riêng cho nhà thờ Bùi Chu vào năm 1922.
Máy đồng hồ có kích thước 1,2m x 0,7m, hoạt động theo nguyên tắc dùng thế năng (vật nặng) làm chuyển động các bánh xe. Ðồng hồ dùng 3 quả tạ bằng kim loại, mỗi quả chừng 50 kg. Quả tạ để làm chuyển động các bánh răng chạy giờ, đánh nhạc mỗi 15 phút và đánh giờ.