Cả tuần nay nghe tin cá chết trắng hồ Tây, vớt mãi không hết, ban đầu tôi cũng thấy lắng lo như bao người khác, song mỗi phút trôi qua, giờ tôi chuyển sang tiếc nuối, buồn thương, như chứng kiến tri kỷ của mình gặp nạn.
Hồ Tây từng được đổi tên rất nhiều lần, là một danh lam thắng cảnh nổi tiếng, có bề dày văn hóa lịch sử lâu đời với người Hà Nội.
Tôi không sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, nhưng nhật ký cuộc đời tôi có ba phần tư số trang gắn với mảnh đất này. Những địa danh gắn bó với người thủ đô thế nào, với tôi cũng y như vậy.
Tôi không giữ chúng cho riêng mình đâu, tôi sẵn sàng chia sẻ với mọi người mà, thế nên, bây giờ đây, khi hồ Tây “chảy máu”, tôi cũng xót lòng như bao thế hệ người Tràng An vậy.
Nhìn những bức ảnh chụp đàn cá bất động trên vỉa hồ, oằn mình há mõm dưới vòng quay xe rác, nằm chồng lên nhau lớp lớp trắng xóa khổng lồ, tôi cảm giác như có gì đó đang bị tước mất thô bạo trong tim mình.
Mùi cá tanh làm người ta nôn mửa, sợ hãi tránh xa từ cách đó cả vài ki lô mét, tôi cũng thừa nhận mình không thể chịu đựng nổi cái mùi ấy quá 5 giây, nhưng tôi vẫn muốn chứng kiến, để ghi nhớ khoảnh khắc hồ Tây đã bị thương như thế nào.
Nó không còn là cái hồ lãng mạn trong thơ ca nữa, nó đã biến thành cơn ác mộng của người dân Hà Nội mấy ngày qua một cách bất ngờ.
Tôi nhớ nao lòng hồ Tây trong kí ức ngày thơ bé…
Mẹ tôi người Hà Nội, nhưng xuất khẩu đi Liên Xô, gặp rồi yêu bố tôi, cưới xong theo chồng về tận vùng đất mỏ. Mẹ toàn trêu tôi là cũng được tiếng gái Hà Nội mất gốc.
Năm nào tôi cũng về ngoại nghỉ hè, một trong những điều tôi thích nhất là được bác chở đi phố ăn kem, ngắm tháp Rùa, và ra hồ Tây câu cá.
Trẻ con đứa nào chẳng tò mò, tôi thấy lạ và hứng nhất với trò xách cần câu ra đường Thanh Niên mỗi buổi chiều, bị ông bác cấm mon men ra gần mép nước, chỉ được phép đứng trên bờ đợi cá cắn câu với mấy đứa nhóc không quen biết.
Tôi còn nhầm lẫn lung tung giữa hồ Tây và hồ Trúc Bạch, trong mắt trẻ con thì hồ nào chẳng giống nhau, tôi liên mồm hỏi về 2 cái hồ sát nhau ấy, khiến bác tôi phát điên.
Nước hồ Tây từng xanh ngắt không một khuyết điểm, đẹp đến mê lòng.
Hồ Tây chục năm trước to lắm, sóng vỗ ào ào như biển trước nhà tôi dưới Quảng Ninh, màu xanh cổ chai, thỉnh thoảng lén đứng gần mấy bậc thang tôi còn trông thấy cả ốc bò trên đá.
Nước hồ ngày xưa sạch mát, vục vào rửa tay chẳng thấy tanh, cũng không một cọng rác.
Thi thoảng mới thấy xác lá rữa, hoặc cành cây khô, anh trai tôi toàn doạ là ma nước hiện hình làm tôi vừa thò tay ra định vớt lên nghịch lại sợ quá rụt về, há hốc mồm tưởng thật.
Ông bác tôi hay lim dim dưới gốc liễu ven hồ, cần câu cắm vào lan can, chèn thêm cục gạch, với mồi câu là mấy con giun do tôi xới tung cả vườn nhà bà.
10 lần đi câu thì 9 lần thu hoạch được cá, hẳn cá to nữa cơ, cứ kéo dây cước lên bờ là tôi hí hửng ngồi thụp xuống dí tay lên khắp thân con cá, nhìn nó nhảy tưng tưng trên vỉa hè, mấy đứa con gái váy điệu khóc ầm lên vì sợ, còn tôi chỉ nghĩ đến tối được ăn cá chiên giòn chấm tỏi ớt thôi.
Mà chẳng hiểu sao cá ở hồ Tây ăn ngon lắm, thịt thơm lừng, chắc vì thế nên người ta mới đổ xô đi câu. Nhìn lại cảnh bây giờ, cả chục tấn cá hồ Tây mà không ai dám mổ, thật éo le...
Nghe đâu ở hồ còn có truyền thuyết cá trắm khủng nặng vài trăm cân nữa, khiến bao người mất ăn mất ngủ nghĩ cách câu lên.
Đủ thứ chuyện huyền ảo được thêu dệt về những bí ẩn dưới lòng hồ Tây, cùng với lịch sử tồn tại của nó đủ khiến nó trở thành một phần hồn thiêng thủ đô, sống trong tiềm thức người dân Hà Nội với ý nghĩa tâm linh văn hoá không khác gì hồ Gươm, tháp Rùa.
Giờ còn ai thành thơi ngồi chơi, tản bộ, chụp ảnh hoàng hôn ven hồ Tây như thế này nữa...
Lớn lên một chút, vào Đại học, tôi thường được bạn trai chở qua những con phố men dọc bờ hồ Tây, chọn góc nào đó thật đẹp, dừng lại ngắm ánh đèn lung linh từ những chiếc thuyền, nhà hàng thủy tạ ven hồ, mút nước dừa và tán chuyện linh tinh. Nơi này quả là thích hợp làm chốn hẹn hò cho các đôi uyên ương.
Vào buổi nào hồ cũng đẹp, sáng một kiểu, trưa một kiểu, tối lại style khác.
Nhưng tóm lại là đầy xúc cảm, dễ khiến người ta mềm lòng. Trời nắng, tôi thèm ra ven hồ ăn kem, người yêu tôi gật đầu chở đi ngay lập tức.
Trời lạnh lạnh, tôi bắt anh xách xe đi hít hà những cơn gió lúc chuyển mùa. Trời mưa, tôi đòi ra hồ xem bọt nước tung tràn trắng xóa... Hóa ra, tôi có biết bao kỉ niệm gắn bó với hồ Tây...
Còn một điều đặc biệt nữa mà ai cũng biết, đó là sen hồ Tây. Chẳng phải ca ngợi gì nhiều, mùa nắng lên là sen nở quanh đó thơm ngát, bao cô gái rủ nhau về xúng xính chụp ảnh làm duyên, áo yếm lưng trần khiến bao chàng ngơ ngẩn.
Nhưng nhiều người chỉ biết đẹp cho mình, không nghĩ đẹp cho hồ, vô tư phá dập đầm sen, đấy cũng có là cái khiến cảnh quan nơi này bị đổi thay đi nhiều.
Ngoài sen, hồ Tây luôn xanh mát bởi nó có nhiều cây cối vô cùng, trăm nghìn loại cổ thụ trên bờ dưới nước, người dân sống quanh đó tôn thờ nên không bao giờ chặt bỏ.
Hình như diện tích hồ ngày càng thu hẹp do sự thay đổi của dân sinh, nhưng cảm giác bao la bất tận của nó vẫn không khác xưa là mấy.
Cách đây vài trăm năm, vua chúa còn đi thuyền vãn cảnh, chim bay quanh cả ngày không hết mặt hồ, giờ thì sắm cái ca nô lượn vài vòng chắc vẫn dư thời gian đạp vịt.
Hình như có duy nhất một điều khác. Là sự sống trong hồ đang dần bị rút đi do nước ô nhiễm, hàng tấn chất thải từ nhà hàng và khu dân cư xung quanh đổ xuống hồ khiến cá không còn oxi để thở, không đủ điều kiện để sinh tồn.
Tôi không chỉ trích lên án ai, cũng không lập đàn cầu siêu cho cá, tôi chỉ thấy bất lực, chếnh choáng như say, khi tận mắt thấy thứ mình trân quý yêu thương đang héo mòn trong im lặng.
Có rất nhiều người giống tôi bây giờ, ngồi ở nhà nhưng hồn thì nhớ hồ Tây ngày đã xa, hồi con nước hồ chẳng nhuộm màu gì cả, tối ngày chỉ long lanh như mảnh ngọc bích khổng lồ.
Và họ cũng sợ hãi như tôi. Bỗng dưng mai thức giấc, lại thêm một nơi nào đó bị biến đổi khác thường, người Hà Nội lại mất đi một phần máu thịt. Đâu ai muốn những bài thơ ca về hồ Tây sẽ phải đổi lời…
Người Hà Nội nôn nao nhớ những ngày mặt hồ yên ả trong lành.
Ai đã giết hồ Tây? Nếu có linh hồn, liệu sóng hồ Tây có kêu than khóc lóc, hàng liễu ven hồ có rủ tóc buồn thương?...
Chúng ta đã làm gì nước hồ thân thương, để giờ đây không còn những buổi chiều hóng mát, không còn cụ già ra đường tập thể dục, không còn trẻ thơ chạy nhảy trên những con phố ven hồ? Chỉ còn mùi cá tanh, mùi sợ hãi, mùi trốn tránh...
Còn mãi đến nhiều năm sau.
Ai cũng có kỉ niệm về danh thắng này mang dấu ấn riêng mình. Mỗi tâm hồn lại tưởng nhớ về hồ Tây theo cách khác nhau.
Song, dù có bị đổi thay thế nào, nơi này vẫn mãi là nàng thơ dịu dàng tình tứ trong lòng Hà Nội yêu thương. Bao giờ tìm lại được hồ Tây xưa cũ?...
“Chiều hồ Tây lao xao từng con sóng
Chợt hoàng hôn về từ bao giờ…”.