Ai sẽ trả lời cho chúng ta những câu hỏi ở Bình Thuận?

Bùi Hải |

ĐBQH Dương Trung Quốc nói rằng: “Sự việc hôm qua là bài học cho chúng ta”. Nhưng đó không chỉ là bài học lắng nghe của chính quyền, mà còn là bài học đắt giá về hành xử của không ít người dân.

"Không tưởng tượng nổi, không hiểu nổi"

Tôi tin rằng có rất nhiều người sẽ cùng hỏi những câu hỏi tại sao khi những hình ảnh đập phá kinh khủng ở Bình Thuận đập vào mắt (Bài viết này chỉ đề cập riêng hành vi đập phá, gây rối, vi phạm pháp luật).

Ông Huỳnh Thái Dương, Phó trưởng Ban tuyên giáo tỉnh Bình Thuận, phải thốt lên rằng đó là "vụ việc kinh hoàng, không ai tưởng tượng được".

Một tiến sĩ rất hay trăn trở về thời cuộc và phát triển, sống ở Hà Nội, cũng đã "không tưởng tượng nổi, không hiểu nổi". Ông sốc đến nỗi phải tuyên bố dừng viết facebook và không hẹn ngày trở lại.

Những người đã tham gia gây rối, khi nhìn lại clip với những hành động kinh khủng ấy, liệu họ có hiểu nổi mình đang thể hiện hành vi yêu nước hay phá hoại?

Tại sao họ lại đập phá trụ sở cảnh sát phòng cháy chữa cháy, thiêu rụi cả xe cứu hỏa? Mai đây nhà họ cháy, cái gì sẽ đến cứu họ?

Hành động ấy có khác gì những kẻ hành hung chính bác sĩ đang cứu chữa cho mình; những kẻ được đưa đi cấp cứu nhưng lại đập phá xe cứu thương?

Những người phá hết đốt hết, lấy gì để dạy con cái họ làm người tốt, người biết dựng xây?

Nhiều cư dân mạng đã đặt câu hỏi: "Tại sao trong vụ gây rối kia, lại có cả những đứa trẻ?"

Những đứa trẻ ấy đã hiểu gì về đặc khu mà cũng cầm gạch đá lao vào các chiến sĩ nhẫn nại đứng im giơ khiên lên che chắn?

Bao nhiêu người đã biết thông tin QH thống nhất lùi dự án luật đặc khu, mà vẫn đập phá?

Bao nhiêu người biết phân tích bằng lý trí của mình, thay vì chịu sự dẫn dắt từ những lời thì thào của người khác?

Một người bạn facebook của tôi, liên tục đưa ra các lời biện minh cho kẻ gây rối ở Bình Thuận. Chỉ đến khi tôi hỏi: Chị có sống ở Bình Thuận không, hay chỉ nghe nói này nói nọ, rồi a dua, thì chị im lặng, không trả lời.

Có một câu hỏi đơn giản: Nếu những người cầm gạch đá hung hãn biết rằng trong số cảnh sát cơ động đang đứng nhẫn nại giơ khiên chịu trận đó, có con/cháu/chồng/cha mình, liệu họ có vung tay tiếp?

Có phải thân thể của con/ chồng/ cha/ cháu mình thì quý hơn thân nhân của người khác?

Chắc chắn trong số đông xuống đường, có nhiều người muốn tuần hành ôn hòa, đúng pháp luật, với tấm lòng yêu nước thực sự. Nhưng ngay cả những người ấy đã làm gì để khuyên can/ ngăn chặn những kẻ quá khích đập phá tài sản công và đánh cắp sự ôn hòa?

Rất nhiều người khác đã đứng đó, thản nhiên dùng điện thoại quay lại sự hung hãn của đám đông đập phá trụ sở. Tài sản đó chính là tiền thuế của ai? Của chính họ, chứ không phải của thế lực nào khác. 

Phải hiểu thế nào trước cách "yêu nước" một cách bàng quan như vậy?

Gạch đá, gậy gỗ và những vết thương muốn chữa lành

Xã hội đúng là đang có nhiều vết thương cần chữa trị. Nhưng làm sao có thể dùng điều ác cho mục đích chữa lành.

Chúng ta muốn một xã hội được chữa lành, nhưng mỗi cá nhân chúng ta đã làm gì cho điều đó?

Chúng ta bức xúc với những hành vi thiếu văn minh trong giao thông, nhưng khi đến lượt mình bị va quệt, lại sẵn sàng dùng cơ bắp thay lời nói (dù vết xước trên xe đã có bảo hiểm chi trả)?

Chúng ta giải thích thế nào khi tìm cách giải tỏa phẫn nộ với một vài CSGT làm luật, bằng một hành vi phẫn nộ khác: hành hung họ?

Chúng ta căm giận những bảo mẫu bạo hành trẻ em, nhưng lẽ nào chúng ta tìm con họ đánh đập để trả thù?

Khi hai đứa trẻ đánh nhau, các ông bố phải làm gì? Ông bố này sẽ đánh đứa trẻ kia và ngược lại? Hay hai ông bố ấy lao vào đánh nhau?

Ngay những kẻ trộm chó cũng không đáng bị hành xử bằng những chiếc gậy chí tử. Chúng cần được giao cho cơ quan bảo vệ pháp luật.

Kẻ trộm chó dùng gậy để bắt chó. Nếu chúng ta cũng hành xử bằng gậy, chúng ta đâu khác chúng? Chưa kể là người đánh kẻ trộm chó rất có thể sẽ phải ở chung phòng giam với tên trộm chó.

Ai sẽ trả lời cho chúng ta những câu hỏi ở Bình Thuận? - Ảnh 2.

Lực lượng an ninh bị người dân quá khích ném đá tại Phan Rí. Ảnh: VTC News

Thời thế đã thay đổi. Các nhân vật trước đây tưởng như chỉ có đối đầu mất còn như Donald Trump và Kim Jong Un, thì cũng đã đến bên nhau trên một bàn đối thoạị. Nếu muốn hàn gắn thế giới, không thể mang theo mình vũ khí hạt nhân. 

Những đất nước như Syria, Lybia, khi muốn ngồi với nhau, muốn đối thoại với nhau, thì đã huynh đệ tương tàn, nguyên khí suy kiệt.

Những ông bố bà mẹ 4.0, không thể duy trì thói quen đánh đập, áp đặt hà khắc con mình như bố mẹ thời 0.4.

Trong một xã hội tương tác nhiều chiều, có quá nhiều cách đạt được mục đích mà không cần bạo lực.

Có thể một số người xuống đường hôm ấy mang theo trong mình những bức xúc chưa được giải quyết.

Có thể ở đâu đó chính quyền chưa thực sự lắng nghe, thậm chí xâm hại lợi ích của người dân. Nhưng giữa rất nhiều con đường đấu tranh đòi công bằng, việc sử dụng bạo lực là giải pháp tồi tệ nhất

Chúng ta đang muốn cán bộ hư hỏng phải được xử lý nghiêm minh bởi pháp luật, thì chúng ta lại đang vi phạm luật, khi gây rối.

Rất nhiều vụ tiêu cực đã được đưa ra ánh sáng bởi dư luận, bởi tiếng nói ôn hòa và văn minh của quần chúng. Những vụ ở trong bóng tối lâu ngày như Thủ Thiêm, rồi chắc chắn sẽ được giải quyết thấu đáo mà không cần đập phá.

Ai sẽ trả lời cho chúng ta những câu hỏi ở Bình Thuận? - Ảnh 3.

Chiếc lò đang cháy với tốc độ lớn, cũng sẽ thanh lý dần những que củi đi ngược lại lợi ích nhân dân. Chống tham nhũng, suy thoái, lợi ích nhóm không giống ngồi trên chiếc thảm bay dạo chơi, muốn đến đâu chỉ trong nháy mắt.

Muốn chiến thắng thì công cuộc ấy đòi hỏi bản lĩnh và cả sự nhẫn nại. Nôn nóng và thiếu lòng tin, sao chống được nội xâm?!

Vết đen trên mặt và đám cháy trong lòng

Tượng đài của phong trào đấu tranh đòi bình đẳng, bác ái bằng phương châm "bất bạo động" Martin Luther King đã đúc kết rất hay: "Bạo lực chẳng bao giờ mang đến điều gì tốt đẹp".

Người được dân Ấn độ phong thánh, Mahatma Gandhi, cả đời theo đuổi tư tưởng đấu tranh bất bạo động, cũng nói rằng "Tôi phản đối bạo lực vì khi nó định làm điều thiện, điều thiện chỉ là tạm thời; cái ác nó gây ra là vĩnh viễn".

Tôi không tin những ai yêu nước thực sự trong sáng, lại rất hả hê khi nhìn thấy nhà cháy, xe cháy, gạch đá đầy đường. Họ phải thấy đau.

Tôi tin là sau bài học này, chính quyền sẽ thấy rõ hơn giá trị của việc lắng nghe dân; có thể những cuộc đối thoại sẽ diễn ra nhiều hơn; những dự án buộc phải được triển khai minh bạch hơn.

Nếu không coi nhẹ, xem thường những bức bối, dù nhỏ, của dân, thì chắc chắn "cá và nước" sẽ không bao giờ phải đứng hai bên chiến hào đối nghịch.

Rồi đây, những vết tường cháy đen nhẻm sẽ được sơn lại vì không thể dùng trụ sở có bức tường nham nhở ấy để tiếp dân. Xe cứu hỏa sẽ được mua mới vì không thể thấy nhà dân cháy mà mặc kệ.

Nhưng nếu chúng ta không thay đổi cách tư duy tỉnh táo bằng cái đầu của mình, thay đổi cách hành xử quá khích, nông nổi, bạo lực, thì những vết đen ấy sẽ bôi bẩn chúng ta và đám cháy ấy sẽ thiêu đốt chính chúng ta lúc nào không biết.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại