Việc cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un không thể đạt được một tuyên bố về "phi hạt nhân hóa" bán đảo Triều Tiên có thể khiến nhiều người hụt hẫng.
Trước đó, người ta đã đặt ra nhiều kỳ vọng vào sự kiện này, từ kết thúc Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) đến mở một văn phòng của Mỹ tại Bình Nhưỡng. Một số người cho rằng một thỏa thuận khiêm tốn có thể là cam kết tiếp tục làm việc cùng nhau. Nhưng việc đi đến một hội nghị thượng đỉnh mà không có thỏa thuận nào là một điều bất thường.
Chúng ta sẽ phải chờ xem điều gì tạo ra kết quả này. Có lẽ Mỹ, Triều Tiên, Trung Quốc, Hàn Quốc hoặc thậm chí Nhật Bản sẽ cho chúng ta biết.
Những lý giải khả dĩ
Với sự kết thúc đột ngột của thượng đỉnh, và sự rút lui ngay lập tức của Tổng thống Mỹ và Chủ tịch Triều Tiên, dường như, một trong hai, hoặc cả hai nhà lãnh đạo đều bất ngờ khi họ không ký được một thỏa thuận.
Phía Mỹ vẫn duy trì sự cứng rắn rằng, nước này sẽ không dỡ bỏ các lệnh trừng phạt kinh tế trừ phi Triều Tiên phi hạt nhân hóa. Tương tự, phía Triều Tiên thể hiện rằng, nước này sẽ không bao giờ từ bỏ vũ khí hạt nhân. Các bình luận về phi hạt nhân hóa hầu hết đều được phát ngôn từ quan chức Hàn Quốc.
Tổng thống Trump, tại cuộc họp báo, đã nói rằng, cuộc đàm phán thất bại khi ông Kim Jong Un muốn toàn bộ lệnh trừng phạt được dỡ bỏ. Dường như, ông Kim Jong Un cho rằng, việc phá bỏ một vài khu vực vũ khí hạt nhân có thể làm thỏa mãn Tổng thống Trump về việc dỡ bỏ toàn bộ lệnh trừng phạt.
Cả hai nhà lãnh đạo dường như không nhận ra rằng đây là quan điểm đàm phán cuối cùng của đối tác, hoặc đã hiểu nhầm phía bên kia: cả hai quốc gia đều không có chung tầm nhìn về ý nghĩa của "phi hạt nhân hóa". Và cả hai nhà lãnh đạo đều bất ngờ về sự không khoan nhượng của người đối diện.
Chúng ta vẫn chưa biết liệu có thỏa thuận nào trước thềm thượng đỉnh hay không, hoặc ông Kim hay ông Trump có thay đổi suy nghĩ về việc ký kết, hay liệu có tiếp tục đàm phán hay không.
Một số bài học
Dù lý do có là gì, thì việc không đưa ra được bất kỳ thỏa thuận nào là điều vô cùng đáng tiếc. Cả hai bên đáng lẽ ra nên đưa ra một thỏa thuận trước để không bên nào có cơ hội thay đổi suy nghĩ.
Điều mà phía Mỹ nhận ra từ hội nghị lần này là các lệnh trừng phạt lên Triều Tiên chắc chắc là có hiệu quả. Ông Kim Jong Un đã đặt mục tiêu cao nhất và duy nhất của mình là dỡ bỏ các lệnh trừng phạt chứ không phải là chấm dứt chiến tranh Triều Tiên, mở cửa biên giới cho các doanh nghiệp Hàn Quốc, các biện pháp thúc đẩy kinh tế, rút quân đội Mỹ, dỡ bỏ những quy định về cứu trợ lương thực, hay các vấn đề đáng quan tâm khác.
Tổng thống Trump, bằng cách không đặt bút ký vào thỏa thuận đã dẹp tan được các chỉ trích rằng, ông sẽ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt để đạt được một thỏa thuận nào đó, mặc dù là một thỏa thuận tồi. Nhưng Tổng thống Trump đã giữ vững quan điểm của phía Mỹ là cho đến khi nào Triều Tiên vẫn sở hữu hạt nhân, các lệnh trừng phạt sẽ được giữ nguyên. Thật vậy, các lệnh trừng phạt là đòn bẩy duy nhất mà Mỹ có đối với Triều Tiên.
Một lần nữa, tình huống này rất khó hiểu khi hai nhà đàm phán tỏ ra sẵn sàng tham gia vào một thỏa thuận.
Một số người đã nói rằng việc ông Trump rút khỏi thỏa thuận là một chiến lược được sử dụng rộng rãi của Triều Tiên trong quá khứ. Nhưng, chúng ta không thực sự biết ai là người ra đi trước. Có lẽ ai rút lui trước không còn quan trọng.
Viễn cảnh tương lai
Bây giờ Mỹ biết rằng các biện pháp trừng phạt đang có hiệu quả, có lẽ chỉ còn là vấn đề thời gian khi Triều Tiên quyết định đánh đổi các chương trình hạt nhân để nhận lại cơ hội phát triển kinh tế và đầu tư nước ngoài và không có các lệnh trừng phạt. Trước đó, nhiều nhà phân tích cho rằng Triều Tiên đã trốn các lệnh trừng phạt một cách hiệu quả dựa vào các nỗ lực "tự lực cánh sinh".
Về một khía cạnh khác, khi một phóng viên hỏi liệu Tổng thống Trump có áp dụng các biện pháp trừng phạt khắc nghiệt hơn không, ông trả lời rằng có rất nhiều người ở Triều Tiên phải sống và điều đó quan trọng với ông, và ông không có ý định làm việc đó.
Triều Tiên, như trong quá khứ, không thể tuyên bố từ bỏ vũ khí hạt nhân. Triều Tiên đã tiếp tục sản xuất vũ khí và đã cố gắng làm việc đó một cách kín đáo. Ông Trump đã nói rằng nhà lãnh đạo Kim Jong Un rất ngạc nhiên về việc Mỹ biết về "từng cm" ở Triều Tiên. Trong thời đại giám sát, không có gì là bí mật.
Ông Trump nói rằng, ông Kim Jong Un đã hứa sẽ không thử hạt nhân và phản ứng khiêu khích. Ông Trump tin rằng, điều này sẽ giúp thiết lập các cuộc thảo luận trong tương lai. Như vậy, Tổng thống Mỹ đang đánh cược vào lời nói của nhà lãnh đạo Triều Tiên.
Nhiều cuộc tham vấn sẽ có khả năng xảy ra trước khi "lớp bụi" sau Hội nghị thượng đỉnh đã tan. Tổng thống Trump có lẽ có rất nhiều việc phải làm với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, người đã nỗ lực hết sức để trở thành cầu nối giữa hai nhà lãnh đạo Kim Jong Un và Donald Trump.
Trung Quốc có thể sẽ có nhiều điều để nói về kết quả này, mặc dù họ không bao giờ thể hiện rõ những gì họ thực sự muốn cho Triều Tiên. Nga cũng có thể quan tâm. Thủ tướng Nhật Bản Abe cũng phải được hỏi ý kiến vì ông đã bị các bên liên quan "phớt lờ", mặc dù ông được cho là đã đề cử ông Trump cho giải thưởng Nobel Hòa bình.
Và trên hết, Tổng thống Trump sẽ phải đối mặt với một làn sóng phản đối ở Mỹ. Các phương tiện truyền thông đã bắt đầu chỉ trích Trump ngay cả trước khi ông đến Hội nghị thượng đỉnh. Quốc hội, với Hạ viện hiện tại do đảng Dân chủ kiểm soát, có thể yêu cầu điều trần và chỉ trích ông. Hàng tá ứng cử viên muốn thay thế ông làm tổng thống vào năm 2020 đã sẵn sàng. Và phương tiện truyền thông xã hội có thể sẽ bùng nổ.
Chúng ta sẽ thấy ông Trump thực sự khó khăn như thế nào khi đối mặt với sự kháng cự này.
* Tiêu đề do tòa soạn đặt lại.