Ai sẽ giúp ông Biden hoạch định chính sách với TQ: Tiết lộ về đội ngũ "bí ẩn"

An An |

Ông Biden được cho đã thành lập một "đội ngũ trong mơ" với khoảng hơn 2.000 nhân viên trước khi chính thức bước chân vào Nhà Trắng, gồm nhiều tinh hoa đáng gờm.

Đội ngũ ngoại giao tinh hoa nòng cốt

Hiện nay, quan hệ Trung-Mỹ đang ở thời kỳ rất nhạy cảm và hoạch định chính sách về Trung Quốc của ông Joe Biden đã thu hút nhiều sự chú ý. Ông Biden được đánh giá là người có bề dày kinh nghiệm chính trị, mối quan hệ sâu rộng và am hiểu công tác đối ngoại.

Ông Trần Chinh, giảng viên tại Học viện Cao cấp về Quản trị Khu vực và Toàn cầu thuộc Đại học Ngoại ngữ Bắc Kinh kiêm nghiên cứu viên tại Viện Taihe (Trung Quốc) nhận định, ông Biden đã thành lập một "đội ngũ trong mơ" với khoảng hơn 2.000 nhân viên trước khi chính thức bước chân vào Nhà Trắng.

Chuyên gia Trung Quốc cho rằng, nếu chính thức thắng cử, ông Biden sẽ sửa đổi chính sách đối ngoại hiện nay của Mỹ, và chính sách về Trung Quốc chắc chắn sẽ trở thành một trong những nội dung cốt lõi trong chính sách đối ngoại tổng thể của ông. Để đánh giá chính sách Trung Quốc của Biden, người ta phải hiểu thành phần nhóm ngoại giao của ông.

Đội ngũ ngoại giao của ông Biden không chỉ sử dụng "người quen cũ", mà còn chiêu mộ thêm nhiều nhân tài mới vừa có “lòng trung thành” vừa có “năng lực”, trong đó một số lượng lớn các nhân vật chủ chốt sẽ được bổ nhiệm vào các vị trí khác nhau và giữ các chức vụ quan trọng sau khi ông Biden lên nắm quyền.

Nhóm thân tín trong đội ngũ ngoại giao của ông Biden được dự đoán sẽ là đối tượng chính giao dịch trực tiếp với Trung Quốc sau khi ông nhậm chức.

Ai sẽ giúp ông Biden hoạch định chính sách với TQ: Tiết lộ về đội ngũ bí ẩn - Ảnh 1.

Ông Antony Blinken (thứ 2, từ trái sang) được cho có quan điểm cứng rắn với Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Có thể kể đến Antony Blinken, 58 tuổi, người gốc Do Thái, sinh ra trong một gia đình ngoại giao tinh anh. Về vấn đề Trung Quốc, ông Brinken đồng ý áp dụng chính sách ngoại giao phòng ngừa, ủng hộ răn đe quân sự, ủng hộ việc tuân thủ các quy tắc thương mại và có đi có lại với Trung Quốc, đối phó với sáng kiến Vành đai và con đường bằng cách xây dựng liên minh với các quốc gia khác.

Thomas Donilon, 65 tuổi, từng là trợ lý các vấn đề an ninh quốc gia trong nhiệm kỳ thứ hai của cựu Tổng thống Barack Obama. Gia tộc ông có mối giao tình sâu sắc với Biden và được gọi là "con người khác của Biden". Donilon từng nhiều lần điều phối các cuộc đối thoại cấp cao Trung-Mỹ và là người quen thuộc với giới chức Trung Quốc.

Ely Ratner, 43 tuổi, là một chuyên gia thuộc thế hệ trẻ, từng là Phó cố vấn an ninh quốc gia, một nhân vật chủ chốt trong việc hoạch định chính sách Trung Quốc.

Ngoài nhóm cố vấn thân tín, ông Biden cũng thu hút các tinh hoa chính sách từ đảng Dân chủ, các chính quyền trước đây.

Jake Sullivan, 44 tuổi, là một cố vấn ngoại giao và là "ngôi sao đang lên" trong đảng Dân chủ. Ông này là thân tín trực tiếp của Hillary Clinton và bà thậm chí còn nói rằng Sullivan có thể có khả năng tranh cử tổng thống trong tương lai.

Kurt Campbell, 63 tuổi, từng là Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương dưới thời Obama và là người thiết kế chính cho chiến lược "Tái cân bằng châu Á - Thái Bình Dương". Ông có một số lượng lớn học trò, thậm chí dưới thời Tổng thổng Donald Trump, học trò ông trải rộng khắp các phòng ban lớn của Bộ Ngoại giao và triết lý ngoại giao của ông có ảnh hưởng lớn hơn đến ngành ngoại giao Mỹ.

Ngoài ra, đội ngũ của ông Biden cũng đã thu hút được nhiều nữ giới tinh hoa, và nhiều khả năng ông sẽ cử một số quan chức nữ cấp cao tham gia vào các quyết sách ngoại giao và an ninh quốc gia.

Ví dụ, bà Susan Rice, 56 tuổi, từng là Cố vấn an ninh của Tổng thống Obama. Bà từng được đưa vào "danh sách" các ứng cử viên phó tổng thống của ông Biden nhờ thân phận là phụ nữ Mỹ gốc Phi. Khi ông Biden chính thức cầm quyền, bà này có thể trở thành Ngoại trưởng Mỹ. Hiện nay, bà Rice đã gia nhập nhóm chuyển giao quyền lực của ông Biden và điều này giúp bà tiến gần hơn tới vị trí Ngoại trưởng.

Đội ngũ kinh tế nổi bật

Quan hệ Trung-Mỹ không chỉ liên quan đến các vấn đề ngoại giao, an ninh mà còn cả các vấn đề mang tính toàn cầu như kinh tế thương mại, dịch bệnh, an ninh mạng, biến đổi khí hậu…

Được biết, ông Biden đã triệu tập một số nhà kinh tế quan trọng dưới thời Obama và bổ nhiệm Lawrence Summers, cựu hiệu trưởng Đại học Harvard, Bộ trưởng Tài chính thời Bill Clinton, Giám đốc Hội đồng kinh tế quốc gia dưới thời Obama, trở thành trưởng nhóm kinh tế của ông.

Ai sẽ giúp ông Biden hoạch định chính sách với TQ: Tiết lộ về đội ngũ bí ẩn - Ảnh 2.

Ông Summers bên cạnh cựu Tổng thống Obama. Ảnh: Getty

Những nhân vật sau đây được dự đoán đóng vai trò quan trọng trong nhóm kinh tế và thương mại của ông Biden gồm: Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren có thể trở thành Bộ trưởng Tư pháp, Jared Byrne; cố vấn kinh tế hàng đầu khi ông Biden giữ chức Phó Tổng thống, Jared Bernstein; Đại diện thương mại Mỹ Mike Froman v.v...

Nói chung, đội ngũ ngoại giao của ông Biden đã thành phần cốt cán của bốn đời tổng thống Mỹ (chủ yếu là nhân viên từ thời Obama), và trải dài ba thế hệ già, trung và trẻ. Hầu hết các thành viên đều là tiến sĩ của các trường đại học danh tiếng. Sau khi rời khỏi chính phủ, họ đầu quân cho các tổ chức tư vấn như Trung tâm An ninh Mỹ mới, Tổ chức An ninh Quốc gia, Nhóm Chiến lược Aspen, Trung tâm Belfort Trường Harvard Kennedy, thường đồng xuất bản các bài báo, tạo thành một vòng tròn chặt chẽ.

Chuyên gia Trần Chinh cho rằng, so với "vòng tròn bạn bè" mang màu sắc cá nhân của Tổng thống Trump, ông Biden dẫn đầu một "đội quân" ​​quy tụ những nhân vật hàng đầu trong các lĩnh vực khác nhau, có nghĩa là nếu ông ấy đắc cử, việc "bắt tay" với Mỹ có thể khó khăn không kém thời ông Trump, đồng thời đòi hỏi các thao tác tinh tế và chuyên biệt hơn.

Về chính sách đối với Trung Quốc, ông này cho rằng, cần đặc biệt chú ý đến "tam giác sắt" gồn Sullivan, Campbell và Ratner. Họ sẽ là những nhân vật chủ chốt trong chính quyền Biden, tạo ra quan điểm chủ đạo cho quan hệ Trung-Mỹ. Sự trẻ hóa chung của các nhóm hoạch định chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc sẽ có tác động như thế nào đến quan hệ Trung-Mỹ là một vấn đề đáng để nghiên cứu.

Trước đây, ông Biden từng đề xuất hoan nghênh việc Trung Quốc hội nhập sâu hơn vào hệ thống toàn cầu, tuy nhiên, sau khi tham gia tranh cử ở Mỹ, phát ngôn và hoạch định chính sách về Trung Quốc của ông Biden đã cứng rắn hơn so với ông Trump. Do đó, cục diện căng thẳng trong quan hệ Trung-Mỹ sẽ không dễ chuyển biến tích cực chỉ nhờ việc thay đổi Tổng thống.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại