Ai sẽ chặn "thảm họa hạt nhân" cho bóng đá Việt Nam?

AQ |

Giữa lúc cả thế giới đang căng thẳng vì vấn đề hạt nhân và VFF đang nóng rực vì một cuộc "chiến tranh lạnh", tin không vui đã xuất hiện.

Stanislav Petrov đã mất. Thực tế thì Petrov qua đời từ tháng 5, nhưng thông tin về sự ra đi của "Người cứu thế giới" chỉ vừa được tiết lộ. Gọi Petrov là "The Man Who Saved the World" như tiêu đề cuốn phim tài liệu được làm cách đây 3 năm không có gì gượng ép cả. Vì ông đã có hành động quyết định giúp nhân loại thoát khỏi cuộc chiến tranh thế giới lần thứ ba.

Ngày 26/9/1983, trong ca trực tại trung tâm cảnh báo sớm của Liên Xô đối với nguy cơ bị Mỹ tấn công bằng tên lửa, sĩ quan Petrov nhận được tín hiệu từ máy tính rằng đã có những đầu đạn hạt nhân được bắn ra. Petrov cứng người suy nghĩ.

Ai sẽ chặn thảm họa hạt nhân cho bóng đá Việt Nam? - Ảnh 1.

Stanislav Petrov đã có một quyết định dũng cảm.

Với trách nhiệm của mình, Petrov phải gọi điện cấp báo cho chỉ huy, đồng nghĩa với những vụ bắn trả tàn khốc giữa nhiều quốc gia liên quan. Tất nhiên, Petrov đã không làm cái điều mà hầu hết các quân nhân sẽ thực hiện trong tình huống khủng khiếp kể trên.

Trong cuộc "chiến tranh" không rõ hồi kết trong bóng đá Việt Nam, Hữu Thắng là người khai hỏa đầu tiên. Tuy nhiên, căn nguyên thực sự nằm ở đâu thì mọi NHM đều biết rõ.

Phát ngôn của Hữu Thắng có thể gây sốc như một đầu đạn hạt nhân trong lòng số lượng ít ỏi những người vẫn còn nuôi dưỡng niềm tin vào VFF, song nó cũng chẳng thể phá thêm một làng cầu vốn đã toang hoác bởi quy trình "xây nhà từ nóc" và mâu thuẫn chất chồng.

Trong một diễn biến nhằm xoa dịu tình hình, BLV Quang Huy đề nghị các bên bắt tay hòa giải như những người đàn ông. Một cái bắt tay kể ra không khó dàn xếp, vì vào lúc này có lẽ cả Hữu Thắng lẫn VFF đều muốn tìm một căn hầm để bảo toàn danh tiếng cũng như "sinh mệnh chính trị".

Mọi việc càng ầm ĩ, các bên tham chiến càng thiệt hại. Riêng NHM thì lại mong Hữu Thắng và VFF cứ "đánh nhau" tiếp, để cuối cùng bóng đá Việt Nam được "xóa đi làm lại" như mơ ước của bầu Đức.

Ai sẽ chặn thảm họa hạt nhân cho bóng đá Việt Nam? - Ảnh 2.

Đâu dễ để bóng đá Việt Nam "xóa đi, làm lại".

Nhưng tất cả cũng chỉ dừng lại ở mơ ước mà thôi. "Xóa đi" ư? Khó lắm, vì nó liên quan đến lợi ích của quá nhiều người. "Làm lại" ư? Càng khó hơn vì nó không phụ thuộc vào quyết định của duy nhất một người.

34 năm trước, trái đất suýt bị diệt vong vì một sai lầm có xác suất nhỏ hơn cả khả năng Timor Leste vô địch World Cup 2018. Hệ thống máy tính của Liên Xô đã hiểu nhầm sự phản chiếu ánh sáng mặt trời vào đám mây là một vụ tấn công hạt nhân.

Với một làng cầu bao năm qua được điều hành bởi những con người có "đầu óc như máy tính", tình trạng "báo động giả" đã xảy ra thường xuyên đến mức chẳng ai buồn quan tâm nữa.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại