Kim Khắc Vũ là con gái của Kim Lập Quần - Chủ tịch Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB). Cô chính là minh chứng cho sự quan trọng của giáo dục gia đình đối với sự trưởng thành của con cái.
Nền giáo dục ưu tú đã hình thành nên Kim Khắc Vũ. Gia đình cho cô cơ hội để thể hiện khả năng. Tuy nhiên, để thực sự có một cuộc sống thành công, vị tiểu thư này không còn cách nào khác ngoài việc phải dựa vào sự tự nỗ lực lâu dài của bản thân.
Đối với Kim Khắc Vũ, Kim Lập Quần không chỉ là cha ruột, mà còn là người thầy dìu dắt cô.
Tốt nghiệp phổ thông năm 1968, Kim Lập Quần về nông thôn vừa học vừa làm. Trong 10 năm sống ở đó, ông kiên trì đọc toàn bộ các tác phẩm của Shakespeare để nâng cao khả năng ngôn ngữ.
Nhờ khổ luyện, Kim Lập Quần đã trúng tuyển vào ĐH Ngoại ngữ Bắc Kinh vào năm 1978. Ở tuổi 29, ông trở thành thế hệ nghiên cứu đầu tiên của chuyên ngành Văn học Anh - Mỹ tại Trung Quốc. Khoảng 2 năm sau đó, ông tốt nghiệp với kết quả học tập xuất sắc.
Dù vậy, Kim Lập Quần không dấn thân vào con đường văn chương. Ông nghe theo lời khuyên của thầy mình, đến làm việc cho Bộ Tài chính, bởi "Trung Quốc hiện đang cần nhiều nhân tài kinh tế và tài chính".
Chỉ mới 31 tuổi nhưng với vốn tiếng Anh phong phú, Kim Lập Quần được bổ nhiệm làm việc tại Ngân hàng Thế giới ở Washington D.C. (Mỹ).
Chủ tịch Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) Kim Lập Quần
Năm 1983, cô con gái Kim Khắc Vũ ra đời. Lúc đó, Kim Lập Quần vẫn đang trong thời kỳ thăng hoa của sự nghiệp. Tuy không vươn lên tầm cao, nhưng với nhiều năm làm việc ở Bộ Tài chính, ông được người trong ngành gọi là "quan viên học giả".
"Ông ấy vừa giàu có, lại giỏi trong công tác tài chính và quản lý. Luôn cố gắng rèn luyện học tập, chưa từng ngừng tiến lên, lại thêm nền tảng kiến thức phong phú, uyên bác", các đồng nghiệp của Chủ tịch AIIB nhận xét.
Dù bận rộn đến đâu, Kim Lập Quần vẫn chủ động dành thời gian để đồng hành cùng con gái. Được cha cho tự mình đi khám phá, Kim Khắc Vũ không những học hành chăm chỉ, tránh được tình trạng học vẹt, mà còn rất đam mê văn học và thể thao.
"Cha không đặt ra nhiều kế hoạch cho tương lai của tôi, nhưng nuôi dưỡng tính tò mò cho tôi ngay từ khi còn nhỏ. Tôi cũng phát triển thói quen đọc sách do bị ảnh hưởng từ tình yêu văn học của ông. Tôi có rất nhiều không gian để phát triển bản thân mình", cô trả lời trong một cuộc phỏng vấn.
Mỗi khi ăn tối xong, Kim Khắc Vũ sẽ cùng cha đọc sách hoặc ra ngoài vận động. Họ thường trò chuyện với nhau, nhưng ít khi nói về kinh tế mà chỉ bàn về văn học hoặc tình hình quốc tế đương thời. Bởi lẽ, việc thảo luận về các vấn đề kinh tế đòi hỏi kiến thức học thuật uyên thâm và thái độ nghiêm túc, không nên để trẻ con tiếp xúc quá sớm.
Trong giai đoạn giác ngộ và trưởng thành, trẻ con sẽ dùng lời nói và việc làm của người lớn để làm hình mẫu bắt chước. Không khí gia đình đóng vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển, cũng như lựa chọn nghề nghiệp và lối sống sau này của trẻ.
Đối với Kim Khắc Vũ, kiến thức văn học thâm sâu cùng tinh thần tỉ mỉ, nghiêm cẩn của cha đã ảnh hưởng sâu sắc đến cô sau này.
"Năm 1997, không có nhiều học sinh cấp 2 du học như tôi. Lý do để tôi phấn đấu là vì học ở nước ngoài sẽ cho tôi nhiều không gian hơn để suy nghĩ về các vấn đề, từ đó hình thành và đưa ra ý kiến của riêng mình. Cách học này rất hợp với tôi, thay vì cố nhồi nhét kiến thức cho các bài kiểm tra", Kim Khắc Vũ từng giải thích.
3 năm sống và học tập bên Mỹ là những năm tháng vất vả nhất của ái nữ nhà Chủ tịch AIIB, tất cả vì tương lai huy hoàng sau này. Cô sống trong nhà của một gia đình bản xứ, cố gắng làm quen với một nền văn hóa mới.
"New York quả thực rất khác so với những thành phố còn lại trên nước Mỹ. Nơi đây lạnh lẽo và thiếu vắng tình người. Với một cô bé 14 tuổi vừa rời xa quê hương và cha mẹ, thực sự rất khó để thích nghi", cô chia sẻ.
Chơi piano là một trong những sở thích của Kim Khắc Vũ
Học sinh ngoại quốc như Kim Khắc Vũ gần như không thể hòa nhập vào các hội nhóm trong lớp. Môi trường nơi đây cũng khá hỗn loạn; nhiều bạn bè của cô đã bắt đầu ra vào vũ trường, quán bar từ khi mới học trung học. Đối mặt với hàng loạt khó khăn, vị tiểu thư này quyết tâm trở thành một người mạnh mẽ, tự lập và can đảm.
Nhờ thói quen đọc sách được truyền cảm hứng từ cha mình, Kim Khắc Vũ đã vượt qua khoảng thời gian cô đơn nhất. Sau 3 năm, cô giành được học bổng toàn phần vào ĐH Harvard với thành tích xếp thứ nhất.
Ban đầu, ái nữ nhà Chủ tịch AIIB định chọn chuyên ngành Văn học vì yêu thích Shakespeare và các nhà văn nổi tiếng khác. Tuy nhiên, sau khi tham khảo lời khuyên của cha, cô đã quyết tâm theo đuổi ngành kinh tế.
Lên đại học, Kim Khắc Vũ có nhiều thời gian và tự do hơn. Xung quanh cô đều là những bạn học uyên bác, thông minh và tài năng. Dĩ nhiên, áp lực học hành cũng khiến cô chật vật ít nhiều. Ngoài các môn chuyên ngành, vị tiểu thư này còn học thêm các chuyên đề ngoại khóa.
Để giảm bớt căng thẳng, Kim Khắc Vũ thường chơi đàn piano ở cuối hàng lang trường trong vài giờ hoặc tập kèn clarinet. Việc duy trì những thói quen như vậy đã giúp cô phát triển khả năng tập trung cao độ, cũng như tính kỷ luật và tự giác.
Nhờ sự tận tâm và bền bỉ đó, Kim Khắc Vũ đã lấy được bằng Tiến sĩ Kinh tế tại ĐH Harvard vào năm 2009. Cùng năm đó, cô nhập học Trường Kinh tế và Khoa học Chính trị London (Anh). Sau bài đăng trên tạp chí học thuật quốc tế American Economic Review, ái nữ nhà Chủ tịch AIIB trở thành giáo sư trẻ tuổi nhất tại ngôi trường này.
American Economic Review là ấn phẩm hàng đầu về kinh tế và tài chính trên thế giới. Tỷ lệ chấp nhận bài đăng của tờ này chỉ là 7%. Có thể thấy, trong giới học thuật, hoàn cảnh gia đình gần như không có ý nghĩa, bởi kết quả học tập mới là thứ để đánh giá sức mạnh.
Nữ giáo sư trẻ từng phát biểu: "Bất kỳ người thành công nào cũng là người siêu chăm chỉ và siêu kỷ luật. Đây là điều kiện cần để thành công, còn gia đình không phải là điều kiện cần".
Dưới con mắt của các chuyên gia kinh tế, cách tư duy và lập luận mạnh mẽ của Kim Khắc Vũ là điều hiếm có khó tìm, đặc biệt là trong việc nghiên cứu dữ liệu lý thuyết và kinh tế vĩ mô.
Cô từng gây xôn xao giới học thuật khi đăng tải bài báo "Châu Âu nên học hỏi từ châu Á" trên tờ Financial Times, với nội dung cho rằng các nước châu Âu nên học hỏi tinh thần thực dụng của châu Á.
Niềm đam mê với học thuật đã giúp Kim Khắc Vũ được chọn Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) chọn làm "Nhà lãnh đạo trẻ toàn cầu năm 2014". Nghiên cứu của cô về kinh tế vĩ mô đã giúp Ngân hàng Trung ương Trung Quốc rất nhiều trong việc hoạch định chính sách tiền tệ.
Trong giới học thuật kinh tế mang tầm cỡ thế giới, chức danh giáo sư chẳng là gì, "cái bóng" của cha cũng chẳng quan trọng, chỉ có thực lực mới giúp Kim Khắc Vũ tạo dựng chỗ đứng.
Năm 2018, với tư cách một nhà lãnh đạo quan điểm trẻ, Kim Khắc Vũ đã công khai "thách thức" Steven Mnuchin - Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ lúc bấy giờ.
Giáo sư kinh tế vĩ mô Kim Khắc Vũ và Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Steven Mnuchin tại WEF 2018
Khi đó, ông Mnuchin tin rằng đồng USD yếu hơn sẽ tốt cho thương mại của Mỹ. Ngay lập tức, Kim Khắc Vũ đã đặt câu hỏi phản biện, đồng thời cho rằng đồng USD nên có đặc điểm ổn định của một loại tiền tệ dự trữ.
Tại hội trường, Kim Khắc Vũ thảo luận và trò chuyện thoải mái bằng tiếng Anh với nhiều nhà lãnh đạo cao cấp khác. Dù xung quanh đều là những tên tuổi lớn trong nền kinh tế thế giới, cô không để mình bị lép vế. Vẻ điềm tĩnh và tự tin của nữ giáo sư kinh tế trẻ tuổi đã thu hút sự chú ý của báo chí, khiến công chúng thế giới phải nể phục vài phần.
Kim Khắc Vũ từng có thời gian làm cố vấn cho Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FRB) trụ sở New York. Cô cũng có kinh nghiệm làm việc tại nhiều tổ chức tài chính nổi tiếng như Goldman Sachs, JP Morgan và Morgan Stanley.
Bên cạnh công việc nghiên cứu, ái nữ nhà Chủ tịch AIIB còn viết bài bình luận cho nhiều tờ báo, tạp chí uy tín trên thế giới. Cô cũng giữ vị trí Giám đốc không điều hành tại Richemont Group - tập đoàn chuyên kinh doanh các mặt hàng xa xỉ lớn thứ hai thế giới.
Ngoài thành công trong sự nghiệp, Kim Khắc Vũ còn được ngưỡng mộ bởi gu thẩm mỹ thời thượng, dẫn đầu xu hướng. Phong cách thời trang của cô khá linh động, lúc là những bộ đồ phóng khoáng và đơn giản, có khi lại là Âu phục sang trọng và thanh lịch.
Nhiều người cho rằng thành công rực rỡ của Kim Khắc Vũ là nhờ vào gia đình ưu tú của cô. Thế nhưng, thực tế lại không hề như vậy.
Nền tảng gia đình vững chắc cho phép Kim Khắc Vũ mở rộng tầm nhìn và có nền tảng học vấn tốt hơn. Cảm hứng từ người cha và niềm đam mê học hỏi được gia đình cổ vũ cũng ảnh hưởng và chỉ lối phần nào cho cô. Tuy nhiên, chính sự kiên trì bền bỉ và ý chí vươn lên mới là yếu tố chính làm nên sự nghiệp rạng rỡ của cô gái này.
Kim Khắc Vũ luôn không ngừng làm việc chăm chỉ, tăng cường kỷ luật bản thân, tiếp thu kiến thức mới, nâng cao khả năng tập trung. Cô đã tìm cách thích nghi với những bất ổn của môi trường bên ngoài bằng bản lĩnh của mình, để rồi trở thành một phiên bản hoàn thiện hơn.
Nói về kế hoạch tương lai, ái nữ nhà Chủ tịch AIIB bày tỏ hy vọng được dùng kiến thức để làm những điều có ích cho xã hội. Cô cũng đang cân nhắc việc nhận lời mời trở thành cố vấn đặc biệt cho Tổng thống của một quốc gia tại châu Phi.
"Không phải là tôi đặc biệt hứng thú với vấn đề phát triển kinh tế của châu Phi. Thế nhưng, nếu bạn thực sự có thể thay đổi cuộc sống của 1 người, 1 nhóm người, 1 thế hệ hay người dân của 1 quốc gia nhờ nghiên cứu của chính mình, đó là việc rất có ý nghĩa", cô nói.