"Mình rất thích bài viết này của mẹ. Mẹ mình viết rất hay. Câu văn giản dị như chính cuộc sống tiết kiệm nhưng nhẹ nhàng thoải mái của mẹ. Từ nhỏ mẹ đã dạy mình tiêu xài tiết kiệm vì còn có biết bao nhiêu cuộc đời khác bất hạnh hơn. Thay vì mua 1 món đồ đặt tiền để tô điểm cho vẻ ngoài, số tiền đó chắc chắn sẽ giúp ích rất nhiều để giúp đỡ một người xung quanh.
300USD để mua một chiếc túi, liệu nó có tốt đẹp và lớn lao bằng việc mình dùng nó để giúp một cụ bà nghèo khó qua cơn đói, một chị gái bán vé số có phần cơm mang về cho con trai đang đợi ở nhà… hay không?
Chắc chắn là không đâu, suy cho cùng, mình cần một cuộc sống vừa vặn và tốt đẹp như mẹ, để mỗi tối có thể ngủ ngon và mỗi sáng thức dậy với thật nhiều tình yêu cuộc đời mà không phải nghĩ ngợi phải mặc gì cho thật sang, đeo túi gì cho thật chảnh, mang giày gì cho kiêu kỳ bằng bạn bằng bè".
Đó chính là câu trả lời của cô nàng Nguyễn Khánh Vương Anh (sinh năm 1995) – con gái của nữ "đại gia" Đoàn Thu Thủy (Giám đốc điều hành một công ty xây dựng – vận tải, top 3 Masterchef 2014, chủ sở hữu của nhà hàng Bếp Nhà Xứ Quảng và L’Aura de NamKy) khi được hỏi về bài viết dạy con của mẹ vẫn còn đang gây bão trên MXH với nhan đề: Đừng mua chiếc túi trị giá 300 đô mà không có gì trong đó.
Cô nàng tiểu thư chọn cách sống giản đơn bắt nguồn từ những bài học của mẹ
Thật vậy, dù được đánh giá là một cô nàng tiểu thư xinh đẹp, sinh ra trong một gia đình nền tảng kinh tế khá giả ở thời điểm hiện tại, nhưng ít ai biết được rằng Vương Anh có lối sống giản dị hơn nhiều so với cách người ta nghĩ về một cô gái ở gia đình có điều kiện. Vương Anh chọn sống hết mình vì niềm đam mê tuổi trẻ ở lĩnh vực ẩm thực.
Hiện tại, Vương Anh đang du học tại Úc để theo đuổi niềm đam mê tại một ngôi trường chuyên đào tạo về ngành dịch vụ du lịch và ẩm thực. Sống xa nhà, lại có cơ hội thoát khỏi sự quản lý từ mẹ, nhưng cô nàng chỉ biết vừa học vừa làm, chưa bao giờ chọn một cuộc đời chỉ biết thụ hưởng thành quả lao động của người khác.
Trên trang cá nhân, Vương Anh chỉ thường xuyên đăng tải những hình ảnh về món món ăn mới mình vừa làm với tiêu đề "tặng mẹ", "con nhớ mẹ, nhớ em"… ngoài ra không có gì khác.
Có lẽ, cách sống giản dị và khác biệt đó của Vương Anh ở thời điểm này chỉ mới 23 tuổi – lứa tuổi mà nhiều cô gái trẻ muốn khoe mẽ về đời tư, về những thứ có giá trị để minh chứng cho cuộc đời nhiều điều kiện.
Vương Anh nói, ngay từ bé, cô nàng đã được mẹ dạy cho cách sống tự lập không dựa dẫm vào người khác, cũng như là sống thế nào để an vui không phụ thuộc vào những giá trị giả dối như chiếc túi 300USD mà trong đó chẳng có gì cả.
"Ngay từ khi học lớp 1, mẹ đã dạy cho mình cách sống tự lập từ những điều nhỏ nhặt nhất. Nói là dạy nhưng thực chất, mẹ hiểu chuyện cách biệt thế hệ là rào cản rất lớn, vì vậy mẹ luôn đóng vai là một người bạn của mình, không quá áp dặt, mẹ chỉ đứng đó nhìn, đến khi nào mình thật sự cần giúp đỡ thì mẹ sẽ giúp.
Thi thoảng mẹ cũng để cho mình sai nữa, nhưng mẹ quan niệm, phải sai đi mới biết giá trị của việc cân nhắc thật kỹ trước khi làm bất cứ điều gì, sai đi mới biết quý trọng những lời khuyên của mẹ. Chỉ cần cái sai không ảnh hưởng tới sức khỏe và sinh mạng của mình hoặc ai khác, thì mẹ sẽ cho phép để mình sai".
Ngoài ra, Vương Anh cũng nói thêm rằng mẹ không chỉ dạy cho cô nàng thông qua những lời nói, những lý thuyết đơn thuần mà còn dạy bằng chính hành động. Chẳng hạn như lắm lúc, hồi ngấp nghé tuổi thiếu nữ, Vương Anh hay thắc mắc tại sao mẹ đã đi làm ra tiền nhưng không xe xua, mua quần áo sang trọng, mua giày dép hay túi xách đắt tiền để dùng.
Có hỏi nhưng mẹ cười cười, không trả lời đâu. Từ đó, thúc đẩy Vương Anh phải đi tìm câu trả lời. Rồi sau này cô nàng mới biết, như trong bài viết vừa rồi mẹ có nói "sống thật là cách sống tuyệt vời nhất, thoải mái nhất", bởi không gì quý bằng việc mình thoải mái và tự tin mặc những thứ mình yêu thích, dù cho chúng rẻ tiền thôi.
"Với mẹ, áo quần không chỉ là thứ mặc để đẹp, để người ngoài nhìn vào đánh giá mức độ giàu có của bạn thân hay gì hết. Mà quần áo, giày dép như bộ da thứ 2 của con người, chúng còn có cả chức năng phát ngôn nữa.
Chúng sẽ nói cho người nhìn biết rằng: tôi là người sống giản dị, tôi là người sống thật hay tôi là người thích thể hiện sự giàu có quyền uy của mình. Tóm lại, cách dạy này của mẹ hay lắm. Mình học hỏi được rất nhiều mà không cần mẹ phải nói".
Cũng trong chính từ những bài học không cần phải nói ra nhưng đủ để con cái hiểu của người mẹ doanh nhân Đoàn Thu Thủy, Vương Anh hiểu và ngộ ra thêm được nhiều điều.
Từ những lần mẹ thức trắng đêm để làm việc nhưng chưa hề hắt ra một tiếng thở dài than vãn nào, hay lúc nhìn mẹ tận tâm trong bất kỳ một món ăn nào mình nấu, Vương Anh hiểu chỉ có tình yêu và đam mê mới có thể khiến mình có được những thứ đó. Và tất nhiên, thành quả của chúng sẽ có ý nghĩa hơn rất nhiều với chính cuộc đời mình.
Vấp ngã đầu đời và cuộc hành trình "song kiếm hợp bích" chinh phục con đường ẩm thực của mẹ và con
"Tại sao mình không sống như mẹ? Có là câu hỏi mình cũng hay tự hỏi bản thân mình nhiều lúc lắm.
Rồi mình cũng tự nhủ, muốn sống như mẹ thì phải đi bằng chính đôi chân của mình, không dựa dẫm vì mẹ từng đi lên từ hai bàn tay trắng, ôm mình từ quê lên Sài Gòn mà trong tay không có gì cả. Chỉ khi đi qua những tháng ngày đó, mẹ mới hiểu giá trị của đồng tiền, của thành quả lao động.
Thế rồi những khi chập chững vào đời, dù có mẹ kề bên nhưng mình vẫn quyết tâm đi theo một con đường khác. Mình chọn con đường thiết kế nội thất để không phải làm việc cho mẹ mình. Mình hứa với bản thân không để người khác nhìn vào và nghĩ mình chỉ có thể dựa vào tiền của mẹ để sống cuộc sống sung túc. Mình không muốn bị dán mác con nhà có điều kiện".
Thế nhưng tuổi trẻ mà, ai cũng có lúc mắc phải sai lầm và chính con đường riêng phía trên là một sai lầm của Vương Anh, một cú sốc đầu đời khiến cô nàng lại phải chạy về bên mẹ một lần nữa để nói với mẹ rằng "con sai rồi".
Sau đó, Vương Anh quay trở lại con đường ẩm thực, dù con đường này mẹ cũng đang theo đuổi nhưng Vương Anh tin rằng, mình chỉ song hành cùng mẹ, chung mục đích chứ không hề dựa vào để mẹ dắt đi. Vương Anh và mẹ sẽ "song kiếm hợp bích" để chinh phục con đường này.
Quay trở lại hiện tại, Vương Anh chia sẻ thêm cuộc sống của mình trong khoảng thời gian cô nàng đi du học: "Hiện tại, mình vừa học vừa làm, vẫn phải thức, dậy sớm và cố gắng hết sức để làm việc và học tập giống rất nhiều người khác.
Công việc mình làm cũng không phải nhẹ nhàng nhưng mình cố gắng hết sức vì đam mê. Dù mệt nhưng mình vẫn thấy rất vui, rất thích ẩm thực và thích được vào bếp. Mình nhận được tiền lương là 18 AUD/giờ (khoảng 320 nghìn đồng). Mọi người biết đấy, kiếm tiền đâu phải dễ dàng gì".
Vương Anh bật mí thêm một chút nữa về mẹ, là dù muốn con gái tự lập nhưng mẹ vẫn rất chiều chuộng cô nàng vì hơn ai hết mẹ hiểu nỗi vất vả của nghề bếp cũng như là sự cô đơn của những du học sinh ở nơi đất lạ quê người.
"Nhưng cái gì đúng mới chiều cơ. Mình muốn mua xe máy để đi học tiện hơn. Chỉ cần nói là vài ngày sau mẹ mình gửi tiền ngay để mình có xe để đi học.
Laptop mình hư thì mẹ sẽ cho ngay tiền mua máy khác để mình không bị chậm bài vở. Mẹ mình cũng không tiếc những phần thưởng khi mình đạt được thành công gì đó. Chiều chuộng nhưng lúc nào cũng lý do chính đáng" – Vương Anh nói.
Hôm nay, ngày 8/3, dù xa nhà nhưng Vương Anh cũng xin gửi lời chúc từ phương xa tới mẹ Đoàn Thu Thủy – người đã dành trọn một đời hy sinh cho con cái, đi qua biết bao khó khổ để các con của mình có được ngày hôm nay:
"Gửi mẹ,
Cảm ơn mẹ vì những năm tháng vất vả mà mẹ đã đi qua để cho con và em có ngày hôm nay. Con biết, con vẫn còn đi học, vẫn cần sự trợ giúp của mẹ rất nhiều trong khoản chi tiêu nhưng con hứa, con sẽ tiết kiệm tối đa như cách mẹ dạy và sống một cuộc đời an lành như cách mẹ mong muốn và con cũng mong muốn.
Con chúc mẹ có một ngày 8/3 thật vui vẻ bên bạn bè và em. Chúc mẹ có thật nhiều sức khỏe để tiếp tục cùng con chinh phục con đường ẩm thực này, và hãy hạnh phúc mẹ nhé, mẹ vất vả nhiều quá rồi. Cảm ơn mẹ vì tất cả, mẹ yêu của con".
(Ảnh: NVCC)