Tình hình bệnh bạch hầu tại Bắc Giang và Nghệ An đang khiến nhiều người đặt ra câu hỏi có nên tiêm vắc xin bạch hầu lúc này. Dưới đây là tư vấn của chuyên gia về vấn đề này.
5 nhóm đối tượng nên tiêm vắc xin bạch hầu lúc này
Theo Cục Y tế dự phòng, bệnh bạch hầu là bệnh có vắc xin phòng bệnh trong Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia. Trong những năm gần đây, số ca mắc giảm nhiều lần so với trước khi bắt đầu triển khai tiêm chủng mở rộng, từ gần 3.500 ca mắc năm 1983 xuống còn khoảng từ 10 - 50 ca mắc/năm (trong vòng 15 năm trong giai đoạn từ 2004 - 2019).
Hiện nay, bệnh bạch hầu xuất hiện rải rác tại một số nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp.
Mới đây, ca tử vong do bệnh bạch hầu tại Nghệ An đã khiến cho không ít người lo ngại bạch hầu bùng phát trên diện rộng và "rủ" nhau đi tiêm vắc xin.
PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho biết đối với vắc xin bạch hầu, sau 10 năm, người dân nên tiêm nhắc lại do kháng thể trong máu sẽ giảm theo thời gian.
Ths.BS Trần Đăng Khoa, Khoa Khám bệnh (Bệnh viện Đại Học Y Dược TP.HCM), giải thích kỹ hơn: Sau khi tiêm ngừa hoặc khỏi bệnh bạch hầu, nồng độ kháng thể trong máu sẽ tăng từ 0,01 đến 0,1 IU, được xem như có khả năng bảo vệ. Nồng độ này giảm chậm theo thời gian và đến 50% người trên 60 tuổi hoặc tiêm vắc xin trên 10 năm sẽ có nồng độ kháng thể dưới 0,01 IU/mL, tức là hết miễn dịch bảo vệ. Ở mức miễn dịch thấp này có nguy cơ mắc bệnh cho nên cần phải tiêm ngừa vắc xin bạch hầu.
Trước tình trạng nhiều người dân rủ nhau đi tiêm vắc xin bạch hầu, PGS Phu khuyên: "Trong bối cảnh hiện nay người nào xét thấy mình có yếu tố nguy cơ thì nên đi tiêm vắc xin. Không nên quá lo lắng, chen lấn, nghe theo các thông tin đồn thổi, xếp hàng chờ đợi để tiêm vắc xin giá cao là không cần thiết".
Cụ thể, PGS Phu chỉ ra 5 nhóm đối tượng nên đi tiêm vắc xin bạch hầu thời điểm này:
- Trẻ em chưa tiêm chủng đầy đủ, chưa tiêm mũi nhắc lại theo quy định của Bộ Y tế.
- Người lớn chưa từng tiêm vắc xin bạch hầu.
- Người không nhớ rõ đã được tiêm đủ mũi hay chưa.
- Người lớn đã 10 năm chưa tiêm nhắc lại vắc xin bạch hầu.
- Người đi lại nhiều tới vùng sâu, vùng xa nơi có dịch đang lưu hành.
Bác sĩ Lê Văn Thiệu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết thêm: Đối với người đã được tiêm chủng đầy đủ từ bé theo chương trình tiêm chủng mở rộng, đến lúc 12 -13 tuổi nên tiêm nhắc lại vaccine bạch hầu.
"Khi tiêm vắc xin lại, thời điểm này kháng thể sẽ được kích lên cao hơn so với các lần tiêm trước đó. Do vậy, sau lần tiêm này, kháng thể sẽ kéo dài khá bền vững, trừ trường hợp người mắc bệnh suy giảm hệ thống miễn dịch, người miễn dịch kém... có thể mắc bệnh. Đó cũng là lý do vì sao bệnh bạch hầu thường hay mắc ở trẻ em do chưa được tiêm phòng hoặc tiêm không đầy đủ", bác sĩ Thiệu nói.
Tại những nơi đang có dịch, việc tiêm vắc xin bổ sung sẽ phải tuân thủ theo chỉ định của cơ quan y tế địa phương.
PGS Phu cho biết, hiện nay, Việt Nam đã sản xuất được vắc xin bạch hầu, đó là vắc xin của IVC (Viện vắc xin và sinh phẩm y tế Nha Trang), giá thành cũng không quá cao.
Vắc xin bạch hầu có tác dụng phụ hay không?
Bác sĩ Khoa cho biết vắc xin bạch hầu được chế tạo từ độc tố bị bất hoạt nên có độ an toàn cao, có thể sử dụng cho trẻ em đến người lớn. Tiêm ngừa vắc xin gần như không xảy ra tác dụng phụ nhiều cho người tiêm.
Lịch tiêm vắc xin bạch hầu trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng
Mũi 1: Tiêm vắc xin DPT - VGB - Hib (phòng bệnh bạch hầu - ho gà - uốn ván - viêm gan B - viêm phổi/viêm màng não mủ do Hib) khi trẻ 2 tháng tuổi.
Mũi 2: Tiêm vắc xin DPT - VGB - Hib khi trẻ 3 tháng tuổi.
Mũi 3: Tiêm vắc xin DPT - VGB - Hib khi trẻ 4 tháng tuổi.
Mũi 4: Tiêm vắc xin DPT (phòng bệnh bạch hầu - ho gà - uốn ván) khi trẻ 18 tháng tuổi.