Bà là Lý Chiêu Hoàng, con gái thứ của vua Lý Huệ Tông và hoàng hậu Trần Thị Dung.
Theo Đại Việt sử ký toàn thư, Lý Chiêu Hoàng sinh năm Mậu Dần (1218). Khi bà chào đời, nhà Lý đã vào thời kỳ suy tàn. Ông nội của bà - vua Lý Cao Tông được biết đến là người “chơi bời vô độ, chính sự hình pháp không rõ ràng, giặc cướp nổi lên như ong, đói kém liền năm” nên cơ nghiệp nhà Lý từ đấy suy tàn. Tới đời Lý Huệ Tông, đất nước càng bi đát hơn.
Vua Huệ Tông vào cuối đời thường hay rượu chè, không thể cáng đáng nổi việc triều chính. Tháng 10/1224 Điện tiền chỉ huy sứ Trần Thủ Độ (anh họ của hoàng hậu Trần Thị Dung) - người nắm quyền lực lớn nhất trong triều đình thời bấy giờ đã buộc vua xuống chiếu nhường ngôi cho công chúa Chiêu Hoàng khi mới 6 tuổi. Do Chiêu Hoàng lên ngôi khi còn quá nhỏ tuổi nên việc triều chính do mẹ bà Trần Thị Dung, khi đó là thái hậu điều hành.
Trần Thủ Độ sắp xếp người cháu họ là Trần Cảnh, 8 tuổi, đưa vào cung làm Chánh thủ, có nhiệm vụ hầu hạ Lý Chiêu Hoàng. Thấy Lý Chiêu Hoàng thiện cảm với Trần Cảnh, Trần Thủ Độ liền đứng ra thu xếp để cả hai nên duyên vợ chồng.
Đến năm Ất Dậu (1225), Lý Chiêu Hoàng xuống chiếu nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh. Kể từ đây, ngôi báu của họ Lý chính thức được nhường lại cho họ Trần.
Sau đó Trần Cảnh lên ngôi hoàng đế, tự xưng Thiện Hoàng. Sử sách gọi ông là Trần Thái Tông. Lý Chiêu Hoàng được phong làm hoàng hậu, đổi hiệu là Chiêu Thánh. Bà chung sống với vua Trần Thái Tông hơn 10 năm, tình cảm khá sâu sắc, được vua rất yêu thương và kính trọng. Bà cũng là hoàng hậu trẻ nhất trong lịch sử khi chỉ mới 7 tuổi.
Ai cũng nghĩ Lý Chiêu Hoàng sẽ có một cuộc đời bình yên nhưng số phận trớ trêu đã khiến bà gặp phải nhiều biến cố. Năm 1233, Lý Chiêu Hoàng hạ sinh ra thái tử Trần Trịnh, nhưng thái tử qua đời ngay sau khi sinh không lâu. Điều này để lại một nỗi đau lớn trong lòng khiến bà ốm đau liên miên. Vì vậy mà những năm tiếp theo bà vẫn không thể sinh con.
Sợ Trần Thái Tông không có con trai nối ngôi, Trần Thủ Độ lại ép nhà vua lập hoàng hậu mới. Lúc này Lý Chiêu Hoàng bị giáng xuống làm Chiêu Thánh công chúa. Trước liên tục những biến cố của cuộc đời, quá đau buồn và chán nản, bà xuống tóc đi tu.
Tưởng rằng khi xuất gia cuộc đời sẽ bình yên nhưng duyên nghiệp của bà vẫn chưa kết thúc. Năm 1259, sau cuộc chiến với quân đội Mông Cổ, Trần Thái Tông gả Chiêu Thánh công chúa cho Lê Phụ Trần, một thuộc tướng dòng dõi của Minh Càn Quảng Hiếu hoàng đế nhà Tiền Lê.
Lê Phụ Trần là người lập nhiều chiến công trong kháng chiến, có công cứu giá vua Trần Thái Tông. Lúc này, Lý Chiêu Hoàng đã ở tuổi 40. Sống với Lê Phụ Trần được 20 năm, bà sinh được 2 người con. Con trai là Thượng vị hầu Lê Tông, con gái là Ứng Thụy công chúa Lê Ngọc Khuê. Cuộc hôn nhân gượng ép nhưng lại giúp bà được hưởng sự yêu thương, hạnh phúc.
Theo chính sử, Lý Chiêu Hoàng mất vào đầu năm Mậu Dần (1278) tại quê hương Cổ Pháp (nay thuộc Từ Sơn, Bắc Ninh), thọ 60 tuổi.