Trong suốt nhiều năm qua, Bill Gates vẫn luôn là tỷ phú công nghệ nổi tiếng trên toàn thế giới. Tính đến 2017, ông đã sở hữu số tài sản lên tới 90 tỷ đô la, kém người đứng đầu là Jeff Bezos khoảng hơn 10 tỷ đô.
Không còn nghi ngờ gì việc hai người đàn ông đang là những người giàu nhất thế giới, tuy nhiên. nếu tính trong suốt quá trình lịch sử, vẫn còn một nhân vật mà họ còn cách rất xa mới có thể đạt tới.
Musa Keita - Người đàn ông giàu nhất lịch sử nhân loại
Theo tờ Time, quốc vương Musa Keita I chính là người được đánh giá giàu nhất mọi thời đại, sự giàu có của ông là không thể xác định một cách chính xác mà chỉ có thể ước tính. Ông cai trị đế chế Mali vào khoảng thế kỷ thứ 14, khi đó, quốc gia của Musa được thiên nhiên vô cùng ưu đãi, ban cho nhiều sản vật độc đáo, có giá trị, đặc biệt là vàng và muối.
Musa Keita I lên nắm quyền vào năm 1312, khi được trao vương miện, ông được đặt tên là Mansa, có nghĩa là vua.
Vào thời điểm đó, phần lớn châu Âu đang chìm trong nạn đói và các cuộc chiến tranh liên miên, nhưng nhiều vương quốc châu Phi vẫn duy trì được sự phát triển của mình.
Ngay sau khi lên ngôi, Musa Keita I đã tiến hành công cuộc "mở rộng biên giới lãnh thổ". Ông đã sát nhập thành phố Timbuktu và tái lập lại quyền lực của Gao. Theo tính toán, đế chế Mali lúc đó có thể bao gồm cả Mauritania, Senegal, Gambia, Guinea, Burkina Faso, Niger, Nigeria...
Đế chế Mali rộng lớn dưới thời Musa Keita I
Cũng từ đó, khối tài sản của Musa dần dần nở ra ngày một to hơn. Nguồn thu bây giờ không chỉ đến từ việc giao thương vàng và muối - những thứ đặc biệt giá trị và vô cùng quý hiếm vào thời bấy giờ - mà còn đến từ hàng loạt các thành phố, quốc gia đã bị ông chinh phục.
Đến năm 1324, ông chính thức khiến cả thế giới phải biết đến tên mình khi quyết định thực hiện cuộc hành hương lên tới 6.400km từ quê hương đến thánh địa Mecca.
Cuộc hành hương đắt đỏ nhất trong lịch sử
Điều đặc biệt ở đây không phải là con số khổng lồ về khoảng cách mà là những "thông tin biết nói" về đoàn tùy tùng và quá trình hành hương.
Cuộc hành hương kéo dài hơn 6.400km.
Theo những ghi chép có được, Musa là một vị vua sùng đạo, ông ra sức phát triển đạo Hồi trong đế chế của mình và cũng không tiếc tiền của để thực hiện chuyến hành hương có một không hai kia.
Khi đó, Musa Keita I đem theo hàng chục nghìn binh lính, nô lệ và những kẻ tùy tùng, không chỉ có thể, hoàng hậu và 500 hầu gái cũng đi theo để có thể phục vụ chu đao cho vị quốc vương giàu có này. Người ta ước tính, tổng số người đã tham gia chuyến hành hương này cùng Musa có thể lên tới 60.000 người, trong đó 1/5 là nô lệ.
Trong suốt cuộc hành hương của mình, Musa Keita được biết đến như một vị vua cực kỳ hào phóng, rộng rãi. Ông tài trợ nhiều công trình xây dựng đền thờ trên đường đi, ra lệnh phát tiền cho người nghèo tại những thành phố lớn.
Một trong những công trình để đời của Musa - Thánh đường hồi giáo Djinguereber
Chỉ riêng số tiền - vàng đem cho đi thôi cũng nhiều đến nỗi làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới nền kinh tế của nhiều khu vực. Đặc biệt, tại Cairo, sau khi Musa thực hiện lòng tốt của mình và rời đi, ông vô tình tạo ra một làn sóng lạm phát mạnh mẽ nơi đây, giáng một đòn mạnh vào hệ thống tiền tệ của thành phố. Phải mất nhiều năm sau người ta mới có thể bình ổn lại tình hình.
Để sửa lại sai lầm không đáng có này, về sau vua Musa đã cho người mua lại vàng từ những tên cho vay nặng lãi nhằm giúp kiềm chế làm phát. Tất nhiên sẽ mất nhiều thời gian để tình hình kinh tế trở lại như bình thường nhưng có thể nói đây là lần đầu tiên, một cá nhân đơn lẻ có thể ảnh hưởng tới như vậy tới cả nền kinh tế của một khu vực.
Đó là còn chưa kể số tiền bỏ ra để mua thức ăn, trang phục, gia súc và đồ dùng cần thiết cho cả đoàn tùy tùng 60.000 người của đức vua đế chế Mali.
Ông trở thành biểu tượng của sự giàu có, người dân ở các thành phố lớn mỗi khi nghe tin Musa sắp tới đều đổ xô ra xếp hàng trên đường để đón ông vua hào phóng này. Người ta kể lại rằng, hơn chục năm sau khi Musa đã trở lại Mali, vẫn còn hàng triệu người hát vang tên ông để ca ngợi sự rộng rãi đó.
Có thể nói, đây là chuyến hành trình độc nhất vô nhị và cũng tốn kém nhất trong lịch sử nhân loại. Từ đó về sau, không ai dàm làm và cũng không đủ khả năng để thực hiện một chuyến đi có tầm vóc khổng lồ như của vua Musa Keita I nữa.
Vua Musa xuất hiện cùng thỏi vàng tượng trưng cho sự giàu có trong tấm bản đồ Catalan vào năm 1375. Đó cũng là tấm bản đồ quan trọng bậc nhất thời trung cổ.
Đó chỉ là chuyến đi kéo dài một năm (1324-1325) đã khiến nhiều người choáng ngợp thì tổng tài sản của Musa Keita chắc chắn sẽ gây nhiều bất ngờ hơn nữa. Nếu tính toán cả về mức lạm phát thì tài sản của vị vua hào phóng này có thể đạt hơn 400 tỷ đô la (xấp xỉ 9,1 triệu tỷ VNĐ), tức là gấp 4 lần người giàu nhất thế giới hiện nay Jeff Bezos.
Vào thời đại này, để có thể giàu gấp 4 lần Jeff Bezos hay Bill Gates quả thật là sự vọng tưởng quá xa vời. Thế mới thấy, vua Musa Keita xứng đáng với danh xưng người giàu nhất nhân loại của mọi thời đại.
Tham khảo nhiều nguồn