Vụ tấn công hôm 13/6 xảy ra chỉ khoảng 1 tháng sau vụ tấn công nhằm vào 4 tàu chở dầu trong khu vực mà cả Mỹ, Saudi Arabia và UAE cũng đều chỉ tay về phía Iran.
Cuộc tấn công mới nhất này sẽ khiến căng thẳng leo thang, các nhà hoạch định chính sách, các nhà phân tích và các chuyên gia được dịp “bận rộn” trong vài tuần tới. Dù chưa rõ ai thực sự đứng đằng sau và động cơ đằng sau là gì, nhưng có thể thấy đâu là bên hưởng lợi nhiều nhất đằng sau vụ tấn công nhằm vào tàu chở dầu.
Iran hưởng lợi hay chịu thiệt?
Trong một cuộc phòng vấn với Đài Sputnik, Mohammed Marandi, chuyến gia nghiên cứu về Mỹ tại Đại học Tehran đã bác bỏ cáo buộc cho rằng Iran chịu trách nhiệm về các vụ tấn công nhằm vào 2 tàu chở dầu trên Vịnh Oman hôm 13/6, đồng thời khẳng định Iran chẳng có lợi ích gì khi làm như vậy.
“Rõ ràng là có sự hoài nghi lớn đối với Iran, vì cuộc tấn công đầu tiên cách đây khoảng 1 tháng nhằm vào một số tàu chở dầu gần một cảng biển của UAE xảy ra ngay sau khi Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton nói rằng ông đã nhận được các thông tin tình báo từ Israel cho thấy Iran muốn tiến hành các cuộc tấn công nhằm vào các lợi ích của Mỹ trong khu vực”, ông Marandi nói.
Ngày 12/5, 4 tàu chở dầu, trong đó 2 tàu của Saudi Arabia, 1 tàu của Na Uy và 1 tàu UAE bị tấn công ở khu vực vùng đặc quyền kinh tế của UAE trên vịnh Oman. Theo ông Bolton, 4 tàu chở dầu bị tấn công “bởi các ngư lôi gần như chắc chắn là của Iran”. Mọi cáo buộc khi đó đều nhắm vào Iran trong bối cảnh căng thẳng leo thang trong khu vực.
Trong vụ tấn công hôm 13/6, hai con tàu bị tấn công là tàu chở dầu “Front Altair” thuộc sở hữu của công ty Frontline của Na Uy, và tàu chở chất hóa dầu “Kokuka Courageous” thuộc sở hữu của công ty Nhật Bản Kokuka Sangyo. Vụ tấn công xảy ra gần trên Vịnh Oman, gần khu vực eo biển Hormuz nối với Vịnh Ba Tư.
“Thời điểm vụ tấn công xảy ra, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đang có chuyến thăm Iran lần đầu tiên trong hơn 40 năm và có cuộc gặp với Lãnh tụ tinh thần tối cao Iran. Trong khi đó, một trong hai con tàu bị tấn công lại thuộc sở hữu của Nhật Bản. Có thể thấy các cuộc tấn công này dường như một lần nữa được tiến hành nhằm gây tổn hại các lợi ích của Iran, vì lãnh tụ Iran trong cuộc gặp với Thủ tướng Shinzo Abe, đã gọi Nhật Bản là một người bạn của Iran. Vì thế, tại sao Iran lại có thể tấn công các mục tiêu có liên quan hay thuộc về Nhật Bản ngay ở thời điểm Thủ tướng Nhật Bản đang thăm Iran? Điều đó thực sự khó hiểu”, ông Marandi nói.
Giá dầu tăng, Saudi Arabia và UAE hưởng lợi nhiều nhất
Dù chưa chắc đã là bên đứng đằng sau vụ tấn công tàu chở dầu trên Vịnh Oman, nhưng chắc chắn Saudi Arabia và các đồng minh hưởng lợi nhiều nhất.
Vụ tấn công xảy ra gần eo biển Hormuz, tuyên vận tải dầu mỏ quan trọng nhất thế giới. Gần 2/3 nguồn cung dầu thô và 1/3 lượng khí đốt tự nhiên trên thế giới là từ khu vực này và các vùng duyên hải xung quanh.
Sau vụ tấn công hôm 13/6, giá dầu đã tăng 4%, dầu thô Brent giao quốc tế lên tới 61,99 USD/thùng.
“Giá dầu tăng sẽ chỉ có lợi cho Saudi và AUE. Nó sẽ khiến dầu mỏ mà họ xuất khẩu trở nên đắt giá hơn”, ông Marandi nói.
Ông Marandi cũng nói thêm rằng, Mỹ đã từng dọa sẽ đưa xuất khẩu dầu mỏ của Iran về con số 0 thông qua các lệnh trừng phạt và nếu kịch bản này xảy ra, thì việc làm tăng giá dầu chẳng mang lại ích lợi gì cho Iran.
Động cơ của Mỹ khi vội vàng “kết tội” Iran?
Ngày 15/6, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chỉ đích danh Iran tiến hành các vụ tấn công nhằm vào tàu chở dầu, và nói rằng, đoạn băng mà quân đội Mỹ công bố đã chứng minh Iran là “thủ phạm”.
Chỉ 1 ngày trước đó, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố rằng các cuộc tấn công được tiến hành rất tinh vi, với việc toàn bộ 44 thủy thủ của các tàu chở dầu đều đã được sơ tán an toàn, thì Iran là bên duy nhất trong khu vực có thể tiến hành một cuộc tấn công như vậy. Ngoại trưởng Pompeo cũng cho biết, Mỹ đưa ra đánh giá này dựa trên thông tin tình báo, loại vũ khí đã được sử dụng và các cuộc tấn công trên biển tương tự của Iran.
Có thể thấy rõ, Mỹ vội vàng quy kết Iran là thủ phạm mà không đưa ra được bằng chứng cụ thể. Thậm chí đoạn video mà Mỹ cáo buộc Iran đang dỡ ngư lôi chưa phát nổ bên mạn một con tàu bị tấn công dường như cũng không đủ sức thuyết phục.
Ngày 15/6, Yutaka Katada, Chủ tịch Kokuka Sangyo (chủ sở hữu con tàu chở dầu bị tấn công trên Vịnh Oman) đã bác bỏ những mô tả của Mỹ về vụ tấn công. Ông cho biết, các thủy thủ đoàn trên tàu của Nhật Bản đã nhìn thấy một vật thể bay ngay trước khi vụ tấn công xảy ra.
Nói với truyền thông Nhật Bản, ông Katada cho biết: “Tôi không nghĩ là có một quả bom hẹn giờ hay một vật thể nào đó được gắn bên mạn tàu. Một quả ngư lôi sẽ không làm hỏng con tàu ở trên mặt nước biển. Chúng tôi không chắc chắn cái gì đã đánh trúng, nhưng đó là vật thể đang bay lại gần con tàu”.
Ngay sau khi đưa ra những lời cáo buộc nhằm vào Iran, Mỹ tuyên bố, tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Mason sẽ được triển khai bên cạnh tàu khu trục USS Bainbridge gần khu vực tàu chở dầu bị tấn công trên Vịnh Oman.
Tháng trước, Mỹ đã điều tàu sân bay USS Abraham Lincoln tới Trung Đông, viện dẫn lý do có các thông tin tin tình báo cho thấy có khả năng xảy ra một cuộc tấn công nhằm vào lợi ích của Mỹ trong khu vực. Tuy nhiên, tàu sân bay Mỹ vẫn chưa tiến tới Vịnh Ba Tư.
Với các cuộc tấn công tàu chở dầu trên Vịnh Oman, Mỹ có một lý do khá hợp lý để đưa tàu sân bay tới Vịnh Ba Tư để bảo vệ các tàu chở dầu trước hành động gây hấn của Iran. Và nếu vậy, một lần nữa, sức mạnh quân sự Mỹ sẽ đơn thuần là một vở kịch chính trị chứ không chỉ là công cụ răn đe./.