Trong các cuộc chạy đua chính trị vào Nhà Trắng, tiền bạc là tiêu chí cần và phải có đủ. Người thì huy động nguồn vốn tự có như tỷ phú Donald Trump , kẻ thì được công chúng ủng hộ, theo BBC.
Tháng 4 năm ngoái, Tòa án Tối cao Mỹ thông qua quyết định nâng trần định mức mà các cá nhân được phép ủng hộ cho ứng cử Tổng thống: Mỗi cá nhân được đóng góp cho bầu cử sơ bộ tối đa 3,6 triệu USD (mức cũ 123.200 USD); không giới hạn tổng tiền tối đa mà mỗi ứng viên nhận được.
Với quyết định này, các ứng cử viên Tổng thống Mỹ năm nay được “thả cửa” nhận tiền ủng hộ tranh cử.
Ủy ban Bầu cử liên bang sẽ giám sát và bảo đảm thi hành luật về huy động tài trợ và chi tiêu cho chiến dịch tranh cử.
Nhận tiền từ “ngân hàng ngầm”
Cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã quyên góp được hơn 188,2 triệu USD; Trong đó, thu được 11 triệu USD từ các luật sư và công ty luật, hơn 4 triệu USD từ ngành ngân hàng và đầu tư thương mại; 12,8 triệu USD từ nhóm về hưu.
Quyên góp cho bà Clinton là đại diện các tập đoàn lớn, các ngân hàng cũng như các “ngân hàng kín tiếng” như quỹ đầu tư, quỹ tương hỗ và các công ty TNHH.
Bà Clinton là một trong số ít các ứng cử viên bị chỉ trích đã nhận tiền từ các “ngân hàng kín tiếng” hay “ngân hàng ngầm” trong hệ thống tài chính của Mỹ, nên điều này cần phải giám sát.
Bởi ngay bà Hillary Clinton cũng từng phát biểu, các ngân hàng ngầm có thể dẫn đến cuộc khủng hoảng tài chính tiếp theo.
Nếu bà trúng cử, nước Mỹ cần phải có thêm nhiều luật sư, cũng như quy định nhằm kiểm soát hệ thống ngân hàng này.
Trả lại tiền quyên góp
Ông Bernie Sanders, đối thủ của bà Clinton trong Đảng Dân chủ liên tục đặt câu hỏi về ảnh hưởng của phố Wall đến chính trị, quan hệ của bà Hillary Clinton với số tiền quyên góp có nguồn gốc từ các ngân hàng.
Bernie Sanders không hề né tránh chỉ trích phố Wall, các nhà tài trợ lớn; thậm chí ông còn trả lại tiền do một cựu giám đốc điều hành của hãng dược Turing Pharmaceutical, Martin Shkreli vì hãng này đã tăng giá một loại thuốc lên tới 5.000%. Hiện, ông Sanders huy động được trên 96,4 triệu USD.
Theo ông Bernie, gần 3/4 đóng góp cho ông dưới mức 200 USD. Trong khi đó, chỉ có 17% đóng góp cho Hillary Clinton dưới mức 200 USD.
Bernie Sanders nổi tiếng bởi khoản tiền đóng góp của nhóm người thất nghiệp. Năm 2015 chiến dịch của ông đã quyên được 14 triệu USD từ nhóm người không có việc làm.
Vốn tự có là tiền đi vay
Tỷ phú Donald Trump được giới truyền thông, công chúng chú ý hơn cả sau những phát ngôn gây sốc.
Trong số trên 27,4 triệu USD Trump nhận được chỉ có 7,5 triệu là từ các nhà tài trợ cá nhân, những người nghỉ hưu 432.143 USD. Riêng lĩnh vực y tế và bất động sản là các nhà tài trợ tích cực nhất.
Ưu điểm tiếp theo của Donald Trump là vốn tự có, bởi ông này là một tỷ phú.
Tuy nhiên, đáng tiếc nguồn vốn tự có này lại là tiền đi vay, chiếm khoảng 69% tổng số tiền huy động và sẽ phải hoàn lại sau khi cuộc bầu cử kết thúc.
Đến thời điểm hiện tại Donald Trump mới chỉ chi 250.318 USD tiền túi cho cuộc chạy đua vào Nhà Trắng.
Hầu hết các khoản tài trợ cá nhân của Donald Trump là từ các nhà tài trợ nhỏ, chứng tỏ sức hấp dẫn của ứng cử viên này rất thấp.
Một trong những lý do các nhà tài trợ cho Donald Trump chính là khẩu hiệu do ông đưa ra: Make America great again (tạm dịch: Hãy làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại) nhái theo câu Hãy làm cho Kitô giáo vĩ đại một lần nữa (Make Christianity great again).
Ngoài ra, Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa, Ted Cruz huy động được khoảng 101,4 triệu USD. Nguồn tiền này đến từ ngành công nghiệp truyền thống như dầu khí và nông nghiệp.
Bỏ cuộc sau khi đã đốt số tiền khổng lồ
Jeb Bush (có bố George HW. Bush và anh trai George W.Bush từng làm Tổng thống Mỹ) - người đầu tiên tuyên bố bỏ cuộc sau khi đã đốt một số tiền khổng lồ.
Theo thống kê, sau gần 9 tháng chạy đua, ông này đã tiêu tốn một khoản tiền khổng lồ, cụ thể: 84 triệu USD cho quảng cáo, 10 triệu USD thuê chuyên gia tư vấn, 8,3 triệu USD cho nhân sự hỗ trợ, chưa kể các chi phí “lặt vặt” khác từ hàng chục nghìn USD trở lên.
Đây có thể nói là một trong những chiến dịch tốn kém nhất mà không đi đến đâu trong lịch sử bầu cử Mỹ.
Cùng cảnh bỏ cuộc, thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Marco Rubio cũng quyên góp được khoảng 69 triệu USD. Ông Marco Rubio bỏ cuộc vì kết quả cuộc bầu cử tại tiểu bang quê hương Florida không thành.
Phần lớn các khoản đóng góp cho Marco Rubio đến từ các công ty, doanh nghiệp lớn. Chỉ có 19% những người quyên góp cho Marco Rubio là các nhà tài trợ nhỏ.
7/10 tổ chức hàng đầu quyên góp cho Marco Rubio là ngành ngân hàng, các công ty quản lý quỹ, các công ty bảo hiểm như Goldman Sachs, Morgan Stanley và Elliott Management.
Thượng nghị sĩ Rubio cũng giống Donald Trump, đi vay để tranh cử, ông chỉ có 98.000 USD tiền cá nhân.