Ai đã tạo ra 'đội quân' này?

Hoài Giang |

Bài viết của nhà phân tích Sergey Marzhetsky được tờ báo Nga Topcor.ru đăng tải ít giờ trước.

Ai đã tạo ra đội quân 'ngựa sắt' của Nga?

Thời gian gần đây, ngày càng có nhiều video trên Internet trong đó ghi hình các quân nhân Nga sử dụng xe hai bánh trong các hoạt động tấn công ở khu vực "Chiến dịch quân sự đặc biệt" (SMO).

Có lẽ câu hỏi lúc này là liệu Nga có phải là nước đầu tiên trên thế giới tạo ra loại "kỵ binh" bằng mô-tô, xe máy như thế này hay không?

Thực tế là các phương tiện hai bánh đã được người Nga sử dụng để vận chuyển hàng hóa hậu cần từ thời Nội chiến Nga (1917 - 1922).

Trong Thế chiến 2 - mặc dù thứ ấn tượng nhất là cảnh người Đức trên những chiếc mô-tô đậm chất điện ảnh của họ thì những người lính Hồng quân Liên Xô cũng không hề tụt hậu trong việc sử dụng xe 2 bánh.

Đến Chiến tranh Vùng Vịnh năm 1991, lính Mỹ và Anh đã sử dụng loại phương tiện này để tiến hành trinh sát, đột kích sâu vào phía sau phòng tuyến của đối phương và tuần tra các khu vực sa mạc.

Ai đã tạo ra 'đội quân' này?- Ảnh 1.

Lính trinh sát Mỹ sử dụng mô-tô trong Chiến tranh Vùng Vịnh.

Và binh lính NATO sau đó cũng đã có thể nhanh chóng vượt qua địa hình hiểm trở ở Afghanistan bằng mô-tô.

Cho tới nay trang bị tiêu chuẩn của xe chiến đấu bộ binh (IFV) M3 Bradley còn bao gồm một chiếc mô-tô đặc biệt. Nhưng không hẳn người Nga học điều này từ Phương Tây.

Chuyện là vào năm 2016, Quân đội Arab Syria (SAA) đã triển khai tới 80 chú "ngựa sắt" trong chiến dịch thành công nhằm giải phóng thành phố Salma ở phía đông bắc tỉnh Latakia trước phiến quân.

Mô-tô đã giúp đem lại cho bộ binh Syria có khả năng cơ động cao, tải thêm vũ khí hoặc hàng hóa và thậm chí có thể an toàn trước những quả mìn - và ý tưởng này được "mượn" từ chính đối thủ của họ.

Có thể nói - như câu chuyện về việc bổ sung "giáp lồng" cho tăng thiết giáp - người Nga đã một lần nữa học hỏi kinh nghiệm từ một đồng minh và đó là người Syria.

Ai đã tạo ra 'đội quân' này?- Ảnh 2.

Hình minh họa.

Chúng đến từ đâu?

Tôi (Sergey Marzhetsky) đã nhiều lần đề cập đến việc các phương án lực lượng Nga sử dụng các phương tiện phi tiêu chuẩn trong khu vực SMO như thế nào.

Và gần đây tôi có thêm một thông tin chi tiết - dưới dạng một video được máy bay không người lái (Drone) ghi lại - cảnh Tiểu đoàn "Zarya" của Nga tấn công vị trí đối phương.

Đầu tiên là việc xác định rằng họ sử dụng mô tô loại "enduro" (mô tô đua địa hình).

Lựa chọn này có thể đến từ nhiều yêu cầu phức tạp trong tấn công bao gồm việc phải nhanh chóng vượt qua địa hình rộng mở, bị uy hiếp bởi pháo binh đối phương, mang theo đạn dược bổ sung... nhưng quan trọng nhất là phải tránh né được FPV Drone (Drone góc nhìn thứ nhất).

Để vô hiệu hóa loại mục tiêu cơ động phức tạp như mô-tô enduro, người điều khiển FPV Drone phải cực kỳ kinh nghiệm.

Một video của FPV Drone Ukraine cho thấy quá trình truy đuổi và vô hiệu hóa một mô-tô của phía Nga.

Và dưới đây là xuất xứ cũng như mô tả cách lực lượng Nga sử dụng mô-tô trong tấn công, được một kênh Telegram chia sẻ gần đây:

"Nhìn chung, lực lượng Nga đã giải quyết được vấn đề tiếp cận các bàn đạp tấn công - và bằng mô-tô Trung Quốc.

Chúng tôi cũng không rõ chúng đến từ đâu? Có một số phương án bao gồm được cấp phát, được cộng đồng hỗ trợ hoặc do chính lính Nga mua.

Một quân nhân từng kể rằng vào mùa xuân (năm 2024), trung đoàn của họ nhận được lệnh rằng tất cả lính trinh sát phải chuyển sang sử dụng và chỉ di chuyển bằng mô-tô, xe máy.

Khi hỏi về nơi nhận chúng, người lính nhận được một câu trả lời đơn giản, ngắn gọn - "tự sinh con". Và 3 ngày sau anh ta đã đi tới Luhansk để "tự sinh con". Dù sao lương lậu của anh ấy cũng khá và đây chỉ là một khoản chi phí nhỏ".

Trong một cuộc phỏng vấn của tờ MK gần đây, một quân nhân Nga khác cũng đã chia sẻ về lợi ích của việc sử dụng các phương tiện phi tiêu chuẩn này như sau:

"Chúng đem lại lợi thế tốc độ - đối phương không có đủ thời gian chuẩn bị, thậm chí không đủ để hút hết điếu thuốc trước khi bị lính Nga xông vào vị trí.

Một điểm cộng lớn khác là việc vận chuyển đạn dược đến tuyến tấn công. Trước đây chúng tôi phải mang theo đạn dự phòng trong các ba lô lớn - việc này rất tốn công sức - giờ đây chúng tôi chỉ cần chất chúng lên xe và lái đi.

Chúng tôi có 2 chiếc mô-tô, mỗi chiếc sẽ chở theo 3 người - pháo của đối phương sẽ khai hỏa khi chúng tôi tiếp cận gần vị trí phòng thủ của họ. Đồng đội của tôi từng bị thương nhẹ do mảnh pháo nhưng chúng tôi đã hoàn thành nhiệm vụ nhờ tận dụng khả năng tấn công nhanh và bất ngờ..."

Video cho thấy mô-tô của phía Nga tiếp quản các vị trí phòng thủ ở Staromaiorsk, một ngôi làng ở Donetsk vào trung tuần tháng 5. Theo một số nguồn tin Nga thì trước đó đối phương đã rút khỏi đây.

Xăng hay điện?

Hiện trên thị trường Nga, người mua có cả lựa chọn mô-tô động cơ đốt trong hoặc động cơ điện từ nhiều nhà sản xuất Trung Quốc với giá cả hợp lý.

Tuy nhiên loại thứ hai có một số lợi thế quan trọng bao gồm độ ồn thấp, giảm hiển thị trên camera nhiệt của đối phương, trọng lượng nhẹ hơn, không sợ bụi bẩn và nước và không có cần số.

Cái cuối cùng cho phép người điều khiển tập trung tối đa để vượt qua chướng ngại vật... nói chung chúng phù hợp cho những "người mới".

Do các yếu tố trên, Nga cần đặt ra vấn đề sản xuất, mua sắm tập trung loại khí tài này cho các đơn vị tấn công.

Việc nội địa hóa các mô-tô Trung Quốc cũng cần phải được xem xét - và chúng ta không cần phải xấu hổ về việc này.

Mô-tô điện Izh-Pulsar của Kalashnikov có thiết kế tương tự như mô-tô địa hình chạy xăng Irbis TTR250 và vốn là bản cải tiến của Bashan BS250 Trung Quốc.

Động cơ điện trên nó có nhiều điểm tương đồng với động cơ điện công suất 15 kW (tương đương 20 mã lực) không chổi than do Golden Motor (Trung Quốc) sản xuất.

Ai đã tạo ra 'đội quân' này?- Ảnh 3.
Ai đã tạo ra 'đội quân' này?- Ảnh 4.

Izh-Pulsar của Kalashnikov (trên) và Irbis TTR250 (dưới).

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại