Chắc hẳn rất nhiều người trong chúng ta ít nhiều có lúc băn khoăn với câu hỏi: Tại sao cuộc sống có những kẻ sống bằng việc lừa đảo, bất chính mà vẫn giàu có, yên ổn tới cuối đời; trong khi có những người cả đời an phận không làm hại ai, mà "tai bay vạ gió" hết lần này tới lần khác?
Tuy nhiên, dưới góc nhìn của Phật giáo, Nhân - Quả không thể sai khác. Không có Quả nào trổ ra mà không có Nhân trước đó, cũng không có Nhân nào gieo mà không có ngày gặt Quả. Chỉ là chưa đến lúc mà thôi!
Dưới đây, chúng ta cùng tìm hiểu khái niệm Nhân Quả trong đạo Phật qua 3 câu chuyện được ghi chép trong nhiều kinh sách, để có một góc nhìn khác về sự công bằng của thế giới, cũng như từ đó mà biết gieo Nhân đúng đắn để có Quả - một tương lai tốt đẹp hơn.
Chuyện thứ nhất: Cái chết của tôn giả Mục Kiền Liên
Thuở nọ có một chàng trai rất có hiếu, chăm sóc cha mẹ chu đáo vô cùng. Từng việc trong nhà như cơm nước, quét dọn, đến việc đồng áng đều một tay anh lo liệu. Thương con, cha mẹ cưới về một nàng dâu vừa bầu bạn, vừa đỡ dần công việc.
Nào ngờ, chỉ sau dăm ba hôm chăm sóc bố mẹ chồng, nàng dâu nhân lúc anh đi vắng hất cát lẫn cơm khắp nhà. Về nhà thấy cảnh bừa bộn, hỏi vợ thì được dịp nàng đổ oan hết tội cho bố mẹ chồng. Dần dà ngày này sang tháng khác, anh con trai từ một người con chí hiếu chuyển sang nghe lời vợ răm rắp, ghét bỏ bố mẹ.
Đến một ngày, cô vợ xúi chồng bỏ bố mẹ vào rừng cho chết đói, không phải hầu hạ phiền phức. Người con trai nghe theo lời vợ, lừa bố mẹ lên xe kéo đưa vào rừng, bỏ đói cho đến chết…
Thời Đức Phật còn tại thế, hai đại đệ tử của Người là tôn giả Xá Lợi Phất và tôn giả Mục Kiền Liên thường đi đến nhiều nơi thuyết Pháp, để làm lợi ích cho các chúng sinh ở đó.
Một người có trí tuệ và biện tài vô ngại, một người thần thông đệ nhất, dũng cảm thẳng thắn, các ngài đi tới đâu đều khiến ngoại đạo quy phục mà nương theo giáo pháp Đức Phật. Cũng vì thế mà không ít kẻ ngoại đạo bị mất đệ tử sinh lòng căm tức.
Một ngày nọ, ngài Mục Kiền Liên bị một nhóm người bịt mặt chặn đường dùng gậy đánh tới tấp.
Với thần thông đệ nhất, ngay cả ba cõi cùng phối hợp cũng không thể làm tổn hại tới một sợi tóc trên đầu Ngài, nhưng lúc đó, bị sức nặng của những hành vi bất thiện trong quá khứ bè đẹp, Ngài đã chết như một người bình thường.
Theo quan niệm đạo Phật, chàng trai giết cha mẹ năm xưa chính là một kiếp quá khứ của tôn giả Mục Kiền Liên.
* Lời bàn: Một A-La-Hán còn không thoát khỏi quả xấu trổ ra của một nhân đã gieo, câu chuyện đó đủ để thấy nhân quả không chừa một ai. Cho dù có là bậc Thánh tăng thần thông đệ nhất, thì khi Quả xấu trổ ra cũng không thể tránh được, chỉ có trạng thái đón nhận quả báo của Ngài đã hoàn toàn khác chúng ta mà thôi.
Ngay cả những bậc Thánh như chư Phật và các A-La-Hán, những người đã hoàn toàn thoát khỏi phiền não chướng, còn không thể tránh khỏi Quả phải trả do các nghiệp đã gây ra trong quá khứ.
Vậy thì có lí do nào để những kẻ giết người, cướp của, lừa đảo thoát khỏi nhân xấu đã gieo không? Điều này là không thể.
Đạo Phật cũng như nhiều tôn giáo khác và tín ngưỡng dân gian ở nhiều nơi trên thế giới cũng cho rằng tiền kiếp là có thật, trong khi các nhà khoa học thì không khẳng định hay phủ định. Bài viết này không thể kết luận thay khoa học và tôn giáo tín ngưỡng.
Nhưng có một điều ai cũng tin, được đúc kết trong câu tục ngữ của chính người Việt: "Gieo Nhân nào, gặt Quả nấy"!
Nhân Quả sẽ đi theo bất kì ai như hình với bóng, nếu chưa trả thì chỉ là chưa đến lúc mà thôi!
Chuyện thứ hai: Chuyện ông Lý, ông Tiền
Dân gian Trung Quốc có ghi lại một câu chuyện như sau, được nhiều trang web đăng tải lại.
Có một nông dân họ Lý làm thuê cho thương gia họ Tiền rất giàu có trong vùng. Do tính tình thật thà, chất phác nên anh Lý rất được lòng ông chủ.
Một bận phải đi buôn xa vài tháng, ông Tiền bỏ hết vàng bạc trong nhà vào 100 hũ rượu, để trong kho và gọi anh Lý vào dặn dò:
"Nhà tôi có việc đi xa hai, ba tháng mới về. Rượu để trong nhà sợ đám người làm lẻn uống mất, lại là rượu quý tôi đang bán rất được giá. Nhờ anh trông hộ và không cho ai lại gần kho rượu cho tôi."
Ông Tiền đi hai tháng chưa thấy về, anh họ Lý lấy làm lạ vì rượu quý mà không thấy có mùi thơm, bèn lại gần xem thử. Khi lắc các hũ rượu thay vì tiếng nước lại thấy tiếng kim loại va vào nhau. Mở ra kiểm tra quả nhiên bên trong đều là các đĩnh bạc, vàng lấp lánh.
Bị ánh sáng của tiền làm mờ mắt, anh Lý bầy mưu cùng vợ chôn tiền dưới đất nhà mình, đổ rượu vào trong để thay thế.
Sau ba tháng đi làm xa, ông chủ Tiền trở về. Việc đầu tiên ông làm là vào kho kiểm tra các hũ "rượu quý" thì bàng hoàng nhận ra tất cả vàng bạc cả đời thương phú của ông đã bị thay hoàn toàn bằng rượu.
Biết bị lừa mà không thể mang ra quan phủ kiện, bởi khi đi ông nói giao cho anh Lý kia cai quản kho rượu, giờ rượu vẫn còn nguyên. Lòng hận thù khiến ông ngã bệnh, uất lên mà chết.
Về phía anh họ Lý, không những ông Tiền không sang đòi bạc, mà còn chết sớm như vậy, lấy làm sung sướng yên chí đem tiền ra tiêu.
Bởi không được học hành gì, lại sống kham khó, bỗng chốc có được khoản tiền lớn nên tiền tiêu không chút suy tính: tậu nhà, tậu đất, cưới thêm nhiều vợ lẽ, hưởng cuộc sống giàu sang như bậc trưởng giả lâu lăm.
Vài năm sau, anh Lý có được mụn con trai khôi ngô, tuấn tú, do một trong các bà vợ lẽ sinh cho mình. Đứa con này không những đẹp đẽ mà còn thông minh, hiếu học và hiếu nghĩa với cha mẹ. Đến kì khoa bảng, cậu đỗ thủ khoa, là trạng nguyên của kì thi năm đó.
Ông Lý tìm người mua cho cậu chức quan to trong triều, cho thỏa mãn ước vọng có con trai làm quan, nở mày nở mặt với thiên hạ.
Ông cũng cưới cho cậu con gái quan Thượng thư, cho gia đình thêm phần danh gia vọng tộc. Đó là một đám cưới linh đình xa hoa, khắp kinh thành ai nấy đều biết tới. Cuộc đời ông Lý lúc này thật viên mãn vô cùng.
Tiệc đám cưới tiếp khách say mèm, ông Lý nằm ngủ gục trong phòng. Trong giấc mơ ông thấy ông Tiền của mấy chục năm về trước, cho giai nhân khuân hết 100 hũ vàng bạc đi.
Ông Lý tỉnh dậy vì đám người hầu hốt hoảng lay gọi: Cậu chủ say rượu trúng gió chết rồi.
Đứa con mà ông vô cùng yêu quý, mang lại danh dự cho gia đình gốc gác bần nông như ông, đứa con mà không phải bỏ ra không ít tiền của cho nó ăn học, mua chức quan cho nó, cưới người vợ đài các cho nó, vậy mà nó đã rời bỏ ông đi thật bất ngờ.
Ông cũng nghĩ về giấc mơ kì lạ vừa xong, nhưng quá đau buồn nên cũng quên luôn.
Sau khi lo hậu sự cho con, thanh toán các khoản tiền đám cưới hỏi, cũng là lúc ông Lý tiêu đến hũ bạc cuối cùng. Lúc này tuổi đã già, lại mấy chục năm chỉ biết tiêu mà không làm ăn, ông cũng bán dần tài sản ruộng đất đi để... ăn tiêu nốt.
Từng người thiếp cũng không chịu nổi mà bỏ đi, rồi đến khi chả còn gì để bán, cả nhà ông Lý ra đường làm ăn mày.
* Lời bàn: Khi một Nhân đã gieo, Quả chắc chắn sẽ nở. Người ta không thể dự đoán được chính xác ngày Quả trổ ra, nhưng không ai có thể chạy thoát được Nhân Quả của chính mình.
Như trong kinh Một trăm Hành vi có nói:
Ngay cả sau một trăm kiếp
Hành nghiệp của chúng sinh sẽ không bao giờ mất đi
Khi hội đủ các nhân duyên
Quả hoàn toàn chín mùi sẽ trổ
Và trong Kho tàng Của những Phẩm tính Quý báu có viết:
Khi chim đại bàng cất cánh bay cao
Thời gian trôi qua, bóng của nó như biến mất
Nhưng con chim và cái bóng vẫn còn đây
Như nghiệp của chúng ta, đủ nhân quả sẽ hiển bầy
Theo đạo Phật, khi bạn chết đi, bạn sẽ bỏ lại toàn bộ của cải, gia đình, danh dự. Thư duy nhất bạn mang theo là Nghiệp. Dù có là bậc Thánh chứng đắc nhiều thần thông, hay sống trong đời như một trưởng giả giàu sang, thì nhân quả cũng không hề sai khác.
Bởi vậy mà khi thấy những kẻ làm điều xấu ác đến đâu mà chưa thấy hắn bị trừng trị ngay, bạn hãy hiểu rằng, chỉ là Quả xấu chưa trổ, chắc chắn không thể chạy thoát Nhân Quả.
Bởi vậy, thế giới có sự công bằng riêng theo cách của nó, không theo cách mà bạn muốn.
* Nguồn tham khảo: Sách "Lời vàng của Thầy tôi" - NXB Tôn Giáo, Sách "Truyện cổ Phật Giáo" - NXB Tôn Giáo, Diễn đàn Hội quán A Di Đà