Nghiên cứu "Điều gì khiến chúng ta cảm thấy hạnh phúc?" của đại học Harvard đã chỉ ra rằng việc duy trì tình bạn lâu dài và ổn định là một trong bảy thói quen của những người sống hạnh phúc và khỏe mạnh. Tuy nhiên, tình bạn của mỗi người lại có sự khác nhau.
Nhà triết học Hy Lạp nổi tiếng Aristotle đã thu hẹp ba loại tình bạn mà tất cả chúng ta đều có. Và Arthur Brooks, giáo sư Đại học Harvard, tin rằng chúng ta cần cả ba tình bạn này để thực sự cảm thấy hạnh phúc trong cuộc sống.
1. Tình bạn lợi ích
Đây là những mối quan hệ mà bạn có với những người cùng làm việc hoặc cùng kinh doanh với bạn. Giáo sư Brooks tin rằng những mối quan hệ này mang tính chất giao dịch, có xu hướng đem lại lợi ích cho cả hai phía.
Ở mối quan hệ này, đôi bên phải đảm bảo cán cân lợi ích luôn cân bằng, chênh về một bên cũng không được. Hơn nữa, người này phải có thứ (lợi ích) mà người kia cần, nếu thiếu hụt hoặc mất đi thì tình bạn này cũng không còn.
2. Tình bạn dựa trên niềm vui
Loại mối quan hệ này dựa trên sự ngưỡng mộ lẫn nhau vì mỗi người đều tìm thấy niềm vui từ người kia. Nếu một người thấy bạn của họ hài hước, dí dỏm và duyên dáng, thì đó có thể là một tình bạn thú vị.
Ở góc độ này, mối quan hệ ban đầu có thể rất khăng khít, bền chặt, nhưng thường có xu hướng phai nhạt dần nếu sự hứng thú không còn. Trường hợp này cũng giống với kiểu khi đôi bên ở chung, tiếp xúc nhiều rồi bắt đầu nhận ra nhiều thứ không phù hợp với quan điểm của mình, rồi từ đó sinh thất vọng.
Cũng giống như lợi ích vật chất, niềm vui cũng là một lợi ích tinh thần. Khi một bên không còn sự thú vị mà bên kia cần thì mối quan hệ tự nhiên mất đi sự nhiệt tình và thấu hiểu, từ đó rời xa.
3. Tình bạn “hoàn hảo”
Theo tiêu chuẩn của Aristotle, tình bạn hoàn hảo là tình bạn giữa những người có cùng chí hướng, cùng yêu mến hoặc hướng đến một điều gì đó. Một mối quan hệ hoàn hảo không dựa trên lợi ích hay niềm vui, mà là khi nó giúp cả hai đều trở nên tốt hơn.
Nhìn chung, tuy tình bạn lợi ích không phải lúc nào cũng mang lại cảm giác thỏa mãn, và tình bạn dựa trên niềm vui không phải lúc nào cũng đem lại tiếng cười, nhưng chúng vẫn đóng một vai trò quan trọng trong cuộc sống.
Hai loại tình bạn này rất hữu ích cho sự thăng tiến của chúng ta, “nhưng chúng thường không mang lại niềm vui và sự thoải mái lâu dài”. Do đó, tình bạn “hoàn hảo” là điều vô cùng cần thiết phải có trong cuộc sống, bên cạnh hai loại tình bạn còn lại, để chúng ta có được sự thỏa mãn thực sự.
Giáo sư Brooks viết: “Bạn có thể không diễn tả được thành lời, nhưng có lẽ bạn biết những tình bạn ‘hoàn hảo’ này trông như thế nào. Những người bạn hoàn hảo thường thể hiện tình yêu chung với một thứ gì đó, cho dù thứ đó siêu việt (như tôn giáo) hay chỉ là niềm vui (như bóng chày), nhưng ít nhất, họ không phụ thuộc vào công việc, tiền bạc hay tham vọng”.