Cùng với chó, mèo là một trong hai loài thú cưng gần gũi nhất với con người. Hầu như không nơi nào có mặt con người trên thế giới là không có sự xuất hiện của chúng.
Nhưng trái ngược với chó, mèo là động vật không thích thể hiện quá nhiều tình cảm ra ngoài, ngay cả đối với chủ nhân của chúng. Tuy nhiên, nếu những con mèo gặp chuyện gì sợ hãi thì bạn sẽ biết ngay bởi những phản ứng mạnh mẽ đến từ loài thú cưng này!
Một trong số đó chính là những cảm xúc tiêu cực đối với nước, hay nói đúng hơn là phần lớn loài mèo luôn có tâm lý sợ nước từ tận bên trong tiềm thức! Tại sao lại vậy?
Câu trả lời từ ngàn năm trước
Để giải đáp được câu hỏi này, chúng ta phải ngược dòng thời gian để trở về quá khứ hàng ngàn năm trước.
Đầu tiên, các nhà khoa học cho biết, loài mèo nhà được con người thuần hóa từ thiên nhiên hoang dã cách đây 9.500 năm và có nguồn gốc từ mèo rừng Ả Rập. Chính vì xuất phát điểm ở khu vực nắng nóng, khan hiếm nước, nên những kinh nghiệm của tổ tiên chúng đối với nước rất ít.
Thậm chí, đối với chúng, đó còn là nơi nguy hiểm bởi luôn phải đối mặt với những loài động vật săn mồi nguy hiểm như cá sấu, hà mã... Vì vậy, có thể những "kinh nghiệm" này từ tổ tiên ở Ả Rập vẫn lưu giữ lại trên ADN của loài mèo nhà hiện nay!
Hình minh họa. Đối với mèo, nước dùng để uống chứ không phải để tắm!
Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu còn cho rằng, loài mèo hiện nay thực chất là những động vật "bán thuần", tức là dù thời gian trôi qua gần 1 vạn năm kể từ khi được thuần hóa, chúng vẫn giữ lại cho mình nhiều nét đặc điểm có phần bản năng giống như tổ tiên hoang dã ngày trước!
Đó cũng là lý do khiến cho nhiều người cảm thấy mèo không thân thiện, gần gũi như chó mà luôn giữ khoảng cách nào đó (dù ít hay nhiều) hay thường có dáng vẻ đề phòng mọi thứ!
Thứ hai, người ta cũng cho rằng mèo thường mất bình tĩnh hay có phản ứng gay gắt khi gặp nước là do điều đó sẽ làm ướt bộ lông ngoài, khiến trọng lượng cơ thể tăng, cảm giác nặng nề và mất an toàn cũng tăng theo.
Hình minh họa. Nhìn mặt là biết không thích nước rồi!
Bởi như đã đề cập ở trên, bản năng bên trong chúng luôn đề phòng cho những tình huống nguy hiểm. Nếu cơ thể ướt sũng, nặng nề, mọi chuyển động bị hạn chế, đương nhiên sẽ khiến chúng bất an vì lúc đó không thể đối phó 100% với các nguy cơ có thể xảy ra!
Cuối cùng, khác với loài chó, cần tắm rửa thường xuyên để giữ vệ sinh cơ thể, mèo là động vật có thể tự "làm sạch" bản thân. Trong nước bọt của chúng có chứa chất tẩy rửa tự nhiên, có công dụng đánh tan chất bẩn bên ngoài, còn lưỡi mèo có nhiều ngạnh nhỏ như hàng trăm cái lược có khả năng giữ bộ lông luôn sạch sẽ, mượt mà.
Cũng có những con mèo "cá biệt"
Một số loài thuộc họ mèo, đặc biệt là những loài mèo lớn (như hổ, báo, sư tử..) sống trong tự nhiên thì lại có thói quen khác. Tùy hoàn cảnh, chúng vẫn có thể thích nghi với nước, thậm chí còn có 1 loài mèo bơi cực giỏi, chuyên bắt cá dưới nước, chân chúng còn có màng để phục vụ đặc điểm di chuyển này.
Hình minh họa. Vẫn có những chú mèo bơi lội rất giỏi, nhưng...
Ngoài ra, cũng có không ít những con mèo "cá biệt", có thể tiếp xúc thoải mái với nước mà không phải lo lắng hay bị ám ảnh. Tuy nhiên, đa phần đều là do được những người chủ huấn luyện (có phần ép buộc) ngay từ nhỏ để có thể thích nghi với nước.
Nhưng các nhà khoa học không đánh giá cao điều đó và khuyên nên để chúng sống đúng với bản năng của mình! Lý do là bởi, nước sẽ làm khô da mèo, tệ hơn, có thể làm chúng mất đi những chất tẩy rửa tự nhiên và cả các hợp chất có mùi để giao tiếp với các con khác.
Tốt nhất, nếu nuôi 1 hoặc nhiều chú mèo, hãy cứ để nó sống đúng với bản thân và bản năng của chúng!
Tham khảo nhiều nguồn