Các nhà khoa học tại Đại học Texas, Austin (Mỹ) cho biết họ đang có bước tiến quan trọng trong việc phát triển phương pháp khôi phục giọng nói ở những người gặp khó khăn trong giao tiếp do đột quỵ hoặc bệnh thần kinh vận động mà không cần áp dụng phương pháp cấy ghép não xâm lấn.
Nhóm nghiên cứu đã đưa dữ liệu thu thập được vào một mô hình ngôn ngữ mạng thần kinh, sử dụng GPT-1 - tiền thân của công nghệ AI được sử dụng để xây dựng ChatGPT. Sau đó, mô hình sẽ dự đoán cách não bộ của con người phản ứng với lời nói, thu hẹp các tùy chọn cho đến khi tìm được phản hồi phù hợp nhất.
Các nhà khoa học phát triển hệ thống AI có thể đọc suy nghĩ của con người và dịch thành văn bản. (Ảnh minh họa: CNBC)
Cụ thể, các nhà nghiên cứu tại Đại học Texas phát triển hệ thống AI này một phần bằng cách sử dụng mô hình máy biến áp, tương tự như mô hình hỗ trợ chatbot Bard của Google và chatbot ChatGPT của OpenAI. Những người tham gia nghiên cứu đã đào tạo bộ giải mã bằng cách nghe vài giờ podcast trong máy quét fMRI (một bộ máy lớn đo hoạt động của não). Hệ thống này không yêu cầu cấy ghép phẫu thuật.
Tiến sĩ Alexander Huth, một nhà thần kinh học, người đứng đầu nghiên cứu tại Đại học Texas ở Austin, cho biết: "Đối với một phương pháp không xâm lấn, đây là một bước tiến thực sự so với những gì đã được thực hiện trước đó, thường là những từ đơn hoặc câu ngắn. "Chúng tôi đang có được mô hình để giải mã ngôn ngữ liên tục trong thời gian dài với những ý tưởng phức tạp", TS. Alexander Huth nói.
Nhà nghiên cứu chuẩn bị thu thập dữ liệu hoạt động của não bộ tại trung tâm y sinh của Đại học Texas ở Austin, Mỹ. (Ảnh: Nolan Zunk/Đại học Texas ở Austin)
Sau khi hệ thống AI được xây dựng, nó có thể tạo ra một luồng văn bản khi người tham gia đang nghe hoặc tưởng tượng đang kể một câu chuyện. Văn bản thu được không phải là một bản chép lại chính xác, mà các nhà nghiên cứu đã thiết kế nó với mục đích ghi lại những suy nghĩ hoặc ý chính.
Chẳng hạn, khi một tình nguyện viên nghĩ trong đầu câu "Tôi chưa có bằng lái xe", bộ giải mã sẽ dịch chúng thành “Cô ấy thậm chí còn chưa bắt đầu học lái xe".
Các nhà nghiên cứu đã nộp đơn xin cấp bằng sáng chế theo Hiệp ước Hợp tác về Sáng chế (PCT) cho công nghệ mới này.