Trong số đó có các bộ phận của bức tượng Pharaoh Ramses II, vị vua quyền lực và nổi tiếng nhất của Ai Cập, người đã trị vì hơn 3.000 năm trước.
Bên cạnh đó, còn có các bức tượng của Ramses IX (Pharaoh thứ 8 Vương triều thứ 20 của Ai Cập cổ đại thời kỳ Tân vương quốc, trị vì từ năm 1126 - 1108 trước Công nguyên), Horemheb (Pharaoh cuối cùng của Vương triều thứ 18, trị vì từ năm 1323 - 1295 trước Công nguyên) và Psamtik II, (vị vua của Vương triều thứ 26, trị vì từ năm 595 - 589 trước Công nguyên).
Những cổ vật trên đã được tìm thấy trong một cuộc khai quật của Hội đồng cổ vật tối cao Ai Cập và Bảo tàng Đại học Leipzig (Đức) tại một địa điểm khảo cổ gần Bảo tàng Di sản Văn hóa Heliopolis, ở vùng Matareya thuộc Ai Cập.
Mảnh dưới cùng của một bức tượng nhân sư (có đầu là tượng Pharaoh). (Ảnh: Bộ Du lịch và Cổ vật Ai Cập)
Các nhà khảo cổ học Ai Cập đã tìm thấy một số mảnh quách thạch anh có niên đại từ triều đại của Pharaoh Horemheb, khoảng 3.300 năm trước. Tượng Vua Psamtik II được làm bằng đá xám.
Họ cũng tìm thấy những mảnh vỡ của sàn đá vôi và các bộ phận của một bức tượng hoàng gia Ai Cập cổ đại khác, không rõ danh tính nhưng những đặc điểm cho thấy, nó có thể có niên đại hơn 4.000 năm.
Trong khi đó, nhóm nghiên cứu người Đức đã phát hiện ra nhiều phần của các bức tượng Pharaoh Ramses II với phần thân của một nhân sư làm bằng thạch anh, cũng như một mảnh vỡ từ triều đại của pharaoh Ramses IX. Họ cũng phát hiện ra một phiến đá granit màu hồng có khắc chữ, rất có thể là phần trên của một đài tưởng niệm từ thời Ramses II.
Một phần của ngôi đền mặt trời đang được khai quật. (Ảnh: Bộ Du lịch và Cổ vật Ai Cập)
Bộ Du lịch và Cổ vật Ai Cập xác nhận rằng, dấu vết của những bức tường và sàn gạch bùn có từ nửa sau của thiên niên kỷ thứ nhất trước Công nguyên đã được phát hiện ở phía Bắc của bảo tàng, cho thấy "sự ổn định ở khu vực này của ngôi đền trong thời kỳ Ptolemaic và La Mã".
Trong thời Hy Lạp - La Mã, ngôi đền đã bị phá hủy phần lớn và nhiều đài tưởng niệm, cổ vật trong đền đã được chuyển đến Alexandria hoặc châu Âu. Khi Cairo phát triển, đá và tượng từ địa điểm này đã bị cướp phá và sử dụng làm vật liệu xây dựng, Daily Mail đưa tin.