Thổ Nhĩ Kỳ muốn giúp GNA chiếm lại Sirte.
Ai Cập phá vỡ cuộc chơi
Khi không khí căng thẳng trên Địa Trung Hải báo hiệu một cuộc đối đầu quân sự giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Ai Cập ở Libya, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Serge Vershinin tuần trước đã tức tốc bay tới Ankara để bàn luận với người đồng cấp Sedat Önal.
Hai nhà ngoại giao đã đưa ra tuyên bố chung đồng ý xem xét việc thành lập một nhóm làm việc để thúc đẩy lệnh ngừng bắn ở Libya, theo Asia Times.
Diễn biến mới một lần nữa làm nổi bật mối quan hệ cạnh tranh-hợp tác khó tách rời giữa Moscow và Ankara. Giống như ở Syria, hai cường quốc khu vực đang trở thành đối địch ở Libya trong khi muốn thể hiện với thế giới rằng họ là người mang đến hòa bình cho quốc gia Bắc Phi.
Theo đánh giá của giới quan sát, lệnh ngừng bắn mới nhất giữa Nga-Thổ có thể phục vụ mục đích ngăn cản sự can thiệp quân sự trực tiếp của Ai Cập chống lại Chính phủ Hiệp định Quốc gia (GNA) ở Tripoli do quân đội Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn.
Tuần trước, Ai Cập đã được Quốc hội nước này bật đèn xanh cho phép đưa quân can thiệp ở Libya trong trường hợp Thổ Nhĩ Kỳ phản công chiếm lại các khu vực quan trọng do Quân đội Quốc gia Libya (LNA) nắm giữ.
Nhưng trên thực tế, cả Nga và Ai Cập đều không muốn kéo vào một cuộc chiến tranh hỗn hợp ở Libya, điều này khiến hai nước mất thời gian cũng như hao tổn chi phí.
Về mặt chính trị, Ai Cập - và được cho là cả Nga - đang ở vị thế yếu hơn khi ủng hộ LNA, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ ít nhất cũng đang ủng hộ chính phủ được Liên Hợp Quốc công nhận ở Tripoli. Điều này ngược lại so với ở Syria.
Có thể nói, sự can thiệp của Ai Cập (cũng như nếu có của Nga) là bất hợp pháp trong khi Thổ Nhĩ Kỳ có thỏa thuận an ninh chính thức với Chính phủ ở Tripoli để giúp đỡ.
Tuần trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đối thoại với các tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ và Ai Cập, đề xuất ngừng bắn. Một sự bùng nổ ở Libya sẽ không phù hợp với chính quyền Trump vào thời điểm này khi ông đang căng thẳng chống đỡ với đại dịch Covid-19 và chuẩn bị cho mùa tranh cử khó khăn. Vì vậy sự can thiệp của Mỹ đơn giản là khó có thể xảy ra.
Nga phối hợp chặt chẽ với Ai Cập nhưng ý thức được rằng mặc dù Ai Cập sở hữu đội quân thường trực mạnh nhất trong khu vực nhưng Thổ Nhĩ Kỳ cũng là một cường quốc NATO, một cuộc xung đột giữa hai quốc gia sẽ ảnh hưởng đến lợi ích cốt lõi của Moscow ở những nơi khác.
Bên cạnh đó, giới quan sát cũng tin rằng, Ai Cập có những vấn đề an ninh nội bộ của riêng mình và dư luận có thể không chấp nhận các cuộc mạo hiểm quân sự ở nước ngoài.
Không ai chịu rời Libya
Ngày càng có nhiều thế lực muốn chia phần ảnh hưởng ở Libya.
Lực lượng GNA được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn ở Tripoli tuyên bố sẽ chiếm lại căn cứ không quân al-Jufra và thành phố cảng Sirte quan trọng, nơi là cửa ngõ vào các cảng dầu chính của Libya.
Mặt khác, phía Mỹ cáo buộc Nga đã bắt đầu gửi máy bay chiến đấu và lính đánh thuê bổ sung để tăng cường tuyến phòng thủ ở Sirte và Jufra. Nga hiện vẫn bác bỏ những tuyên bố này.
Tương tự, có báo cáo rằng với sự hậu thuẫn của Nga, Tổng thống Syria Bashar al-Assad cũng đã gửi khoảng 2.000 binh sĩ và lính đánh thuê, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ đã phái hơn 16.000 chiến binh nổi dậy Syria tới chiến tuyến Libya.
Có nhiều mâu thuẫn đối với tình hình xung quanh Libya. Nói với hãng tin Reuters vài giờ sau khi tuyên bố chung được ban hành tại Ankara, cố vấn an ninh tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Ibrahim Kalin cho rằng, để lệnh ngừng bắn được bền vững, Jufra và Sirte nên được giải phóng khỏi lực lượng của tướng Khalifa.
Ông Kalin cũng thách thức Ai Cập khi khẳng định bất kỳ hoạt động triển khai nào của nước này ở Libya cũng sẽ gây ra những rủi ro. "Tôi tin rằng đó sẽ là một cuộc phiêu lưu quân sự nguy hiểm cho Ai Cập", quan chức Thổ Nhĩ Kỳ nhận xét.
Thổ Nhĩ Kỳ dường như ý thức được rằng họ cần phải có sự ủng hộ ngầm của Mỹ, vì điều này sẽ tăng cường sức nặng cho sự can thiệp ở Libya nhằm đẩy lùi ảnh hưởng của Nga trong một khu vực chiến lược được coi là sân sau của NATO.
Lầu Năm Góc suy đoán Nga đang tìm cách sử dụng các cảng hàng không và cảng biển địa phương để thiết lập chỗ đứng ở Sirte và mở rộng ảnh hưởng ở Địa Trung Hải, tiếp cận các nguồn tài nguyên của Libya.
Nói chung, một loạt các thế lực - lớn, trung bình, nhỏ và rất nhỏ - đã đặt ngón tay lên bàn cân Libya để đạt được một số lợi thế. Các đội quân của Thổ Nhĩ Kỳ, vũ khí của Qatar và Ai Cập, tiền Ả Rập và Nga , Syria, Tunisia, Chad, Sudan - và thậm chí cả Somalia – đã quyết tâm thổi bùng lên hình ảnh máu lửa ở quốc gia giàu dầu mỏ.
Không ai trong số họ sẽ dễ dàng bị thuyết phục để rời khỏi Libya, tờ Asia Times nhận định.