Hồ Dầu tiếng nằm trên địa phận 3 tỉnh Tây Ninh, Bình Dương và Bình Phước, được hình thành do việc chặn dòng sông Sài Gòn. Hồ Dầu Tiếng là hồ thuỷ lợi lớn nhất Việt Nam với diện tích mặt nước 270 km2, gấp 50 lần diện tích hồ Tây, 2.250 lần hồ Gươm (Hà Nội) và 123.000 lần hồ Con Rùa (thành phố Hồ Chí Minh)
Hồ có dung tích nước là 1,58 tỷ m3, tương đương mực nước trung bình 24,4 m. Nếu tính theo tiêu chuẩn nước sinh hoạt của người dân đô thị Việt Nam là 100 lít nước một ngày thì lượng nước trong hồ đủ cho toàn bộ dân số thế giới dùng trong 2 ngày hoặc cho toàn bộ người dân Việt Nam dùng trong hơn 5 tháng.
Hiện hồ thuỷ lợi lớn nhất Việt Nam đang cấp nước tưới trực tiếp cho 1.170 km2 đất nông nghiệp ở Tây Ninh, thành phố Hồ Chí Minh, Long An; tưới tạo nguồn cho gần 940 km2 đất ven sông Sài Gòn, sông Vàm Cỏ Đông.
Nhờ nguồn nước hồ Dầu Tiếng, hàng trăm km2 đất cằn cỗi, hoang hoá ở Tây Ninh, thành phố Hồ Chí Minh đã có thể trồng lúa 3 vụ, trồng hoa màu với năng suất tăng lên 2-3 lần. Không những thế, nước từ hồ thuỷ lợi lớn nhất Việt Nam còn cung cấp cho các khu công nghiệp, nước sinh hoạt cho các tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước, Long An và thành phố Hồ Chí Minh.
Hồ Dầu Tiếng được khởi công xây dựng năm 1981 và hoàn thành năm 1985. Tổng mức đầu từ là 110 triệu USD từ vốn vay của ngân hàng Thế giới. Đây là lần đầu tiên sau năm 1975, Việt Nam vay được tiền từ World Bank. Và hồ thuỷ lợi lớn nhất Việt Nam là công trình đầu tiên được làm bằng đồng đô la Mỹ.
Để đưa nước từ hồ Dầu Tiếng đến cánh đồng, 3 con kênh lớn là kênh Đông, kênh Tây và kênh Tân Hưng dài hàng trăm km đã được xây dựng. Mới đây nhất,dự án Tưới tiêu khu vực phía Tây sông Vàm Cỏ Đông trị giá 1.200 tỷ đồng đang được triển khai tại tỉnh Tây Ninh. Trong đó, nổi bật nhất là đường ống thép dài 2,3 km; đường kính 2,4 m đưa nước vượt sông Vàm Cỏ Đông tưới mát cho 2 huyện Châu Thành, Bến Cầu.
Bên cạnh giá trị thuỷ lợi, 270 km2 mặt nước hồ Dầu Tiếng còn mang lại gần 3.000 tấn tôm cá mỗi năm, gấp 4 lần sản lượng đánh bắt được ở ven sông Vàm Cỏ Đông và khu nội đồng. Ngoài ra, hàng năm ngành thuỷ sản cũng thả khoảng 800.000 đến một triệu con giống xuống hồ.
Nhờ phong cảnh đẹp, hồ Dầu Tiếng còn thu hút khách du lịch đến cắm trại, ngắm cảnh, tắm mát.
Vào dịp 30/4 và ⅕ năm 2022, sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Tây Ninh còn tổ chức thành lập liên đoàn dù lượn, dù bay thể thao và biểu diễn dù lượn tại khu vực hồ Dầu Tiếng.
Tại vùng bán ngập của hồ thuỷ lợi lớn nhất Việt Nam, nhà máy điện mặt trời Dầu Tiếng 1 và Dầu Tiếng 2 đã được xây dựng. Dự án có tổng mức đầu tư 9.100 tỷ đồng, công suất 420 MW, cung cấp khoảng 688 triệu số điện mỗi năm. Đây là nhà máy điện mặt trời lớn nhất ở Việt Nam tại thời điểm khánh thành, tháng 9/2019.
Vị trí của hồ Dầu Tiếng. Ảnh Google Earth.