Afghanistan trong vòng xoáy khủng bố

Vũ Cao |

Mặc dù Chính phủ Mỹ đã chuẩn bị rút hết lực lượng quân sự ra khỏi Afghanistan, đất nước này vẫn là trung tâm về vấn đề chống khủng bố trong bối cảnh các nhà hoạch định chính sách còn nhiều quan điểm khác nhau về cách Al-Qaeda, Taliban và Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) có thể thách thức nền an ninh nước Mỹ cũng như mối đe dọa mà chúng gây ra đối với các đồng minh của Mỹ trong khu vực...

1. Về phía những chính trị gia ủng hộ việc rút hết quân đội Mỹ khỏi Afghanistan thì mối đe dọa khủng bố đã bị phóng đại quá mức, trong khi những người phản đối nói rằng nó vẫn còn đáng kể và có khả năng tăng lên sau khi lực lượng Mỹ không còn hiện diện ở khu vực này.

Nền hòa bình ở Afghanistan hiện vẫn nằm trong vòng xoáy của 3 tổ chức khủng bố Al-Qaeda, Taliban và IS. Với Al-Qaeda, chưa có dấu hiệu nào cho thấy họ sẽ bị đánh bại hoàn toàn. Hơn nữa, Chính phủ Mỹ tin rằng thủ lĩnh của Al-Qaeda là Ayman al-Zawahiri cùng nhiều nhân vật lãnh đạo cao cấp khác vẫn đang ở Afghanistan. 

Sau khi bị mất nhiều vùng lãnh thổ, Al-Qaeda dường như đã cải thiện sức chiến đấu với lực lượng chiến binh thánh chiến đang tăng lên đều đặn, đồng thời vẫn duy trì sự liên minh với các nhóm vũ trang quan trọng khác, chẳng hạn như Taliban và nhóm nổi dậy Tehreek-e-Taliban Pakistan (TTP).

Cho đến cuối năm 2020, Al-Qaeda ở Afghanistan vẫn là chủ đề tranh luận trong chính quyền Mỹ. Các nhà lãnh đạo cao cấp - chẳng hạn như Ngoại trưởng Pompeo cho rằng Al-Qaeda chỉ còn là “cái bóng của chính nó trước đây”. 

Nhiều người khác thì tin là Al-Qaeda đã bước vào giai đoạn suy tàn, thậm chí một chuyên gia hàng đầu về Al-Qaeda thuộc Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ CIA là Daniel Byman còn khẳng định tổ chức này khó có thể “tiếp tục vai trò là người đứng đầu cuộc thánh chiến”. 

Một số thành viên trong Chính phủ Afghanistan cũng đồng quan điểm rằng sự hiện diện của Al-Qaeda ở Afghanistan đã được thổi lên quá mức.

Tuy nhiên, nếu xem xét kỹ các hoạt động của Al-Qaeda ở Afghanistan, có thể thấy rõ một xu hướng khác. Mặc dù tổ chức này không còn ở thời kỳ đỉnh cao như những năm trước vụ khủng bố 11-9 nhưng họ đã rất nỗ lực để xây dựng lại. 

Các nhà lãnh đạo Al-Qaeda hiện đang hoạt động tại Afghanistan vẫn có ý định hối thúc Taliban buộc Mỹ phải rút quân như một điều kiện tiên quyết trong các cuộc thương thuyết hòa bình vì đây là chứng cứ rõ ràng nhất của việc “kẻ thù đã thừa nhận thất bại”. 

Bên cạnh đó, Al-Qaeda tiếp tục xem Afghanistan là một căn cứ quan trọng về mặt chiến lược, bất chấp mối đe dọa đáng kể từ các hoạt động chống khủng bố của Mỹ. 

Theo tướng Kenneth F. McKenzie, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy trung ương Mỹ (CENTCOM), trong khi phần lớn lãnh đạo cao cấp của Al-Qaeda ở bên ngoài Afghanistan, có thể là Iran hoặc tỉnh Idlib của Syria thì một số thủ lĩnh khác - trong đó có al-Zawahiri vẫn ở Afghanistan. Ngay cả người lãnh đạo tương lai trước đây của Al-Qaeda là Hamza bin Laden, con trai Osama bin Laden cũng đã ở lại Afghanistan trước khi bị giết tại khu vực biên giới Afghanistan-Pakistan.

Afghanistan trong vòng xoáy khủng bố - Ảnh 2.

Các tay súng Al-Qaeda ở Afghanistan.

2. Với Taliban, nhiều chỉ dấu cho thấy phần lớn lãnh đạo Taliban ở Afghanistan dường như không có ý định tham gia mạng lưới khủng bố xuyên quốc gia nhưng lại ủng hộ mục tiêu thánh chiến toàn cầu do Al-Qaeda chủ xướng. 

Trong tương lai, Taliban khó có thể lấn lướt Al-Qaeda về phương diện thế lực bởi lẽ tổ chức này có rất ít những tay súng nước ngoài. Biện pháp khả dĩ của Taliban chỉ là tìm cách điều chỉnh những hoạt động của Al-Qaeda trên cơ sở liên minh nhằm phân chia vùng kiểm soát. 

Và mặc dù phải miễn cưỡng chấp nhận thua thiệt nhưng một số lãnh đạo Taliban như phó thủ lĩnh Siraj Haqqani và chỉ huy quân sự cấp cao Ibrahim Sadr vẫn có thiện cảm với Al-Qaeda trong lúc nhiều thủ lĩnh khác lại cảnh giác với mối quan hệ này. Họ công khai né tránh Al-Qaeda đồng thời lên tiếng chỉ trích nó.

Nhằm cân bằng quyền lực, sắp tới Taliban có thể sẽ thiết lập các cơ chế chính thức để quản lý các nhóm chiến binh nước ngoài, bao gồm cả những tay súng đang chiến đấu cho Al-Qaeda và các tổ chức đồng minh của họ vì xét cho cùng, những thành phần này đều đang đứng chân trên đất Afghanistan. 

Theo các nguồn tin tình báo, Taliban sẽ đưa ra những hướng dẫn nhưng không ràng buộc để điều chỉnh hoạt động của Al-Qaeda. Những điều chỉnh có thể bao gồm các chiến lược trong việc chống Mỹ và các đồng minh của Mỹ nhằm giảm bớt sự tập trung của Mỹ vào Taliban, đồng thời ngăn chặn những thủ lĩnh vốn đang cảnh giác mối quan hệ với Al-Qaeda sẽ trở cờ bằng cách trở thành đối tác của Mỹ trong vấn đề chống khủng bố, hoặc “đánh thuê” cho Mỹ, chống lại Al-Qaeda.

Sở dĩ có thể có điều này là vì trong thỏa thuận với chính phủ Mỹ hồi tháng 2-2020, Taliban đã cam kết ly khai khỏi Al-Qaeda, đồng thời cấm Al-Qaeda sử dụng lãnh thổ Afghanistan để hoạt động khủng bố chống lại các nước khác. 

Tuy nhiên các quan chức cấp cao của Mỹ vẫn tiếp tục hoài nghi, chẳng hạn như tướng Kenneth F. McKenzie, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy trung ương Mỹ (CENTCOM) gần đây đã tuyên bố: “Chúng tôi tin rằng Taliban thực sự không chống lại IS. Tôi không rõ họ sẽ có hành động tương tự với Al-Qaeda hay không”.

Hiện tại, nhiều bằng chứng cho thấy mối quan hệ giữa Taliban và Al-Qaeda không có rạn nứt đáng kể. Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc gần đây đưa tin rằng al-Zawahiri, lãnh đạo Al-Qaeda đã đích thân đàm phán với lãnh đạo cấp cao của Taliban để nhận được sự đảm bảo về việc tiếp tục hỗ trợ, và dường như những cuộc đàm phán này đã thành công. 

Nó thể hiện ở chỗ các đại diện của Taliban lúc tiếp xúc với báo chí luôn né tránh khi được yêu cầu làm rõ quan điểm của họ đối với Al-Qaeda. Thậm chí trong một số trường hợp, các đại diện này còn nhấn mạnh không có chiến binh nước ngoài nào ở Afghanistan

Afghanistan trong vòng xoáy khủng bố - Ảnh 3.

Taliban ngày càng có nhiều vũ khí hiện đại.

3. Với IS, thực tế cho thấy Nhà nước Hồi giáo tự xưng ở Afghanistan đang trong giai đoạn suy tàn. Tổ chức này đã phải hứng chịu những tổn thất quân sự liên tiếp trong những tháng gần đây tại các tỉnh Kunar và Nangarhar. Nhiều lãnh đạo cao cấp của nó đã là mục tiêu của những chiến dịch không kích do người Mỹ thực hiện. 

Bên cạnh đó, sự chia rẽ trong hàng ngũ đã khiến không ít chiến binh thánh chiến gốc Afghanistan đào ngũ, gia nhập Taliban nhưng về phương diện quốc tế, ít có dấu hiệu cho thấy IS ở Afghanistan có ý định hoặc khả năng tiến hành các cuộc tấn công xuyên quốc gia, đặc biệt là tại Mỹ.

Tháng 4 năm 2020, lãnh đạo cao nhất của IS ở Afghanistan là Aslam Farooqi đã bị cơ quan an ninh Afghanistan bắt giữ. Những mục tiêu tiếp theo gồm giám đốc Cơ quan tình báo IS Asadullah Orakzai và thẩm phán Tòa án tối cao IS Abdullah Kasim. 

Những thất bại nặng nề này dường như trực tiếp mang lại lợi ích cho Taliban. Tại các tỉnh Kunar và Nangarhar, trước đây do ảnh hưởng đáng kể của IS, Taliban chỉ là lực lượng thứ yếu thì bây giờ họ đã có được chỗ đứng vững chắc.

Thế nhưng sự hiện diện còn sót lại của các nhóm IS tại các thành phố lớn ở Afghanistan vẫn tiếp tục là mối đe dọa cho nền an ninh của quốc gia này. Một số chiến binh thánh chiến còn tổ chức những cuộc tấn công khủng bố dưới hình thức “con sói đơn độc”. Hồi tháng 8, những “con sói” này đã tấn công vào nhà tù trung tâm của tỉnh Nangarhar. 

Theo các chuyên gia phân tích chính trị, khả năng về sự trỗi dậy tiềm tàng của IS là điều có thể xảy ra, là kết quả của các yếu tố hữu cơ, chẳng hạn như lịch sử và sự hấp dẫn của chủ nghĩa thánh chiến, nhất là trong giai đoạn mới hình thành, IS đã giành quyền kiểm soát các vùng lãnh thổ rộng lớn cả ở Iraq lẫn Syria, thành lập các thể chế giống như nhà nước theo mô hình caliphate tại Iraq và Syria, thu hút khá đông các chiến binh nước ngoài, chủ yếu đến từ Nam và Trung Á, thường xuyên tiến hành các cuộc tấn công nhằm vào các mục tiêu quân sự và dân sự ở các đô thị lớn. 

Tất cả những điều đó đã là vòng hào quang lấp lánh. Bên cạnh đó, các hoạt động đàn áp, hối lộ, tham nhũng của một số quan chức Afghanistan đã khiến một số thanh niên, đặc biệt là những người có thiện cảm với các giới luật tư tưởng Hồi giáo dễ dàng hướng theo IS, chưa kể những người cầm đầu IS đã định vị mình để sẵn sàng tiếp nhận các phe phái của Taliban, chia rẽ trong trường hợp thỏa thuận hòa bình có hiệu lực, đồng thời huy động các chiến binh và nguồn lực từ các căn cứ IS ở Iraq và Syria như thủ lĩnh mới của IS ở Afghanistan là Abu Muhajir đang thực hiện.

Afghanistan trong vòng xoáy khủng bố - Ảnh 4.

Một lớp huấn luyện chiến binh thánh chiến IS.

4. Tháng 2-2020, chính phủ Mỹ đã ký một thỏa thuận hòa bình với Taliban để rút lực lượng Mỹ ra khỏi Afghanistan. Hiệp ước mang tính bước ngoặt này nhằm chấm dứt cuộc chiến dài nhất của người Mỹ, chống lại sự nổi dậy của Taliban với sự khẳng định lãnh thổ Afghanistan sẽ không được Taliban sử dụng để tổ chức mạng lưới khủng bố quốc tế. 

Trong phần lớn quá trình đàm phán, các nhà thương thuyết Mỹ đã thúc đẩy Taliban cam kết rằng họ sẽ không áp dụng các chính sách giống như trước vụ tấn công khủng bố ngày 11-9 ở Mỹ bởi lẽ khi đó, Taliban ở Afghanistan đã cung cấp nơi ẩn náu cho Al-Qaeda với cái giá 20 triệu USD mỗi năm. 

Từ cái giá này, Al-Qaeda sử dụng thánh địa Afghanistan để thiết lập các trại huấn luyện đội quân thánh chiến người nước ngoài, tiến hành các hoạt động khủng bố quốc tế.

Thế nhưng thỏa thuận hòa bình này có thể sẽ không bền vững lâu dài. Atiyyat Allah al-Libi, nhà tư tưởng của Al-Qaeda đã thông báo cho một số phần tử nòng cốt về lập trường công khai của Taliban: 

“Tất nhiên, chính sách của Taliban là tránh bị người ngoài nhìn thấy hoặc tiết lộ bất kỳ hợp tác, thỏa thuận nào giữa họ và chúng tôi. Điều đó nhằm mục đích ngăn chặn áp lực quốc tế...”. 

Phát biểu của Atiyyat Allah al-Libi được chứng minh qua việc quân đội Mỹ thường xuyên tìm thấy bằng chứng về sự liên kết giữa Al-Qaeda và Taliban, bao gồm cả việc giữ an ninh cho các trại của Al-Qaeda trong những vùng do Taliban kiểm soát.

Trong một đánh giá gần đây, Cơ quan Tình báo quốc phòng Mỹ nhận định Al-Qaeda khó có thể gây ra mối đe dọa khủng bố quốc tế quy mô đối với phương Tây, ngay cả khi không có áp lực của Mỹ trong tương lai gần. 

Tuy nhiên mối quan hệ chồng chéo giữa Al-Qaeda, IS và Taliban ở Afghanistan vẫn tiềm tàng nhiều nguy hiểm bởi lẽ Al-Qaeda vẫn có thể sử dụng Afghanistan cho kế hoạch bành trướng thế lực của mình, hoặc là độc lập hoặc song song với các nhóm thánh chiến Pakistan như Jaish-e-Mohammad và Lashkar-e-Taiban, nhất là sau khi liên minh với Phong trào Hồi giáo Uzbekistan (IMU) tan vỡ, Al-Qaeda vẫn duy trì liên lạc với Phong trào Hồi giáo đông Turkistan (ETIM), cũng như tích cực cải thiện quan hệ với một số nhóm Trung Á khác như Khatiba Imam al-Bukhari, Katibat al Tawhid wal Jihad…

Với IS, theo ước lượng thì hiện nay họ chỉ còn khoảng 2.200 tay súng nhưng đang có khuynh hướng tăng lên. Nếu Taliban không tuân thủ hiếp ước hòa bình thì vòng xoáy bất ổn không chỉ xảy ra riêng với Afghanistan, mà còn là nhiều nơi trên thế giới…

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại