Adidas và Puma ra đời từ… hận thù gia tộc

Lê Du |

Adidas và Puma là hai thương hiệu không xa lạ gì trong thế giới trang phục thể thao hiện nay.

Tuy nhiên, ít người biết chúng ra đời từ hai anh em ruột với một mối bất hòa không thể hóa giải.

Hợp tác kinh doanh

Nằm cạnh dòng sông Aurach ở bang Bavaria của Đức là thị trấn nhỏ Herzogenaurach. Chính tại đây vào cuối những năm 1940, anh em nhà Dassler - Adolf và Rudolf đã quyết định đi theo con đường riêng sau một mối bất hòa không thể hàn gắn trong gia đình. Mỗi người bắt đầu kinh doanh riêng, cạnh tranh quyết liệt và đều thành công trong thế giới trang phục thể thao.

Rudolf Dassler, anh cả trong gia đình Dassler, sinh năm 1898, còn Adolf, người được bạn bè gọi thân mật là “Adi”, sinh năm 1900. Cha của họ làm việc trong một nhà máy giày và có thể nghề nghiệp của ông là nguồn cảm hứng cho hai anh em tạo bước đột phá trong lĩnh vực kinh doanh sau này.

Trong khi Rudolf khao khát được đứng trong hàng ngũ cảnh sát thì Adi được cha hướng vào lĩnh vực làm bánh. Thế nhưng, người con thứ này có ước mơ trở thành một vận động viên. Khi chơi nhiều môn thể thao, Adi nhận ra các vận động viên đều thiếu giày chuyên dụng.

Nếu được mang giày phù hợp, chắc chắn thành tích của họ sẽ được cải thiện. Tuy nhiên, trước khi có thể theo đuổi ý tưởng của mình, anh phải nhập ngũ và tham gia Thế chiến thứ nhất.

Chiến tranh kết thúc, Adi thành lập một cơ sở nhỏ kinh doanh giày trong phòng giặt của mẹ. Với sự giúp đỡ của người thợ giàu kinh nghiệm, Karl Zech, anh bắt đầu phát triển giày dép thể thao.

Sau chiến tranh, nước Đức lâm vào tình trạng suy thoái kinh tế nên Adi gặp khó khăn trong việc mua nguyên liệu thô để sản xuất. Anh phải đi nhặt nhạnh những mảnh vụn quân trang, quân dụng ở vùng nông thôn bị chiến tranh tàn phá để làm da giày.

Hai năm sau, Rudolf tham gia cùng em mình trong nỗ lực đóng giày và cả hai thành lập một công ty tên là Gebrüder Dassler Schuhfabrik. Adi với óc sáng tạo, chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật, còn Rudolf phụ trách bán hàng và tiếp thị. Đến năm 1925, anh em Dassler đã sản xuất những đôi giày thể thao có đinh tán. Với hàng chục công nhân, họ sản xuất 50 đôi giày mỗi ngày.

Việc kinh doanh giày của anh em nhà Dassler có bước đột phá đầu tiên tại Thế vận hội 1928 ở Amsterdam. Vận động viên người Đức, Lina Radke giành Huy chương Vàng cự ly 800 mét khi mang một đôi giày đinh của Dassler. Cô cũng tạo ra một kỷ lục thế giới mới, chứng minh vận động viên có thể đạt được thành tích cao hơn, nhanh hơn và xa hơn với những đôi giày do công ty Dassler thiết kế.

Giày Dassler được yêu thích trong Thế vận hội Olympic năm 1932 ở Los Angeles, và ở Thế vận hội Berlin năm 1936, ngôi sao điền kinh người Mỹ Jesse Owens đã giành được 4 Huy chương Vàng khi mang giày Dassler.

Chẳng mấy chốc, Công ty Gebrüder Dassler Schuhfabrik vươn tầm quốc tế trong lĩnh vực trang phục thể thao, doanh số bán hàng không ngừng tăng lên.

Khi Thế chiến thứ hai bùng nổ, Rudolf phải nhập ngũ, còn Adi ở lại để duy trì hoạt động của công ty. Mặc dù thiếu nguyên liệu thô, đặc biệt là da, do chiến tranh, Gebrüder Dassler Schuhfabrik vẫn tiếp tục sản xuất giày. Năm 1943, họ là công ty duy nhất ở Đức còn sản xuất giày thể thao. Tuy nhiên, hai năm cuối của cuộc chiến, nhà máy bị đóng cửa và buộc phải sản xuất vũ khí.

Adidas và Puma ra đời từ… hận thù gia tộc - Ảnh 1.

Giày thể thao đầu tiên do Công ty Gebrüder Dassler Schuhfabrik sản xuất.

Bất hòa, chia rẽ

Theo một câu chuyện, trong vụ đánh bom của quân Đồng minh vào năm 1943, Adi và vợ chui vào một hầm tránh bom mà vợ và con Rudolf đã ở đó. Adi được cho là đã nói: “Những tên khốn bẩn thỉu đã quay trở lại”, ám chỉ các máy bay chiến đấu của quân Đồng minh, nhưng gia đình Rudolf cho rằng anh ta nhục mạ mình.

Sau khi chiến tranh kết thúc, mối bất hòa giữa hai gia đình càng trầm trọng, trong tình cảnh sống cùng nhau dưới một mái nhà. Việc giải thể Công ty Gebrüder Dassler Schuhfabrik là điều không tránh khỏi. Adi giữ lại bộ phận sản xuất và thành lập Adidas. Còn Rudolf chuyển hoạt động sang bên kia sông, thành lập một công ty tên là Ruda, sau này trở thành Puma.

Cùng với gia đình Dassler, thị trấn cũng chia thành hai phe. Nhân viên thì một số làm việc cho Adidas, một số gia nhập Puma. Mỗi bên đều tuyên bố “chủ quyền” bên bờ sông của mình. Nếu là người hâm mộ Adidas thì không nên băng qua phía Puma với đôi giày mang nhãn hiệu này và ngược lại.

Cả hai đều có tiệm bánh ưa thích riêng, có cửa hàng thịt riêng, cũng như không bao giờ ghé đến cùng một quán bar. Giám đốc điều hành Adidas, Herber Hainer nói rằng khi bắt đầu làm việc cho công ty này gần 40 năm trước, ông thậm chí còn bị cấm nhắc đến cái tên Puma, mà khi cần chỉ nói “đối thủ cạnh tranh ở phía bên kia Aurach”.

Cũng có những người đã lợi dụng mối bất hòa này để thủ lợi, chẳng hạn đến nhà Rudolf để xin việc, họ cố tình mang giày Adidas. Khi Rudolf nhìn thấy, anh ta sẽ bảo họ xuống tầng hầm và chọn một đôi giày Puma miễn phí.

Hai anh em mang mối thù hận xuống mồ vào những năm 1970. Ngay cả khi chết, họ cũng không chịu nằm cạnh nhau. Cả hai đều được chôn cất trong cùng một nghĩa trang nhưng mộ của họ ở cách xa nhau.

Năm 1987, con trai của Adolf Dassler là Horst Dassler đã bán Adidas cho nhà công nghiệp người Pháp, Bernard Tapie, trong khi con trai của Rudolf là Armin và Gerd Dassler bán 72% cổ phần của họ tại Puma cho doanh nghiệp Thụy Sĩ, Cosa Liebermann SA. Kể từ khi các công ty ra mắt công chúng, chúng không còn thuộc quyền sở hữu của gia đình Dassler nữa. Giờ đây hầu hết công nhân đến từ khắp nơi, chứ không chủ yếu từ thị trấn và xích mích giữa họ đã giảm bớt, sự cạnh tranh cũng ít gay gắt hơn.

Theo Amusingplanet


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại