Sau quá trình phục hồi sau đại dịch chủ yếu nhờ nhu cầu nội địa, xuất khẩu đang tăng mạnh trở lại và giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Nhu cầu mạnh mẽ trên toàn cầu đối với các sản phẩm điện tử, đặc biệt là chất bán dẫn dùng cho các ứng dụng công nghệ cao và trí tuệ nhân tạo đang giúp đẩy mạnh xuất khẩu từ một số nền kinh tế châu Á.
Nhờ nhu cầu trong nước ổn định và xuất khẩu tăng trưởng mạnh mẽ, đặc biệt là trong lĩnh vực điện tử, xuất khẩu tăng mạnh, kinh tế của các nước đang đang phát triển tại khu vực châu Á đã ghi nhận tăng trưởng trong quý đầu tiên của năm 2024. Trong bối cảnh xuất khẩu tăng, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế cho khu vực này trong năm 2024 lên mức 5 so với mức dự báo trước đó là 4,9%. Triển vọng tăng trưởng cho năm sau được giữ nguyên ở mức 4,9%.
Trong khi đó, lạm phát được dự báo giảm dần xuống còn 2,9% trong năm nay, trong bối cảnh giá lương thực toàn cầu giảm và tác động dai dẳng của việc tăng lãi suất.
Chuyên gia Kinh tế trưởng của ADB, ông Alberk Park, chia sẻ: "Hầu hết châu Á và Thái Bình Dương đang chứng kiến tăng trưởng kinh tế nhanh hơn so với nửa cuối năm ngoái. Các yếu tố cơ bản của khu vực vẫn vững vàng, nhưng các nhà hoạch định chính sách cần lưu ý tới một số rủi ro có thể tác động tới triển vọng tăng trưởng, từ sự không chắc chắn liên quan tới kết quả bầu cử tại các nền kinh tế chủ chốt tới những quyết định về lãi suất và những căng thẳng địa chính trị".
Trong khi lạm phát đang giảm dần về mức trước đại dịch trong khu vực nói chung, áp lực giá cả vẫn cao tại một số nền kinh tế. Theo đó, lạm phát giá lương thực vẫn cao tại Nam Á, Đông Nam Á và Thái Bình Dương, một phần là do khí hậu bất lợi và những hạn chế xuất khẩu lương thực ở một số nền kinh tế.
Đối với Đông Nam Á, dự báo tăng trưởng được duy trì ở mức 4,6% trong năm 2024 nhờ sự cải thiện vững vàng về nhu cầu nội địa và bên ngoài. Trong đó, tiêu dùng tiếp tục là yếu tố thúc đẩy các nền kinh tế Đông Nam Á, mặc dù bị hạn chế đôi chút bởi môi trường tiền tệ thắt chặt. Chi tiêu cao hơn cho các dự án cơ sở hạ tầng ở các nền kinh tế lớn trong tiểu vùng tiếp tục thúc đẩy nhu cầu đầu tư và tăng trưởng. Sự phục hồi xuất khẩu dự kiến cũng đang thúc đẩy tăng trưởng với các chỉ số quản lý mua hàng sản xuất vẫn tích cực đối với các nền kinh tế xuất khẩu lớn, báo hiệu sản lượng đang gia tăng. Ngoại trừ Lào, dự báo tăng trưởng không thay đổi đối với tất cả các nền kinh tế trong năm 2024 và 2025.
Với kết quả tăng trưởng tích cực trong nửa đầu năm 2024, các chuyên gia ADB đã giữ nguyên dự báo triển vọng tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2024 và 2025, lần lượt ở mức 6% và 6,2%. Tuy nhiên, báo cáo lưu ý, khu vực chế biến chế tạo liên quan đến thương mại – một trong những động lực phục hồi chủ yếu – dự kiến sẽ chậm lại trong thời gian tới, trong khi nhu cầu trong nước vẫn còn yếu. Lạm phát được dự báo sẽ ổn định ở mức 4% trong hai năm 2024 và 2025.
Với kết quả này, tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2024 sẽ dẫn đầu khu vực Đông Nam Á, cùng với Philippines. Theo sau là Indonesia với mức tăng trưởng dự báo sẽ đạt 5% trong năm 2024. Tiếp theo là Malaysia, Thái Lan và Singapore, với mức tăng trưởng được dự báo lần lượt là 4,5%, 2,6% và 2,4% trong năm 2024.