Mặc dù hồ Dầu Tiếng - hồ thuỷ lợi lớn nhất Việt Nam với lượng nước lên tới 1,58 tỷ m3 đã hoàn thành từ năm 1985 nhưng cách đó 50 km, 2 huyện biên giới Châu Thành và Bến Cầu vẫn thiếu nguồn nước tưới do thiếu hệ thống kênh dẫn. Các trạm bơm nước từ sông Vàm Cỏ có chi phí cao, thiếu ổn định và không thể vươn tới các xã vùng biên.
Tháng 4/2018, dự án Tưới tiêu khu vực phía Tây sông Vàm Cỏ Đông để dẫn nước từ hồ Dầu Tiếng cho 170 km2 đất sản xuất nông nghiệp ở 2 huyện này được khởi công. Dự án có tổng mức đầu tư 1.200 tỷ đồng và hiện đã hoàn thành giai đoạn một.
Dự án bao gồm mở rộng kênh chuyển nước dài gần 17 km (kênh TN21 cũ), kênh tưới chính 29 km. Trên các kênh còn có các công trình như cầu máng, cống qua đường, cống qua kênh, cống điều tiết, cống lấy nước, tràn cuối kênh...
“Trái tim" của dự án là 2,3 km ống thép đưa nước vượt qua sông Vàm Cỏ Đông. Anh Phan Hữu Đức, chuyên viên ban quản lý đầu tư xây dựng ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn Tây Ninh lý giải việc phải làm đường ống nước vượt sông vì hồ Dầu Tiếng ở độ cao lớn. Nếu lấy nước ở đây thì hàng trăm km kênh có thể tự chảy đến đồng ruộng. Còn sông Vàm Cỏ tuy có lượng nước dồi dào nhưng độ cao thấp, muốn tưới được cho vùng xa phải dùng trạm bơm khiến chi phí vận hành tăng cao.
Các đoạn ống thép được hàn ghép với nhau trước khi hợp long qua sông Vàm Cỏ Đông. Mỗi ống có đường kính 2,4 m.
Các ống thép được đặt trên giàn bê tông cốt thép. Đoạn vượt sông có cầu dân sinh. Người dân có thể qua lại bằng xe máy, xe đạp. Cây cầu này có thể cho thuyền rộng 30 m, cao 6 m đi qua.
Trước khi đến đoạn ống thép, nước từ hồ Dầu Tiếng chảy qua kênh Tây rồi đến kênh TN21 cũ. Kênh này hiện đã được mở rộng gấp nhiều lần và chuyển từ kênh chìm thành kênh nổi. Vì thế, người dân thay vì dùng máy bơm có thể chuyển qua nối ống, vặn vòi cho nước chảy vào đồng ruộng.
Sau đó, nước sẽ chảy đến đoạn kênh máng dài 3 km, cao hơn mặt gần gần 2 m. Trên báo Tây Ninh, ông Nguyễn Minh Quân, người dân xã Hảo Đước, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh cho biết vùng này khô hạn nên chỉ trồng được mía, nếu trồng lúa thì năng suất thấp. Từ khi có kênh nổi, kênh máng, người dân có thể chuyển sang trồng sắn, trồng lúa năng suất cao hoặc kết hợp với nuôi cá, nuôi vịt.
Sau đó, nước chảy đến đường ống thép, qua tiếp một đoạn kênh máng rồi chảy đến đoạn kênh chính dài 29 km. Hiện đoạn kênh chính đang được bê tông hoá, dự kiến hoàn thành vào năm 2024.