Ác mộng kinh hoàng nhất với Mỹ: Tên lửa S-300 Nga "thổi bay" tiêm kích tàng hình F-35

Trung Phạm |

Sẽ không có gì quá bất ngờ khi Israel sử dụng tiêm kích tàng hình F-35 để tấn công hệ thống tên lửa S-300 Nga, buộc Washington phải can dự nhiều hơn và cuộc xung đột ở Syria.

Thảm kịch chiếc máy bay trinh sát điện tử IL-20 bị phòng không Syria bắn rơi khiến 15 quân nhân Nga thiệt mạng đã ngay lập tức gây ra những tác động to lớn tới cuộc xung đột ở Syria nói riêng và khu vực Trung Đông nói chung.

Ngày 24/9, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu phát đi thông điệp với cả các đồng minh và đối thủ của Moscow rằng, Nga sẽ chuyển giao hệ thống tên lửa đất đối không S-300 cho Quân đội Syria. Quyết định này đã được Tổng thống Vladimir Putin phê chuẩn.

Muốn diệt S-300, Israel phải liều mạng?

Xét trên nhiều khía cạnh, việc Nga quyết định cung cấp các tổ hợp S-300 tiên tiến cho Syria còn gây ra mối lo ngại với Washington nhiều hơn là với Tel Aviv.

Israel đã sở hữu một số tiêm kích F-35 và từng tuyên bố sử dụng loại máy bay tàng hình thế hệ 5 này để tấn công các mục tiêu của Iran ở Syria.

Tuy nhiên, khi các phiên bản S-300 tiên tiến được điều động tới đây, lại được tích hợp với các hệ thống chỉ huy, điều khiển và liên lạc (C3) của Nga chúng sẽ bộc lộ một mối đe dọa nghiêm trọng với Washington. Bởi vì, với việc triển khai này, Israel, khi không thể thay đổi được tình hình ở Syria, có thể phải liều lĩnh dùng tới F-35 do Mỹ chế tạo.

Việc Hy Lạp mua các hệ thống S-300 của Nga từ cách đây nhiều năm không còn là điều bí mật. NATO và Israel đã tập luyện quá nhiều lần đối phó với hệ thống tên lửa này của Nga. Các quan chức quốc phòng cấp cao Quân đội Israel (IDF) từng khẳng định, họ có khả năng xóa sổ S-300, một thông điệp rõ ràng cho thấy Tel Aviv đã phát hiện được các điểm yếu chúng.

Việc Israel đe dọa sẽ tấn công và phá hủy S-300 không nên xem đó chỉ là một tuyên bố suông. Hãy nhìn vào cách họ khiến chiếc IL-20 bị bắn hạ thì sẽ hiểu được mức độ liều lĩnh của họ là như thế nào.

Hơn nữa, một chỉ huy cao cấp của IDF từ nhiều năm nay đã liên tục nhấn mạnh rằng, S-300 của Syria sẽ được coi là một mục tiêu chính đáng nếu nó đe dọa tới các máy bay chiến đấu của Israel. Nhưng tại thời điểm này, có lẽ cần phải bổ sung một số thông tin và làm rõ thêm một số điểm.

Ác mộng kinh hoàng nhất với Mỹ: Tên lửa S-300 Nga thổi bay tiêm kích tàng hình F-35 - Ảnh 1.

Hệ thống phòng không S-300 của Nga. Ảnh: Sputnik

S-300 của Hy Lạp thuộc biến thể cũ, không được bảo trì thường xuyên và các hệ thống điện tử của nó cũng không được cập nhật. Trong khi đó, các hệ thống hiện đại và phức tạp như S-300 và S-400 luôn đòi hỏi phải được bảo dưỡng, cập nhật và thường xuyên thay thế các bộ phận để duy trì và tăng cường sức chiến đấu. Hy Lạp không đáp ứng được tất cả các yêu cầu này.

Thứ hai, cần biết rằng, kỹ sư điều khiển - những người sử dụng hệ thống (radar, ngắm bắn, định vị, khóa mục tiêu..) thường mới là người tạo ra sự khác biệt nếu xét về hiệu quả chiến đấu tổng thể.

Hơn nữa, tổ hợp S-300 Syria lại được tích hợp đầy đủ với hệ thống C3 của Nga, thứ không hề có trong các cuộc tập trận với S-300 Hy Lạp.

Chưa một quốc gia phương Tây nào biết được những khả năng và tính năng thực sự của hệ thống phòng không Syria một khi chúng được tăng cường và tính hợp với các hệ thống của Nga. Đây là một bí mật mà Damascus và Moscow sẽ tiếp tục bảo vệ nghiêm ngặt.

Chẳng thế mà cách đây 3 năm, trong chiến dịch giải phóng Aleppo, một sĩ quan quân sự cao cấp của Nga đã cảnh báo (bóng gió ám chỉ các các máy bay tàng hình thế hệ 5 như F-35 và F-22) rằng, tầm bắn và hiệu quả của các hệ thống tên lửa Nga có thể là một bất ngờ lớn.

Dưới đây là những tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu khi thông báo về quyết định chuyển giao S-300 cho Syria:

"Nga sẽ sử dụng các khả năng tác chiến điện tử của mình để chế áp thông tin vệ tinh, hệ thống radar và trang thiết bị liên lạc trên máy bay chiến đấu tham gia tấn công lãnh thổ Syria ở các địa bàn trên vùng biển Địa Trung Hải giáp biên giới với Syria.

Chúng tôi tin rằng việc áp dụng các biện pháp này sẽ làm nguội những cái đầu nóng và ngăn chặn những hành động thiếu tính toán đe dọa tới binh sĩ của chúng tôi. Còn ngược lại, chúng tôi sẽ phải đáp trả tùy theo diễn biến tình hình.

Các trung tâm chỉ huy của lực lượng phòng không Syria sẽ được trang bị những hệ thống điều khiển tự động mà trước nay chỉ biên chế cho các lực lượng vũ trang Nga.

Điều này sẽ củng cố hoạt động kiểm soát tập trung tất cả các đơn vị và nguồn lực phòng không của Syria, theo dõi tình hình trên không và bảo đảm đưa ra mệnh lệnh tác chiến phù hợp. Quan trọng nhất, chúng tôi đảm bảo các hệ thống phòng không Syria nhận dạng được tất cả máy bay Nga".

Ác mộng kinh hoàng nhất với Mỹ: Tên lửa S-300 Nga thổi bay tiêm kích tàng hình F-35 - Ảnh 2.

Tiêm kích F-35A nhào lộn trên bầu trời California ngày 12/8/ 2016. Ảnh: Lockheed Martin

Đối diện ác mộng là Washington chứ không phải Tel Aviv!

Nếu Israel quyết tâm mạo hiểm loại bỏ S-300 (tất nhiên, trước tiên họ phải phát hiện được vị trí của hệ thống cơ động này), Tel Aviv sẽ phải đối diện với kịch bản các máy bay F-35 sẽ bị bắn hạ.

Hệ quả là, tổ hợp công nghiệp - quân sự Mỹ sẽ phải gánh chịu hậu quả nặng nề, không thể bù đắp nổi. Điều này cũng giải thích tại sao, Israel và có thể là cả Mỹ, từ hơn 5 năm nay luôn gây sức ép để Moscow không chuyển giao S-300 cho Syria và Iran.

Phản ứng từ Bộ Ngoại giao Mỹ trước thương vụ mua S-400 của Thổ Nhĩ Kỳ và Ấn Độ càng khẳng định mối lo lắng hiện nay của các quan chức cao cấp Mỹ cũng như giới tướng lĩnh Lầu Năm Góc trước viễn cảnh các đồng minh Washington "lũ lượt" chọn mua hệ thống vũ khí Nga.

Xét tới xu hướng đặt lợi ích quốc gia lên trên tất cả, sẽ không có gì phải ngạc nhiên khi Tel Aviv tính tới khả năng tấn công S-300 bằng F-35 - một vũ khí "tống tiền" buộc Washington phải can dự nhiều hơn và cuộc xung đột ở Syria.

Nhưng đối với Mỹ, có 2 kịch bản họ né tránh. Thứ nhất, là can sự trực tiếp vào cuộc chiến với Nga ở Syria, điều hiện nay khó có thể nghĩ tới và không thực tế.

Thứ hai, đáng lo ngại hơn cho giới hoạch định quân sự, là nguy cơ các tính năng và bí mật của F-35 bị bại lộ hoặc thậm chí "không đáng" với các đòn đánh từ hệ thống phòng không được phát triển từ cách đây cả gần nửa thế kỷ.

Một ví dụ rõ ràng nhất cho thấy cách thức Mỹ sử dụng những máy bay tiến tiến nhất của mình trong khu vực là ở phía Đông Syria, quanh khu vực Deir ez-Zor. Tại đây, không có bất cứ mối đe dọa nào từ các hệ thống phòng không tiên tiến nên Mỹ thường thoải mái triển khai các tiêm kích F-22 trong nhiều tình huống.

Quân đội Nga đã nhiều lần trưng ra các bằng chứng radar cho thấy khi các máy bay Su-35 xuất hiện ở những không phận mà F-22 cũng đang hoạt động, Không quân Mỹ đơn giản là tìm cách né tránh, không để xảy ra bất cứ cuộc đối đầu nào và nhanh chóng rút lui.

Trong khi đó, phiên bản hải quân của F-35 còn chưa sẵn sàng và chưa được triển khai trên tàu sân bay Mỹ hoạt động ở Trung Đông hay Vịnh Péc-xích, hoặc xuất hiện ở bất kỳ căn cứ quân sự nào của Mỹ trong khu vực.

Mỹ đơn giản không cân nhắc tới khả năng sử dụng F-35 ở Syria và cũng không muốn mạo hiểm sử dụng nó để đối phó với các hệ thống phòng không của Nga.

Israel là quốc gia duy nhất cho tới nay từng tuyên bố đã triển khai những máy bay này ở Syria nhưng đó là trước khi S-300 được triển khai tới đây.

Ác mộng kinh hoàng nhất với Mỹ: Tên lửa S-300 Nga thổi bay tiêm kích tàng hình F-35 - Ảnh 3.

F-35 Lightning II bay đêm gần căn cứ không quân Edwards California ngày 18/1/2012

Chương trình phát triển F-35 đã tiêu tốn hàng trăm tỷ USD và sẽ sớm vượt cả ngưỡng "cắt cổ, phi thực tế" là trên 1 nghìn tỷ USD. Nó đã được bán cho một số nước nhưng phải chịu ràng buộc bởi các thỏa thuận kéo dài cả hàng thập kỷ.

F-35 được thiết kế là một tiêm kích đa nhiệm và dự kiến sẽ trở thành xương sống của NATO và các đồng minh khác trong tương lai. F-35 đã được phát triển từ cách đây hơn 10 năm và bất chấp việc đã xảy ra vô số các vấn đề vẫn còn tồn tại cho đến tận ngày nay, nhưng nó đã cất cánh và sẵn sàng tham chiến như Israel từng khẳng định.

Mỹ vốn không muốn phô trương việc triển khai F-35 tham gia các chiến dịch, thậm chí còn giấu kín. Càng ít dữ liệu bị tiết lộ ra cho đối phương càng tốt, mặc dù lý do thực sự có thể nằm ở mối lo sợ những điểm yếu tiềm ẩn của F-35 có thể bị bại lộ, hủy hoại danh tiếng của nó trong các hợp đồng tương lai.

Tại thời điểm này, hoạt động chào hàng F-35 của Lầu Năm Góc chủ yếu dựa trên những đánh giá của Lockheed Martin, công ty sản xuất nó và trên các cuộc thử nghiệm được quân đội Mỹ thực hiện và giao phó cho Lockheed Martin.

Rõ ràng, cả Lockheed Martin và Không quân Mỹ đều không muốn để lộ bất cứ điểm yếu hay hạn chế nào của F-35, đặc biệt lại tiết lộ công khai.

Sự kết hợp giữa cái tôi của Israel khi không thể thay đổi tiến trình ở Syria, cùng với việc mất khả năng hoành hành khắp Trung Đông "mà không hề hấn gì" do Syria sẽ được trang bị một hệ thống phòng không ưu việt hơn, thì tất cả những yếu tố này có thể đẩy Israel tới hành động liều mạng sử dụng F-35 để tiêu diệt S-300.

Các hệ thống phòng không của Nga đang có cơ hội tỏa ra khắp thế giới, từ Trung Quốc, Ấn Độ, cho tới Saudi Arabia, Qatar và có thể còn nhiều hơn thế nữa. Moscow vẫn tiếp tục gia tăng xuất khẩu và uy tín quân sự càng gia tăng khi gần như kiểm soát toàn bộ bầu trời Syria.

Như thế, viễn cảnh về những đêm dài mất ngủ của các quan chức Lầu Năm Góc và ở tổng hành dinh Lockheed Martin là có thể tưởng tượng được khi họ phải lo lắng về khả năng siêu tiêm kích tàng hình F-35 bị bắn hạ bởi một hệ thống được sản xuất từ năm 1969: S-300!

F-35 - Tiêm kích tàng hình đắt nhất, tối tân nhất trong lịch sử Quân đội Mỹ

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại