Hải quân bủa vây
Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư nằm ở phía Đông của Trung Quốc đại lục, phía Đông Bắc Đài Loan và phía Tây của tỉnh Okinawa, Nhật Bản. Vị trí địa lý này đã biến Senkaku/Điếu Ngư thành một quần đảo có giá trị chiến lược vô cùng quan trọng đối với cả Trung Quốc và Nhật Bản. Hai nước đều có yêu sách tại đây.
Năm 2012, Chính phủ Nhật Bản mua lại ba hòn đảo trong chuỗi Senkaku/Điếu Ngư từ các chủ sở hữu tư nhân. Theo một báo cáo năm 2018 của RAND, tập đoàn tư vấn chính sách có trụ sở ở California (Mỹ), hành động này khiến Bắc Kinh "vô cùng giận dữ" và đã thôi thúc giới lãnh đạo Trung Quốc đẩy mạnh các hoạt động quân sự trên biển và trên không xung quanh khu vực.
Năm 2015, giữa hai nước xảy ra cuộc cạnh tranh trực diện. Sách Trắng Quốc phòng Trung Quốc gọi hoạt động quân sự hóa của Nhật Bản là "một mối quan ngại nghiêm trọng" còn Nhật Bản cũng coi Trung Quốc là một mối đe dọa tiềm tàng. Hệ quả là các lực lượng quân sự không ngừng được tăng cường tại đây.
Với Trung Quốc, việc triển khai lực lượng là một phần trong nỗ lực khẳng định sức mạnh quân sự đang gia tăng của nước này. "Trung Quốc tìm cách vượt Nhật Bản trở thành cường quốc thống trị trong khu vực", báo cáo RAND viết.
"Theo đó, Trung Quốc có ý định thách thức quyền kiểm soát hành chính của Nhật Bản đối với Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư và muốn chứng minh rằng họ có thể kiểm soát khu vực đồng thời tránh leo thang xung đột quân sự với Nhật Bản."
Tàu hộ tống tàng hình Type 056 của Hải quân Trung Quốc
Lực lượng phòng vệ Nhật Bản cũng buộc phải đẩy mạnh cạnh tranh. "Tốc độ hoạt động tăng lên đã kéo căng khả năng của Nhật Bản trong việc đối trọng với sự hiện diện của Trung Quốc".
"Tính đến cuối năm 2012, Cảnh sát biển Nhật Bản cho biết, các tàu bảo vệ bờ biển của Trung Quốc đã 68 lần xâm nhập lãnh hải Senkaku kể từ ngày 11/9, một con số chưa từng có tiền lệ", báo cáo của RAND giải thích.
"Chiến dịch này tiếp tục được đẩy mạnh, với 188 tàu xâm nhập lãnh hải Nhật Bản vào năm 2013, 88 lần vào năm 2014, 86 lần vào năm 2015 và 121 lần vào năm 2016. Kể từ giữa năm 2014, trung bình, các tàu của Trung Quốc đã xâm nhập lãnh hải Nhật Bản từ 7-9 lần/tháng và đã thực hiện từ 70 - 90 vụ xâm phạm vùng tiếp giáp lãnh hải".
Không quân bu bám
Theo các nhà nghiên cứu của RAND, sự canh tranh tương tự cũng diễn ra ở trên không.
"Ngày 13/12/2012, một máy bay Y-12 thuộc Cục Quản lý Đại dương Nhà nước Trung Quốc đã lần đầu tiên xâm nhập trái phép không phận mà Nhật Bản tuyên bố chủ quyền trong lịch sử 45 năm, bay qua Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư".
Trong khi đó, tháng 11/2013, Trung Quốc tuyên bố thành lập "Vùng nhận dạng phòng không" (ADIZ) trên biển Hoa Đông, chồng lấn với ADIZ của Nhật Bản và các nước láng giềng khác.
"Theo tuyên bố của Bộ Quốc phòng Trung Quốc, tất cả các máy bay vào khu vực này phải thông báo cho giới chức nước này đồng thời phải chịu các biện pháp quân sự khẩn cấp nếu không tuân thủ các quy tắc quản lý ADIZ", báo cáo của RAND viết.
Bộ Ngoại giao Nhật Bản coi việc Trung Quốc thiết lập ADIZ là "một mối nguy hiểm thực thụ".
Bắt đầu từ năm 2012, Trung Quốc đã tăng đáng kể số lượng các chuyến xuất kích máy bay quân sự gần Nhật Bản. "Máy bay chiến đấu từ cả hai quốc gia giờ đây thường xuyên bay gần nhau, làm tăng nguy cơ dẫn tới các tính toán sai lầm và gây khủng hoảng nghiêm trọng", RAND giải thích.
Thủy phi cơ lớn nhất thế giới của Trung Quốc, AG-600
Theo RAND, trên lý thuyết, Trung Quốc có ít nhất một lợi thế về cạnh tranh trên không. "Bắc Kinh sở hữu khoảng 1.700 máy bay chiến đấu, trong khi Nhật Bản chỉ có 288 chiếc."
Các nhà nghiên cứu của RAND giải thích: "Kho máy bay chiến đấu số lượng lớn của Trung Quốc cho phép họ thực hiện được các chuyến bay thường xuyên hơn gần Nhật Bản, qua đó kéo căng nguồn lực vốn dĩ đã bị hạn chế của Lực lượng Phòng vệ Không quân Nhật Bản (JASDF)".
"Năm tài khóa 2016 chứng kiến số lượng lớn nhất các chuyến xuất kích của JASDF - tổng cộng 1.168 phi vụ, trong đó 73% là đối phó với các máy bay Trung Quốc hoạt động gần và xung quanh Senkaku/Điếu Ngư và Biển Hoa Đông."
RAND cho biết, phần lớn nỗ lực của Nhật Bản trong việc chống lại các cuộc xâm nhập từ phía Trung Quốc chủ yếu dựa vào biện pháp ngoại giao. "Nhật Bản đã tìm kiếm các mối quan hệ chiến lược mạnh mẽ hơn ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, gồm cả Úc, Ấn Độ và các quốc gia Đông Nam Á như Philippines và Việt Nam".
Tuy nhiên, đã phần những nỗ lực quan trọng nhất của Nhật Bản mang yếu tố quân sự. Chi tiêu dành cho các lực lượng vũ trang của Tokyo đã tăng từ 41 tỷ USD năm 2012 lên 43 tỷ USD năm 2017 và 47 tỷ USD vào năm 2019.
Khoản ngân sách tăng thêm này được dùng cho hoạt động mở rộng và nâng cấp quân đội Nhật Bản, bao gồm "các khả năng tình báo, do thám và trinh sát, tác chiến chống hạm mới, gia tăng hạm đội tàu ngầm và tàu khu trục, thành lập một lữ đoàn tấn công đổ bộ, triển khai phương tiện trên các hòn đảo gần Senkaku/Điếu Ngư và thành lập một phi đội không quân ở Okinawa.
Không quân Lực lượng phòng vệ Nhật Bản cũng đã được tổ chức lại và tái trang bị nhằm đối phó với sự gia tăng đột biến từ phía Không quân Trung Quốc.
Tháng 4/2014, JASDF triển khai Phi đội 603 ra Căn cứ Không quân Naha ở Okinawa, gồm 4 máy bay cảnh báo sớm trên không E-2C Hawkeye. Tháng 1/2016, không quân Nhật Bản bổ sung thêm một phi đội máy bay chiến đấu F-15 thứ hai tới Naha.
Những chiến đấu cơ này đảm trách hầu hết các vụ ngăn chặn máy bay Trung Quốc diễn ra hàng ngày. Tất nhiên, kèm theo đó là những cái giá mà Nhật Bản phải chi trả. Nhu cầu từ JASDF ngày càng tăng tỉ lệ thuận với tần suất các máy bay này cần phải được kiểm tra và bảo dưỡng định kỳ.
"Tương tự như vậy, các cuộc xâm nhập gia tăng vào không phận Nhật Bản đang ảnh hưởng tiêu cực đến công tác đào tạo phi công của JASDF. Họ phải tích lũy được một số giờ bay nhất định thì mới đạt được trình độ cho các kỹ năng khác nhau".
Khối lượng công việc thậm chí còn trở nên tồi tệ hơn với các phi công Nhật Bản khi không quân nước này thay thế các máy bay chiến đấu F-2, F-4 và F-15 cũ hơn bằng F-35 mới. Cuối năm 2018, Tokyo đã đặt mua 141 chiếc F-35.
Xét tới tiến trình nghỉ hưu dự kiến của các máy bay F-2 và F-15, Nhật Bản có thể phải đối mặt với việc giảm số lượng máy bay chiến đấu, ngay cả khi Tokyo đang chờ bàn giao một số lượng hạn chế F-35.
RAND cảnh báo, trước bối cảnh "xu hướng mua sắm dài hạn" và kho vũ khí có số lượng vượt trội hơn của Trung Quốc thì những cải cách của Tokyo "có thể không đủ cho phép Nhật Bản bắt kịp Trung Quốc trong thời gian dài hơi khi hai nước cạnh tranh với nhau ở Senkaku/Điếu Ngư.
Video Trung Quốc phô diễn sức mạnh hải quân