Thật vậy, mới đây tạp chí Jane's dẫn lời người phát ngôn của liên minh do Ả Rập Saudi đứng đầu tuyên bố, tên lửa hành trình Ya Ali do Iran sản xuất đã được sử dụng trong cuộc tấn công sân bay quốc tế Abha ở phía Tây Nam Ả Rập Saudi.
Tên lửa đã đánh trúng vào nhà ga của sân bay nhưng rất may chỉ gây thiệt hại tương đối nhỏ. Nhóm phiến quân Yemen Ansar Allah đã nhận trách nhiệm và cho hay, cuộc tấn công này và cuộc không kích khác vào nhà máy điện Al-Shuqaiq một tuần sau đó cũng được thực hiện bằng tên lửa hành trình.
Tên lửa hành trình Iran đủ tin cậy, rất nguy hiểm!
Cũng trong cuộc họp báo, Đại tá Maliki - phát ngôn viên liên minh quân sự đối phó Houthi ở Yemen cho hay, những hình ảnh phần còn lại của tên lửa hành trình tấn công sân bay Abha minh chứng rằng Iran đang cung cấp vũ khí cho Ansar Allah.
Đặc biệt, vị này cũng tiết lộ rằng dường như động cơ của tên lửa hành trình Ya Ali là mẫu TJ-100 do công ty PBS Group của Czech sản xuất.
Trước đó, hồi tháng 5, PBS Group thông báo rằng họ đã bán được 900 động cơ phản lực mini TJ-100 từ năm 2004, nhiều chiếc được sử dụng cho việc chế tạo các bia bay làm mục tiêu bắn tập.
Dẫu vậy, trả lời Jane's, PBS Group nói rằng họ không thể loại trừ khả năng động cơ mà Đại tá Maliki tiết lộ là bản sao của TJ-100 hoặc là loại khác.
"Chúng tôi chưa bao giờ giao động cơ của mình cho Iran hoặc bất kỳ quốc gia đồng minh (của Iran) nào khác, kể cả trong quá khứ", Giám đốc phát triển kinh doanh PBS - ông Tomas Koutsky nói thêm.
Cũng theo vị này, PBS Group hoàn toàn tuân thủ các quy định xuất khẩu vũ khí của Czech và đây là trường hợp rắc rối đầu tiên xảy ra.
"Chúng tôi sẽ hợp tác đầy đủ để làm rõ nguồn gốc của động cơ đã sử dụng (trên tên lửa của Iran", ông Tomas nói.
Tên lửa hành trình Ya Ali (Màu đỏ).
Ya Ali lần đầu tiên được tiết lộ trong cuộc triển lãm của Quân đoàn Vệ binh Cách mạng Iran (IRGC) hồi tháng 5/2014. Khi đó loại tên lửa này được "quảng cáo" là có tầm bắn tới 700km, mang đầu đạn nặng 200kg.
Như thường lệ, mọi thông tin vũ khí Iran thường không có kiểm chứng rõ ràng nên thời điểm đó không nhiều người tin tưởng vào lời tuyên bố của giới chức Iran về Ya Ali.
Tuy vậy, ở thời điểm hiện tại, hoàn toàn có cơ sở để khẳng định rằng Ya Ali không phải "tên lửa mô hình". Đó là vũ khí nguy hiểm thật sự của IRGC!
Soumar, Hoveyzeh bắn xa 1.000-2.000km là sự thật, Mỹ chùn bước là phải!
Không chỉ Ya Ali, việc Ả Rập Saudi xác nhận rằng họ đã bị tên lửa hành trình "made in Iran" tấn công cũng cho thấy có khả năng rất cao các loại tên lửa hành trình mà Iran công bố trước đây với tầm bắn 2.000km là có thật.
Ví dụ như hồi tháng 9/2012, thứ trưởng Bộ Quốc phòng Iran khi đó tuyên bố nước này đã chế tạo thành công tên lửa hành trình tầm trung mang tên Meshkat có tầm phóng đến 2.000km.
Tuy nhiên, sau đó không có hình ảnh nào được tung ra rõ ràng về tên lửa mới. Mà phải tới tận năm 2015, Iran mới chính thức giới thiệu tên lửa hành trình Soumar được tuyên bố có tầm bắn 2.000-3.000km.
Đáng chú ý, theo tờ Haaretz, Soumar là bản sao của loại tên lửa hành trình Kh-55 do Liên Xô sản xuất. Iran có lẽ có được Kh-55 qua ngả của Ukraine.
Cụ thể, năm 2005 quan chức cấp cao của Kiev xác nhận năm 2001 Ukraine đã bán vài chục quả Kh-55 do Liên Xô sản xuất cho iran.
Tên lửa hành trình Hoveyzeh có tầm bắn 1.350km với khả năng bay cực thấp.
Tên lửa hành trình Soumar.
Dựa trên mẫu này, Iran đã cố gắng thiết kế sao chép Kh-55 và tạo ra phiên bản nội địa Soumar. Nó có động cơ khởi tốc cho phép phóng từ mặt biển hoặc mặt đất. Bản gốc của Nga không cần động cơ tăng cường vì nó được bắn từ máy bay ném bom.
4 năm sau khi Soumar ra đời, tháng 2/2019, kỷ niệm 40 năm Cách mạng Hồi giáo Iran, nước này tiếp tục giới thiệu tên lửa hành trình mang tên Hoveyzeh.
Iran chưa tiết lộ mọi thứ về Hoveyzeh, chỉ biết rằng nó có khả năng bay ở độ cao rất thấp với tầm bắn 1.350km, tầm bay cực đại chưa được công bố.
Bình luận về sự kiện này, mạng DEBKAfile của Israel cho hay: "Iran đã thực sự thành công trong việc chế tạo tên lửa hành trình bay thấp tới mục tiêu dưới tầm radar.
Điều này cho phép tên lửa bay bám địa hình đồi núi, thung lũng giảm thiểu khả năng bị phát hiện và đánh chặn".
"Không có lực lượng quân sự nào trên thế giới cho đến nay tìm thấy một phương tiện đánh chặn tên lửa hành trình hiệu quả. Hoveyzeh có khả năng bay cực thấp khiến mọi hệ thống phòng thủ tên lửa trở nên lỗi thời", DEBKAfile bình luận.
Rõ ràng là có nhiều cơ sở khẳng định là Iran đang có trong tay không chỉ tên lửa đạn đạo mà cả tên lửa hành trình. Với tư cách là đồng minh Ả Rập Saudi và Israel, Mỹ chắc hẳn nắm rõ những thông tin này trước khi nó được công bố trên truyền thông.
Việc cho tới giờ Washington vẫn chưa dám "trả đũa" Iran trong vụ bắn rơi siêu UAV RQ-4A Global Hawk có lẽ cũng từ việc e ngại vũ khí tầm xa, chính xác cao và bí mật của Iran bên cạnh các yếu tố khác về chính trị.
Iran bắn thử tên lửa hành trình Ya Ali