Tháng 1-2023, Ronaldo gia nhập Al-Nassr của Saudi Pro League (SPL) và trở thành cầu thủ được trả lương cao nhất thế giới với 200 triệu euro/năm dù đã bước sang ở tuổi 38.
Bước vào mùa chuyển nhượng hè 2023, các đội bóng Ả Rập Saudi liên tiếp đưa ra những bản hợp đồng thuộc dạng "siêu khủng" được trả hằng năm với Karim Benzema (200 triệu euro) và N’Golo Kante (100 triệu euro). Không dừng lại ở 2 cái tên trên, những Luka Modric, Hugo Lloris, Sergio Ramos, Jordi Alba, Sergio Busquets, Roberto Firmino cũng đang trong tầm ngắm của các đại gia Trung Đông, hứa hẹn còn khiến trời Âu nổi sóng.
Karim Benzema gia nhập Al-Ittihad với bản hợp đồng giá trị khủng .(Ảnh: AL-ITTIHAD FC)
Vì sao những bản hợp đồng giá trị quá lớn khiến các "ông lớn" châu Âu phải đắn đo vì luật công bằng tài chính nhưng lại là "chuyện nhỏ" với các đội bóng ít danh tiếng? Nguồn tài chính dồi dào đến từ đâu để trợ lực cho các đại diện của một trong những "vùng trũng" của bóng đá?
Ronaldo chốt tương lai ở Ả Rập Saudi, mong chờ Benzema và Messi
Hầu hết các đội bóng tại SPL hiện thuộc sở hữu công dưới sự giám sát của Bộ Thể thao Ả Rập Saudi và sẽ được bán cho các công ty tư nhân hoặc doanh nhân. Quỹ Đầu tư công nước này (PIF) được quyền tiếp quản 4 đội bóng, trong đó có đội vô địch giải Hạng nhất Saudi và 3 đội tốp đầu SPL, hiện là Al-Nassr, Al-Ittihad, Al-Hilal, với việc sở hữu 75% cổ phần của mỗi đội bóng. Quỹ PIF nắm giữ khoảng 576 tỉ euro, đứng thứ 7 trên thế giới và là chủ sở hữu của CLB Newcastle (Anh) với 80% cổ phần. Nguồn tài chính này là chỗ dựa vững chắc cho những bản hợp đồng và đề nghị khung đã được các đội Ả Rập Saudi đưa ra.
Việc PIF sở hữu các đội bóng này là một phần trong kế hoạch "Tầm nhìn năm 2030" của chính phủ Ả Rập Saudi nhằm mục tiêu đa dạng hóa lợi ích kinh tế của đất nước từ du lịch và thu hút đầu tư từ nguồn vốn nước ngoài, trong đó bóng đá được xem là bước đệm để thu hút sự chú ý của thế giới. Đối với SPL, Bộ trưởng Thể thao Ả Rập Saudi, Hoàng thân Abdullah bin Turki Al-Faisal cho biết mục tiêu đưa giải đấu trở thành một trong 10 giải hàng đầu thế giới và tăng giá trị thị trường lên 2,1 tỉ USD vào năm 2030.
Những bản hợp đồng "bom tấn" đã và đang nổ ra tại SPL khiến người hâm mộ nghĩ đến Chinese Super League và sự sụp đổ của giải nhà nghề Trung Quốc dù chỉ mới ra mắt vào năm 2016. Xét về thành tựu, bóng đá Ả Rập Saudi có mặt bằng vững vàng hơn từ cấp độ CLB. Al-Hilal sở hữu thành tích đáng nể với 4 lần vô địch AFC Champions League, nhiều nhất trong số các đội bóng châu Á. Ngoài Al-Hilal, Al-Ittihad cũng có 2 lần vô địch giải đấu này.
Không chỉ thành tích, các đội bóng tại SPL đều có bề dày lịch sử lâu đời. Al-Hilal, Al-Nassr, Al-Ittihad được thành lập lần lượt 65, 67 và 96 năm trong khi SPL chỉ mới được thành lập chưa đầy nửa thế kỷ (47 năm). Tuyển Ả Rập Saudi cũng có nhiều thành tích vượt trội so với tuyển Trung Quốc, như 6 lần tham dự World Cup, 10 lần dự Asian Cup (3 lần vô địch), 4 lần dự FIFA Confederations Cup (1 lần giành ngôi á quân)...
Các giải đấu của Ả Rập Saudi không bán được bản quyền truyền hình cho đến khi Ronaldo gia nhập Al-Nassr. 137 kênh truyền hình trên thế giới phát sóng về SPL mùa giải vừa qua. Mùa tới, khi SPL mở rộng lên 18 đội, mỗi đội sẽ được phép sử dụng 8 cầu thủ nước ngoài mỗi trận, theo mô hình của Ngoại hạng Anh để tăng độ kịch tính và sức hấp dẫn.