"À Lộn Số", "Rút Van Hết Hơi Xe"… và chuyện khó như phát âm tên cầu thủ

Mạnh Hào |

8 năm kể từ khi Đài truyền hình Việt Nam (VTV) tổ chức một khóa học ngắn hạn nhằm bổ túc về cách phát âm tên riêng của các cầu thủ, những tranh cãi về vấn đề này vẫn tiếp diễn...

Chính xác là trước và trong những giải đấu lớn như Euro hay World Cup, người hâm mộ lại nói đến chủ đề này với rất nhiều quan điểm trái chiều, khen có, chê có, góp ý một cách thẳng thắn có.

Tuy nhiên, một điểm chung mà tất cả muốn hướng đến hiểu nôm na là "sự trong sáng của tiếng Việt", nghĩa là người Việt nào cũng có thể nghe được và hiểu được cầu thủ đó thực sự là ai.

Không phủ nhận cách làm mới của các bình luận viên truyền hình là nhằm nâng cao chất lượng những buổi phát sóng nhưng quả thực, ngoài vấn đề chuyên môn, thực hiện một cuộc cách mạng về ngôn ngữ quả là một vấn đề vô cùng phức tạp.

À Lộn Số, Rút Van Hết Hơi Xe… và chuyện khó như phát âm tên cầu thủ - Ảnh 1.

Đội hình này thì đọc như thế nào đây?

Bởi như tiếng Anh được xem là ngôn ngữ phổ biến trên thế giới thì cách người Mỹ nói tiếng Anh cũng đã khác cách người Anh nói tiếng Anh, nói gì đến việc người Việt hiểu rõ hoàn toàn tiếng Anh và những ngôn ngữ của 23 đội tuyển khác tham dự Euro 2016.

Không phải vô cớ mà trên trang chủ của Liên đoàn bóng châu Âu (UEFA), có lẽ là lần đầu tiên trong lịch sử, người ta có một bài viết rất kĩ về cách phát âm tên cầu thủ chính xác.

Có thể vì chưa bao giờ một giải đấu Euro có nhiều đội đến vậy và có thể vì lần đầu tiên, tất cả thấy có sự xuất hiện của những đội tuyển mới như Albania, Slovakia hay Iceland.

Và nhìn vào rồi mới thấy chuyện phát âm tên cầu thủ, nếu theo đúng ngôn ngữ của những quốc gia này, thực sự không hề dễ dàng với bất cứ bình luận viên nào nếu cứ theo yêu cầu tên cầu thủ của đội tuyển này phải được phát âm theo đúng tên ngôn ngữ của quốc gia đó.

À Lộn Số, Rút Van Hết Hơi Xe… và chuyện khó như phát âm tên cầu thủ - Ảnh 2.

Không dễ để đọc đúng tên của thủ thành Lloris theo chuẩn UEFA.

Lấy ví dụ như thủ môn Hugo Lloris của Pháp. Bình thường người Việt thường chỉ gọi là Lo-rít nhưng theo quy chuẩn của UEFA thì phải là Lyo-reece (Li-ô rít). Hay tiền vệ N'Golo Kanté, người Việt quen gọi là Kante nhưng theo UEFA sẽ là N-go-lo Kon-tay.

Và nữa, với Mario Götze của Đức, chúng ta vẫn gọi là Gotze một cách đơn giản nhưng UEFA cho rằng đó phải là Gert-suh. Hoặc Lukaku của Bỉ sẽ phải là Loe-ka-koe.

Hay trung vệ rất nổi tiếng của đội tuyển Bồ Đào Nha là Pepe. Bản thân các bình luận viên của chúng ta luôn gọi là Pê pê, trong khi nếu theo quy chuẩn của UEFA thì chỉ là Pep.

Và dám cá rằng, tất cả cũng sẽ gọi Ján Ďurica của Slovakia là Durica chứ không phải là Djoo-ritz-ah (Ju rít za) như theo quy định của UEFA. Tương tự như vậy là Koke của Tây Ban Nha chứ không phải là Ko-kay theo UEFA và Granit Xhaka của Thụy Sĩ đọc là Xa-ka thay vì đúng phải là Cha-ka.

À Lộn Số, Rút Van Hết Hơi Xe… và chuyện khó như phát âm tên cầu thủ - Ảnh 3.

Theo chuẩn UEFA, Pep mới là cách đọc đúng tên Pepe thay vì Pê pê như người Việt vẫn quen miệng.

Nhìn đi nhìn lại, trong khi cách phát âm mới chưa mang lại điều gì được xem là nâng cao chất lượng buổi phát sóng và trình độ cho người xem truyền hình, nó đã và đang tạo ra vô vàn rắc rối cho người bình luận và người nghe.

Nói một cách đơn giản, ra nước ngoài thì phải phát âm sao cho người nước họ hiểu, còn ở Việt Nam thì cũng phải nói sao cho người Việt Nam hiểu bởi bóng đá là một môn thể thao đơn giản, được đông đảo các tầng lớp yêu thích.

Vì thế, bắt họ phải đọc trẹo cả mồm theo cách phát âm chuẩn những thứ tiếng của cầu thủ quốc tế và buộc họ luận xem các bình luận viên nói gì sẽ là điều quá khó khăn, nếu không muốn nói những cái tên vốn đang nghe quen thuộc sẽ trở thành những cái tên xa lạ, thậm chí là chối tai.

À Lộn Số, Rút Van Hết Hơi Xe… và chuyện khó như phát âm tên cầu thủ - Ảnh 4.

Những bình luận viên Việt Nam từng khổ sở để đọc tên các cầu thủ nước ngoài.

Nói như nhiều người hâm mộ trên một diễn đàn bóng đá thì "điều quan trọng là phát âm cầu thủ sao cho người nghe hiểu đúng, để họ biết rằng đấy là Rooney đang dẫn bóng chứ không phải một ai khác. Bình luận bóng đá là bình luận bóng đá, chứ không phải là buổi dạy ngoại ngữ…"

Dĩ nhiên, nói vậy không có nghĩa tên cầu thủ nước ngoài sẽ được Việt hóa toàn bộ, kiểu như Alonso thành "À Lộn Số", Ruud van Nistelrooy thành "Rút Van Hết Hơi Xe", Marco van Basten là "Mắc cỡ vẫn bật đèn" hay Adebayor thành "Ăn đi bay ơi"…

Nói một cách đơn giản thì việc các bình luận viên tôn trọng người xem, người nghe đồng nghĩa họ sẽ được người xem, người nghe tôn trọng và yêu quý lại.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại