Đang xem xét có tiếp tục trao Nữ hoàng văn hóa tâm linh 2019 không
Hàng loạt tấm thiệp mời của chương trình "Tôn vinh Nữ hoàng thương hiệu Việt Nam 2019" với những cái tên nghe rất “kêu” như” Nữ hoàng thực phẩm Việt Nam… và sự xuất hiện của bà Phạm Nữ Hiền Ngân với danh hiệu "Nữ hoàng văn hóa tâm linh VN", đang nhận được sự chú ý của cộng đồng.
Chiều 10/7, bà Nguyễn Thụy Oanh, Phó Chủ tịch Trung ương Hội nghệ nhân và thương hiệu Việt Nam, Tổng Giám đốc Công ty CP XNK Ô tô Ngọc Minh kiêm Trưởng ban Tổ chức chương trình Nữ hoàng thương hiệu Việt Nam, đơn vị trao danh hiệu Nữ hoàng văn hóa tâm linh Việt Nam 2018, đồng thời là Á hoàng doanh nhân đã tổ chức buổi gặp báo chí.
Tại buổi gặp gỡ, bà Oanh khẳng định, chương trình Nữ hoàng thương hiệu Việt Nam chỉ là chương trình tôn vinh dành cho các hội viên của Hội và không phải cuộc thi sắc đẹp.
Đối với việc trao danh hiệu Nữ hoàng văn hóa tâm linh năm 2018 cho bà Phạm Nữ Hiền Ngân, bà Oanh cho hay, bà Hiền Ngân là một cô đồng và hoạt động trong lĩnh vực văn hóa tâm linh.
"Xét trên những hồ sơ hoạt động trên lĩnh vực văn hóa tâm linh năm 2018, Ban tổ chức đã trao cho bạn Hiền Ngân danh hiệu Nữ hoàng văn hóa tâm linh.
Sau khi nhận được danh hiệu, chúng tôi có giám sát, đôn đốc để Hiền Ngân làm đúng vai trò, trách nhiệm của mình khi đang đương vị Nữ hoàng văn hóa tâm linh.
Chúng tôi cũng thấy, Hiền Ngân có khá nhiều hoạt động trong năm vừa qua và đang đưa được hình ảnh người hầu đồng diễn xướng của Việt Nam, đã được UNESCO công nhận, quảng bá với nhiều người khác, nước ngoài.
Chỉ những ngày gần đây, không hiểu lý do vì sao bạn Hiền Ngân lại "lùm xùm" lên với danh hiệu này...", bà Oanh nói.
Trước câu hỏi ngoài bà Hiền Ngân, có bao nhiêu người đăng ký tham gia bình chọn Nữ hoàng văn hóa tâm linh Việt Nam 2018?, bà Oanh trả lời, năm 2018, theo thống kê của Ban tổ chức, có hơn 700 đơn đăng ký tham dự chương trình Nữ hoàng thương hiệu Việt Nam.
Tuy nhiên, bà Oanh không nhớ có bao nhiêu người tham gia bình xét Nữ hoàng văn hóa tâm linh.
"Tôi không nhớ rõ số lượng chính xác nhưng không phải là một người,bởi năm 2018, Hội chúng tôi đã có mục tiêu thành lập Viện nghiên cứu đạo Mẫu và có nhiều hội viên làm trong lĩnh vực này", bà Oanh nói.
Trưởng Ban tổ chức chương trình thông tin, năm 2018, đơn vị đã trao 26 danh hiệu, trong đó, có 11 danh hiệu Nữ hoàng và 15 danh hiệu Á hoàng, các top 5, top 10. Năm 2019, đơn vị kỳ vọng tôn vinh 10 ngành nghề khác nhau và tìm ra Nữ hoàng, Á hoàng.
Nữ Trưởng ban Tổ chức cũng thông tin, hiện Ban tổ chức đang cân nhắc xem có nên tiếp tục trao danh hiệu Nữ hoàng Văn hóa tâm linh trong chương trình tôn vinh tối 13/7 tới tại Hà Nội hay không, sau những phản ứng từ dư luận mấy ngày qua.
Theo bà, chương trình tôn vinh Nữ hoàng thương hiệu Việt Nam 2019 có nhận được vài đơn đăng ký xét trao tặng danh hiệu Nữ hoàng văn hóa tâm linh, nhưng trước phản ứng của dư luận thì ban tổ chức vẫn đang tính toán và chưa có quyết định cuối cùng.
Bà cũng cho biết uy tín của chương trình đang bị ảnh hưởng nặng nề "chỉ vì sai sót của bộ phận thiết kế giấy mời".
Về thắc mắc việc trao hàng loạt danh xưng Nữ hoàng nghe "rất kêu" đó có phù hợp, tạo sự loạn, loãng hay không?, bà Oanh cho hay, có thể nhiều người cho rằng, danh xưng Nữ hoàng nghe rất cao quý và so sanh với nữ hoàng của các nước trên thế giới.
"Ở châu Âu, nữ hoàng là người được trao quyền lực trong đất nước của họ còn ở châu Á và Việt Nam, nữ hoàng này thường trao cho người nào đó xuất chúng trong một ngành nghề nào đó.
Rất nhiều danh xưng nữ hoàng ở ngành nọ, ngành kia được cộng đồng trao cho những người xuất chúng. Với Hội chúng tôi muốn tặng danh hiệu đó cho những hội viên của mình để cho họ, gia đình, bạn bè tự hào hơn", bà Oanh bày tỏ.
Bà Nguyễn Thụy Oanh.
Bà Oanh dẫn lại phát biểu của mình trong buổi tôn vinh năm 2018 khi cho rằng, có thể chưa tìm được những người xứng đáng nhất trong từng ngành nghề, nhưng đã cố gắng tìm trong từng ngành nghề những người tốt đăng ký tham gia chương trình, được bình xét.
"Tất cả những nữ hoàng được trao năm 2018 có thể là những người nổi bật, nhưng có thể những người chưa thể nổi bật nên trong năm 2019, 2020 chúng tôi sẽ cố gắng tìm ra người tốt nhất để làm vừa lòng dư luận", bà Oanh nói thêm.
Chương trình Nữ hoàng thương hiệu Việt Nam "làm tốt quá" nên bị "lùm xùm"?
PV đặt câu hỏi, thời gian qua, có nhiều "lùm xùm" ở các chương trình về việc bỏ tiền ra mua giải thưởng, vậy, với chương trình Nữ hoàng thương hiệu Việt Nam có chuyện này không?
Bà Oanh khẳng định, chương trình này không có chuyện mua giải, bởi ở đây chỉ trao danh hiệu chứ không có giải thưởng.
"Việc lùm xùm của tất cả các chương trình khác từ rất nhiều khía cạnh khác nhau.
Với chương trình của mình, tôi tìm ra nguyên nhân như là tôi làm tốt quá, cố gắng hoàn thiện mình, thể hiện đây là chương trình uy tín, mong tổ chức ở Hà Nội để nhiều người tham gia hơn là lý do để lùm xùm...", bà Oanh nói.
Về câu hoi những người tham gia nhận tôn vinh có phải đóng khoản tiền dưới bất cứ dạng nào không?, bà Oanh cho hay, hồ sơ của chương trình đã nêu rõ đây là chương trình xã hội hóa, kêu gọi kinh phí từ nhiều nguồn khác nhau.
Trong đó, đơn vị tổ chức phải đảm bảo kinh phí và từ các đơn vị tài trợ.
"Nguồn thứ ba là từ xã hội hóa từ thí sinh. Chúng tôi nêu rõ trong đơn đăng ký là các bạn khi tham gia nếu hồ sơ đạt đủ điều kiện tham gia là hội viên, hoạt động trong lĩnh vực, ngành nghề cụ thể thì phải nộp 10 triệu đồng.
Số tiền này là chi phí để xét duyệt, thẩm định hồ sơ và chúng tôi công khai điều này", bà Oanh thông tin.
Với năm 2018, bà Oanh cho biết, do là năm đầu tiên nên Ban tổ chức gần như không nhận tiền của thí sinh. Còn năm 2019, đến nay, Hội đã nhận được khoảng hơn 1.000 đề nghị tham gia chương trình.
"Đến khi thẩm định cuối cùng có hơn 40 đơn. Chúng tôi nhận tiền từ khoảng hơn 40 thí sinh năm nay", bà Oanh thông tin thêm.