Đây là quan điểm của TS Khuất Thu Hồng (Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển xã hội) trao đổi với phóng viên Infonet xung quanh câu chuyện một đường dây có á hậu, MC bán dâm với giá “khủng” 7000-25000 USD/lần.
TS Khuất Thu Hồng
Dư luận đang xôn xao về đường dây mua bán dâm giá tới 7000-25.000 USD trong đó có sự tham gia của á hậu, MC… bà có bất ngờ với những thông tin này không?
TS Khuất Thu Hồng: Khi đọc được những thông tin này tôi không lấy gì làm ngạc nhiên. Dư luận đang hết sức ngạc nhiên, sững sờ với số tiền “đi khách” của những cô gái trong đường dây này, nhưng mà theo tôi số tiền có thể tăng lên nhiều nữa.
Vấn đề ở đây số tiền không phải đo giá trị của các cô gái ấy mà là đo giá trị, vị thế của người trả tiền mua dâm, của đại gia. Điều này chứng tỏ người ta bỏ ra càng nhiều tiền thì vị thế của người ta càng lớn chứ không phải vì giá trị của những cô gái đấy.
Cho nên mọi người không nên ngạc nhiên về số tiền mà câu chuyện ở đây là đã có những người đàn ông bỏ ra những số tiền rất lớn để mua vui (trong đó có không ít kẻ trung gian họ đứng ở giữa để bơm số tiền đó lên khiến cho những người đàn ông nghĩ rằng mình càng trả nhiều tiền thì danh tiếng địa vị của mình càng quan trọng hoặc chứng tỏ sự quan trọng của mình).
Bản thân các cô gái đương nhiên họ nổi tiếng thì được trả giá cao hơn người khác.
Nhưng ý nghĩa đạo đức ở đây tôi muốn nhấn mạnh đó là tại sao có những người đàn ông bỏ ra số tiền khổng lồ như thế để làm một việc như vậy? Trong khi ngoài xã hội còn bao nhiêu người đói khổ, bao trẻ em thiếu trường học, bao đứa trẻ phải chui trong túi nilon vượt lũ đến trường… và bao nhiêu người mẹ không đủ tiền chi trả viện phí đành cắn răng đưa con về chờ chết…
Mình không đòi hỏi những người đàn ông “đại gia” ấy phải có trách nhiệm với những câu chuyện éo le trên, nhưng câu hỏi đặt ra là: xã hội sẽ như thế nào khi có những người sẵn sàng làm những việc như thế?.
Những giá trị ảo, những giá trị xấu xa nào đó đang được tạo ra, tôn lên đang khiến cho giới trẻ bị định hướng một cách sai lệch?.
Dường như ngày càng nhiều những cô gái trẻ có nhan sắc chọn cách “bán mình” để có cuộc sống sung túc nhanh nhất, phải chăng đạo đức của giới trẻ đang xuống cấp?.
TS Khuất Thu Hồng: Lỗi không hẳn thuộc về họ, nếu có thì cũng chỉ một phần thôi. Trách nhiệm thuộc về xã hội, tại sao lại đưa đẩy đến câu chuyện như vậy? Nếu không có những đường dây buôn bán cơ thể phụ nữ thì làm sao các cô có thể bán mình?
Bà nghĩ gì khi truyền thông, người có chức năng đưa thông tin hình ảnh khá rõ về người bán dâm, còn người mua dâm giá khủng thì không?
TS Khuất Thu Hồng: Ở đây còn liên quan đến vấn đề bình đẳng giới, không phải là giá trị thực của các cô gái mà là vị thế quyền lực của những người đàn ông bỏ ra số tiền khổng lồ như vậy.
Đương nhiên vì họ là đại gia nên họ có quyền lực, vì họ là đàn ông nên danh tính của họ không bao giờ bị tiết lộ cả. Đó chính là sự bất bình đẳng. Tôi không ngạc nhiên vì câu chuyện đó, vì mình biết nó sẽ xảy ra như vậy.
Rõ ràng sự mua bán được thỏa thuận cả hai bên nhưng khi bị phát hiện thì người bán dâm luôn luôn bị bêu tên dù có viết tắt hay che mờ hình ảnh nhưng lại nêu ra những thông tin mà người đọc hoàn toàn có thể hiểu đó là ai và họ sẽ hứng chịu những lời dè bửu, chỉ trích.
Trong khi người đàn ông mua dâm thì tuyệt nhiên không có thông tin gì.
Vậy theo bà có cần thiết nêu tên người mua dâm với giá “khủng” hay không?
TS Khuất Thu Hồng:
Tất nhiên, có thể xảy ra tình huống cơ quan điều tra cung cấp thông tin cho báo chí ở mức độ như thế nào, đến đâu (có thể không cung cấp danh tính của người mua dâm- PV), nhưng rõ ràng báo chí có thể cân nhắc/quyền dùng thông tin ở mức độ phù hợp.
Tôi phải nhấn mạnh, ngay đối với các cơ quan chức năng, cơ quan công an về nguyên tắc cũng không được cung cấp danh tính.
Trong trường hợp anh coi đây là hành vi vi phạm luật pháp cần phải công bố danh tính để giáo dục, răn đe thì phải công bố cả hai nghĩa là cả người mua dâm, bán dâm chứ không thể chỉ một phía.