Phát biểu tại một cuộc họp báo thường kỳ, phát ngôn viên Lầu Năm Góc Pat Ryder nói rằng mặc dù ông chưa có thông tin gì để đưa ra thông báo chính thức về việc chuyển giao, nhưng ông lưu ý rằng Mỹ có nhiều loại bom đạn chùm khác nhau trong kho vũ khí của mình.
"Những loại đạn dược mà chúng tôi đang xem xét cung cấp sẽ không bao gồm các phiên bản cũ hơn với tỷ lệ lép cao hơn 2,35%", ông Ryder nói, cho biết thêm rằng "Lầu Năm Góc sẽ lựa chọn cẩn thận các loại đạn dược có tỷ lệ lép thấp hơn" dựa trên dữ liệu thử nghiệm gần đây.
Tuy nhiên, ông Ryder không cho biết liệu Mỹ có thảo luận về những lo ngại trong việc sử dụng bom chùm ở Ukraine với các đồng minh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) hay không, chỉ nói rằng các quốc gia thành viên của khối thống nhất "mong muốn cung cấp cho Kiev những khả năng mà họ cần để hoạt động hiệu quả trên chiến trường".
Trong những tuần gần đây, một số hãng truyền thông Mỹ đưa tin chính quyền của Tổng thống Joe Biden đang tiến gần hơn đến việc bật đèn xanh chuyển giao loại đạn gây tranh cãi cho Ukraine. Theo AP, Washington dự kiến sẽ công bố chuyển giao hàng nghìn quả bom đạn chùm vào thứ Sáu như một phần của gói hỗ trợ an ninh mới trị giá 800 triệu đô la.
Bom chùm bị cấm sản xuất/sử dụng/dự trữ ở hơn 100 quốc gia, vì khi phát nổ, chúng tung ra nhiều quả bom nhỏ trên một khu vực rộng lớn. Và những quả bom chưa nổ có thể gây ra rủi ro nghiêm trọng cho dân thường trong nhiều năm sau khi chiến tranh kết thúc. Mỹ không tham gia lệnh cấm, chỉ cấm xuất khẩu loại đạn này với tỷ lệ lép hơn 1%. Tuy nhiên, hạn chế có thể được dỡ bỏ bằng quyết định miễn trừ của tổng thống.
Trong một tuyên bố hôm thứ Năm, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền đã cảnh báo Mỹ không nên chấp thuận chuyển giao loại đạn dược này, nói rằng bom chùm "chắc chắn sẽ gây ra đau khổ lâu dài cho dân thường".
Vào cuối tháng 3, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov cũng cảnh báo Mỹ về việc chuyển giao bom đạn chùm cho Ukraine , giải thích rằng nó có thể dẫn đến leo thang chiến sự.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết trong một cuộc họp báo hôm thứ Sáu rằng các đồng minh NATO nên tự quyết định có cung cấp bom, đạn chùm cho Ukraine hay không.
"NATO với tư cách là một liên minh không liên quan đến Công ước về Bom, đạn chùm vì một số đồng minh đã ký công ước nhưng một số đồng minh chưa ký công ước. Và các đồng minh sẽ tự đưa ra quyết định về việc chuyển giao vũ khí và cung cấp quân sự cho Ukraine. Điều này sẽ do các chính phủ quyết định chứ không phải NATO với tư cách là một liên minh", ông lưu ý.
Phát biểu cùng ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius tuyên bố Berlin sẽ không gửi bom, đạn chùm tới Ukraine vì nước này là một bên ký kết công ước.
"Đức đã ký công ước, vì vậy chúng tôi không có lựa chọn nào khác", ông Pistorius cho biết, đồng thời nói thêm "những quốc gia chưa ký công ước - Trung Quốc, Nga, Ukraine và Mỹ, tôi không có quyền bình luận về hành động của họ."