Kết quả của một khảo sát gần đây cho thấy, có tới 97% người lao động được hỏi đều mong muốn làm thêm giờ.
Với nhiều công nhân tại các khu công nghiệp, tiền làm thêm giờ chiếm tới 1/3 thu nhập của họ.
Nếu làm đủ 8h/ngày, và lương của người lao động đủ chi trả cho cuộc sống hàng ngày, thì chắc chắn số người lao động muốn làm thêm giờ sẽ không lên tới 97%.
Ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho biết: Gốc lương tối thiểu của Việt Nam trong khu vực là thấp.
Hiện mức lương này chỉ cao hơn Lào, Campuchia và thấp hơn hầu hết các nước trong khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Malaysia, Singapore hay Trung Quốc. Do đó, việc tăng lương tối thiểu hàng năm là để đáp ứng được cuộc sống cho người lao động.
“Hầu hết người lao động phải làm thêm giờ mới đảm bảo được nhu cầu sống. Bởi thế mới có câu chuyện khảo sát 97% người lao động mong muốn làm thêm giờ.
Nếu cuộc sống họ không khó khăn, lương họ đủ sống thì không có nhu cầu đó đâu, 8 tiếng làm việc vất vả là quá đủ rồi!”, ông Quảng nhấn mạnh.
Theo khảo sát của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, thu nhập bình quân của người lao động ở mức 4 – 5 triệu đồng/tháng, cao hơn mức lương tối thiểu vùng. Tuy nhiên, với mức này thì người lao động vẫn gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống.
Hiện mức lương tối thiểu vùng của năm 2016 mới chỉ đáp ứng được khoảng 80% nhu cầu sống tối thiểu. Còn sang đến năm 2017, mức đề xuất tăng thêm là 7,3% thì có thể đáp ứng được từ 93 – 94% cho người lao động.