Đến nay, đã chuyển đổi thành công cho hơn 41 nghìn bệnh nhân HIV/AIDS.
Bệnh nhân HIV/AIDS nhận thuốc ARV từ BHYT tăng mạnh
Trong 9 tháng đầu năm 2019, cả nước có 7.779 trường hợp nhiễm mới HIV, nâng tổng số người có HIV lên gần 212.000 người, trong đó có 1.428 trường hợp tử vong do AIDS.
Ông Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho biết: “Hiện nay, dịch HIV/AIDS trong cộng đồng tiếp tục thuyên giảm, nhưng diễn biến phức tạp, gia tăng ở một số nhóm nguy cơ cao (quan hệ đồng tính, nghiện chích ma túy) và còn xa so với mục tiêu chấm dứt đại dịch AIDS”.
Theo tính toán của các chuyên gia, muốn kết thúc đại dịch AIDS, thì số lượng nhiễm mới HIV được phát hiện hàng năm ở con số dưới 1.000 người. Tuy nhiên, trên thực tế, con số này hiện nay là khoảng 10.000 người.
Qua 20 năm điều trị HIV/AIDS, thành tựu lớn nhất là Việt Nam đã đưa được nhiều người nhiễm HIV vào quản lý và điều trị dự phòng; mở rộng phân cấp điều trị cho người nhiễm HIV/AIDS xuống địa phương (tuyến huyện); tỉ lệ nhiễm HIV từ mẹ sang con đã giảm còn dưới 2%.
Đáng chú ý, số bệnh nhân HIV/AIDS nhận thuốc ARV từ BHYT tăng mạnh qua từng tháng: Tháng 3 có 11.972 người; tháng 6 có 34.621 người; tháng 10 có 41.191 người và dự kiến đến cuối năm sẽ có khoảng 48.000 bệnh nhân được nhận thuốc ARV từ nguồn quỹ BHYT.
Tính đến ngày 30/9, bình quân tỉ lệ bao phủ BHYT trong điều trị HIV/AIDS là 90 - 91%, trong đó có 9 tỉnh đạt tỉ lệ bao phủ 100% như: Tuyên Quang, Kon Tum, Bình Định, Hà Giang, Hưng Yên...
Theo ông Long, bệnh nhân HIV/AIDS cần điều trị ARV (thuốc kháng virus HIV) liên tục và suốt đời. Từ tháng 3/2019, bệnh nhân HIV/AIDS trên toàn quốc đã được sử dụng thuốc ARV trong điều trị từ nguồn quỹ BHYT thay cho nguồn viện trợ quốc tế trước đó.
Tính đến ngày 31/10, đã có 263.190 lượt bệnh nhân điều trị ARV từ nguồn BHYT, tương đương tổng số thuốc đã sử dụng là hơn 8,8 triệu viên với tổng giá trị thuốc đề nghị cơ quan BHXH quyết toán là 41,887 tỷ đồng, trong đó tổng kinh phí cùng chi trả chỉ có 1,909 tỷ đồng.
“Tính đến cuối tháng 9, đã có 16.069 thẻ BHYT được mua từ nguồn ngân sách địa phương và hiện đã có 40 tỉnh, thành trên cả nước bố trí ngân sách địa phương cho việc mua thẻ BHYT với tổng chi phí hơn 13 tỷ đồng.
Trong thời gian tới, nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho bệnh nhân HIV/AIDS, Cục Phòng chống HIV/AIDS sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan đôn đốc, hỗ trợ các cơ sở điều trị HIV/AIDS ký hợp đồng KCB BHYT.
Đối với các cơ sở chưa ký hợp đồng khám chữa bệnh (KCB) BHYT, sẽ tiếp tục duy trì cho đến khi hết nguồn thuốc miễn phí từ các chương trình, dự án; các cơ sở mở mới sẽ phải đảm bảo các điều kiện là cơ sở cung cấp các dịch vụ KCB BHYT”, ông Long nhấn mạnh.
Tạo điều kiện để người nhiễm HIV/AIDS tham gia BHYT
Theo ông Long, mặc dù số bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS tham gia BHYT tăng hơn so với thời gian trước nhưng số lượng không nhỏ vẫn chưa tự nguyện tham gia BHYT.
Trong khi đó, thuốc điều trị ARV chuyển phần lớn sang nguồn cung cấp từ BHYT, điều nay khiến việc kiểm soát bệnh sẽ thêm khó khăn.
Nói về những khó khăn trong mở rộng bao phủ BHYT điều trị HIV/AIDS, bà Nguyễn Minh Tâm, Trưởng phòng Can thiệp dự phòng Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho biết: “Bệnh nhân không muốn dùng BHYT vì lo ngại kỳ thị và phân biệt đối xử.
Bên cạnh đó là cơ chế mua thẻ BHYT cho bệnh nhân ngoại tỉnh không đăng ký thủ tục tạm trú, không có giấy tờ tùy thân và thêm nhóm bệnh nhân không bộc lộ danh tính tại các bệnh viện bộ, ngành…”.
Để phủ rộng BHYT với các bệnh nhân HIV/AIDS trong thời gian tới, đặc biệt tại TP Hồ Chí Minh và Hà Nội, ông Long cho biết, sẽ tư vấn, thuyết phục bệnh nhân về địa phương điều trị; hỗ trợ các bệnh nhân mới điều trị được tham gia BHYT, bệnh nhân không giấy tờ tùy thân có thể thay thế bằng ảnh; tăng cường quản lý thông tin bệnh nhân điều trị ARV kết nối với hệ thống thanh toán của BHYT và kết nối với các cơ sở điều trị HIV/AIDS…
Cùng đó là kiện toàn các cơ sở điều trị HIV/AIDS đủ điều kiện cung cấp dịch vụ KCB BHYT…
Ông Võ Hải Sơn, Trưởng phòng Giám sát và xét nghiệm (Cục Phòng chống HIV/AIDS) cho biết, đến tháng 6 có 139.277 người đang điều trị ARV tại 436 cơ sở điều trị HIV/AIDS thuộc 63 tỉnh, thành phố.
Trong đó, có 134.689 người lớn, 4.588 trẻ em. Số được điều trị chiếm 65% người nhiễm HIV được phát hiện. Hiện nay, căn bệnh này được kiểm soát tốt và không đáng lo ngại.