9 tiểu tiết mà người thường dễ bỏ qua, còn người EQ cao lưu tâm và thành công nhờ áp dụng tốt

Phương Thuý |

Muốn làm việc lớn, đừng quên tiểu tiết. Trong cuộc sống, bạn càng lưu tâm quan sát tỉ mẩn thì càng dễ góp nhặt được những cơ hội tuyệt vời.

Ở nơi làm việc, năng lực là điều kiện cần để thành công, nhưng lại không phải điều kiện duy nhất. Bên cạnh đó, một người cũng phải thể hiện được sự tinh tế của mình. Đây là nhân tố rất quan trọng để quyết định chất lượng các mối quan hệ của bạn.

Sự tinh tế được thể hiện rõ nhất thông qua các tiểu tiết mà người thường dễ bỏ qua, nhưng đôi khi, đó chính là chìa khóa để “ghi điểm”. Nếu muốn cải thiện tình trạng của bản thân, bạn nên bắt đầu lưu tâm những chi tiết này:

1. Dám đứng ra xử lý vấn đề

Có người nói, khi một người dám đứng ra xử lý vấn đề, đó là khoảnh khắc mà họ tỏa sáng trong mắt đám đông xung quanh. Kỳ thực, không phải ai có năng lực cũng dám đứng ra gánh vác, nhưng người có đủ tự tin để gánh vác thì chắc chắn phải có năng lực.

Nếu một người vừa có tài hoa, vừa có tự tin về năng lực của mình thì họ thường có thể làm nên việc lớn. Đương nhiên, không phải lúc nào kết quả nhận về cũng như mong muốn, không phải chặng đường nào cũng thuận lợi như bạn mong chờ. Nhưng với tâm lý dám đương đầu với khó khăn, họ sẽ luôn được người khác đánh giá cao hơn.

9 tiểu tiết mà người thường dễ bỏ qua, còn người EQ cao lưu tâm và thành công nhờ áp dụng tốt - Ảnh 1.

2. Không nói dối, nhưng chưa chắc đã nói toàn bộ sự thật

Nói dối cần vô số lời nói dối để bù đắp, điều này sẽ khiến chúng ta phải lãng phí nhiều tâm trí để bảo vệ lời nói dối ban đầu. Do đó, người EQ thường không nói dối khi gặp vấn đề khó trả lời. Họ thường nói sự thật, nhưng đó chỉ là một phần của sự thật.

Chúng ta không có nghĩa vụ phải kể toàn bộ câu chuyện cho người khác. Người trưởng thành sẽ ngày càng ít nói, khi không biết nói thế nào thì nói càng ít sẽ càng giảm khả năng sai lầm.

3. Không cần phải “dốc hết” những gì trong túi

Trở thành một giáo viên tốt chưa chắc đã là điều khôn ngoan ở nơi làm việc. Việc “dốc lòng” chia sẻ kinh nghiệm của bản thân có thể vô tình biến một người thành kẻ thích “lên mặt dạy đời” trong mắt người khác. Như vậy, ý tốt không được ghi nhận, lại gây phản tác dụng.

Khi ai đó cần sự giúp đỡ của bạn, họ mới là người cần chủ động lên tiếng để đưa ra câu hỏi. Nếu không, nên hạn chế can thiệp dù bạn có lòng tốt.

4. Dù quan hệ thân thiết đến mấy, luôn có một ranh giới không nên vượt qua

Thế giới của người trưởng thành thường tồn tại những sự khác biệt giữa nội tâm và bề ngoài. Trong đời thường, mọi người sẽ vô tình hoặc cố ý ám chỉ về giới hạn của bản thân. Đó là cách để họ tự bảo vệ bản thân, giúp các cuộc xã giao xung quanh diễn ra vui vẻ và thuận lợi hơn. Người có EQ cao thường đủ tinh ý để nhận ra đâu là ranh giới và không bao giờ vượt qua nó.

9 tiểu tiết mà người thường dễ bỏ qua, còn người EQ cao lưu tâm và thành công nhờ áp dụng tốt - Ảnh 2.

5. Giữ cá tính riêng của bạn theo tính chung

Hành xử khác người, bộc lộ sự gay gắt thường không được nhận xét là “cá tính”, mà là người không biết cách giải quyết các mối quan hệ cá nhân. Người trưởng thành có thể kiểm soát mong muốn thể hiện của họ và chọn giữ lại tính cách có lợi nhất cho họ theo tính cách chung. Điều này vừa đủ để họ hòa nhập mà không hòa tan giữa một cộng đồng.

6. Đừng đưa ra quyết định khi bạn đang tức giận

Không chỉ người có EQ cao mà đơn giản là người trưởng thành nói chung đều giỏi kiềm chế cảm xúc của mình. Không nóng vội, không để giận dữ làm mất lý trí mới là bản lĩnh thực sự. Nếu thực sự tức giận, bạn hãy dành thời gian và không gian một mình, tự đánh giá và “tiêu hóa” những cảm xúc của mình. Nếu không thể kiểm soát tốt, bạn rất có thể vô ý hoặc bị lôi kéo đưa ra những quyết định sai lầm.

7. Đồng ý càng chậm càng tốt, từ chối càng nhanh càng tốt

Một số người không đồng ý, cho rằng nên đồng ý thật nhanh và từ chối chậm sẽ tốt hơn. Thực ra, nếu bạn từ chối ai đó vào thời điểm họ vừa nói ra, đối phương đang mang tâm lý 50:50 sẽ dễ chấp nhận thất bại hơn. Nếu bạn đưa ra câu trả lời không rõ ràng, họ có thể nuôi thêm hi vọng một thời gian rồi bất ngờ nhận được lời từ chối, cảm xúc thất vọng sẽ lớn hơn khá nhiều.

Việc đồng ý diễn ra tương tự. Nếu đối phương nhận được lời chấp thuận một cách dễ dàng, họ có thể coi đó là chuyện đương nhiên và không trân trọng lòng tốt của bạn đằng sau. Nhưng nếu để họ thấp thỏm đợi chờ trong vài ngày, đến khi nhận được lời đồng ý, họ sẽ ấn tượng với việc này nhiều hơn. Đồng thời, bạn cũng sẽ có nhiều thời gian hơn để cân nhắc và đưa ra quyết định đúng đắn.

8. Giỏi “nhảy ra khỏi” lựa chọn trước mắt

Chúng ta đã quá quen thuộc với một câu hỏi lựa chọn được đưa ra 4 đáp án A - B - C - D với nhiệm vụ là chọn được 1 đáp án đúng trong số đó. Do đó, người bình thường có xu hướng lựa chọn trong số những đáp án mà người khác đưa ra cho bạn. Ngược lại, người trưởng thành dám tự hỏi bản thân, liệu câu hỏi này có đáp án thứ 5, thậm chí là thứ 6, 7… hay không.

9. Đối xử tử tế với gia đình của họ

Cách để đánh giá phẩm tính của một người nhanh nhất chính là nhìn vào cách họ đối xử với gia đình của mình. Có người đàn ông dữ dằn, cộc cằn ở ngoài xã hội, nhưng khi bước về nhà, họ dành sự dịu dàng nhất cho người thân. Nhiều người thì ngược lại, sẵn sàng lịch sự lễ phép với người lạ, lại bộc lộ hết những thói hư tật xấu cho người nhà. Đó là điều vô cùng dại dột.

*Theo L.A

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại