LTS: Chị Tuyết Phượng một người hiện đang sinh sống và làm việc tại Ý không muốn giới thiệu nhiều về mình mà chỉ giới thiệu là "một người Việt sống rất lâu trên đất Ý". Dù vậy, từng câu văn của chị tràn đầy tình yêu đối với quê hương thứ 2 - một nước Ý đau thương và đang gắng sức vượt qua đại dịch Covid-19 được tạo nên bởi "con quái vật" siêu vi Corona.
Hôm nay giữa đại dịch Covid -19 toàn cầu, tôi ngồi viết những dòng này sau khi đọc rất nhiều thông tin khắp nơi nói về nước Ý.
Tôi mong các bạn hiểu thêm về nước Ý của tôi trong những ngày tháng đang phải chiến đấu với kẻ thù vô hình, nước Ý đã đang hy sinh rất nhiều về tài lực, tiền bạc, nhân lực... để đối đầu với con "quái vật" siêu vi Corona bé xíu này!
Nơi quê nhà có câu "Ở trong chăn mới biết chăn có rận", nếu các bạn không sống ở Ý, các bạn sẽ nhìn những thông tin này theo chiều hướng rất xấu dù trên mạng trong mấy ngày này, không ít người lên tiếng, khen có, chê cũng có.
Khi bạn đọc một thông tin, nếu là một thông tin "xấu" đúng nghĩa của nó (thí dụ những báo hiệu chết chóc, bệnh hoạn...) thì đôi khi bạn viết nhanh quá làm người đọc sẽ có cái nhìn tiêu cực về thông tin đó. Ngược lại khi bạn suy nghĩ sâu hơn và có cái nhìn tích cực thì những thông tin này sẽ không còn "xấu" nữa.
Thông điệp của bức ảnh chụp các bác sĩ, y tá Ý ở bệnh viện với ý nghĩa vừa cảnh báo vừa dặn dò đáng yêu: "Chúng tôi ở bệnh viện vì các bạn - Các bạn ở yên trong nhà vì chúng ta" (Ảnh tác giả cung cấp)
Tôi xin phép phân tích theo ý kiến cá nhân vài điểm sau:
1. Nước Ý bùng dịch mạnh mẽ, con số người chết vượt qua Trung Quốc: Điều này đúng vì bản thân chính phủ Ý luôn báo cáo đầy đủ các con số, thậm chí có một bác sĩ Ý đã lên tivi và nói: "Con số này thật ra chỉ là báo cáo, con số chết thật sự có thể gấp mấy lần vì số người già chết ở nhà, ở nhà dưỡng lão... khi còn chưa kịp đến bệnh viện rất nhiều.
Vậy cho nên chính phủ Ý đã rất minh bạch về những con số, và những con số này ko nhằm để "hù doạ" ai cả, chỉ để nói lên tính nguy hiểm và khả năng phát tán mạnh của virus.
2. Nước Ý với những phương tiện y tế đang thiếu thốn như khẩu trang, quần áo bảo hộ, máy thở, bệnh viện, phòng hồi sức cấp cứu, nhân viên y tế... sao bạn lại nói như chính phủ Ý đang bỏ mặc nhân viên y tế, đã không chuẩn bị tốt?
Vấn đề ở đây là nếu ai có cái nhìn thấu đáo sẽ hiểu là khi CẦU lớn hơn CUNG thì chắc chắn phải chiụ sự cung cấp không đủ. Trong tình trạng đại dịch toàn cầu, các nhà máy sản xuất ở các nước đều ngưng sản xuất, do bị đóng cửa vì dịch bệnh thì nguồn CUNG đã giảm.
Mặt khác, nước nào cũng tự đóng cửa, mạnh ai nấy lo thân vì nếu bạn không dư dả thì bạn không thể giúp người khác được. Nếu bạn đóng cửa biên giới thì hàng hoá, con người chỉ một chỗ, ai ở đâu yên đó, hàng hoá làm sao đến được để mà đủ đầy?
3. Chính phủ Ý đã và đang làm những việc gì?
- Đổ cả hàng trăm tỉ cho vụ dịch này, trưng dụng cả cái hội chợ quốc tế ở vùng Milan để tạo thêm một bệnh viện dã chiến, để có thêm giường bệnh với các phương tiện máy móc chăm sóc hồi sức. Hiện tại ở Ý có hơn 6.000 máy thở đang sử dụng cho bệnh nhân nặng và chính phủ đang đổ tiền mua thêm máy thở.
- Cho những máy bay chuyên cơ quân đội mà mỗi chuyến chỉ chở duy nhất 1 bệnh nhân nằm lồng kính từ thành phố Bergamo, nơi tâm dịch, về miền Trung Ý với đội ngũ 10 nhân viên bao gồm luôn bác sĩ, y tá cho chuyến bay, thậm chí có những bệnh nhân đã chết trong chuyến bay, tiền bạc và nhân lực đổ sông biển cho những ca này.
- Thu nhận hàng trăm tình nguyện viên để tạo đường dây nóng trả lời cho dân những thông tin cần thiết về bệnh, về điều trị, về tự cách ly...
- Đổ tiền cho các gia đình có con nhỏ mướn người giữ trẻ trong thời gian các cháu nhỏ dưới 12tuổi ở nhà, mỗi gia đình 600 euro, nếu là những nhân viên y tế thì được chu cấp 1000 euro.
- Giảm thuế cho các doanh nghiệp ngừng sản xuất, động viên vài hãng xưởng nhỏ đang may khẩu trang, quần áo bảo hộ... cho kịp đáp ứng, kêu gọi dân thực hiện nghiêm ngặt lệnh "Không ra đường" để hạn chế lây lan.
4. Tình trạng thiếu nhân viên y tế khẩn cấp thì chính phủ đã làm gì khi đã có hơn 3.000 nhân viên y tế đang nhiễm bệnh, đang bị cách ly và có nhiều người đã ra đi?
- Tuyển thêm 10.000 nhân viên y tế gồm bác sĩ, y tá, nhân viên y tế.
- Điều cả lực lượng quân y trên toàn quốc để giúp ngành y tế dân sự.
- Kêu gọi các bác sĩ, y tá về hưu trở về giúp đỡ các đồng nghiệp, việc này không hiệu quả lắm vì họ đều là những người lớn tuổi trong diện nguy cơ cao.
- Kêu gọi các sinh viên đang sắp ra trường, sinh viên các năm cuối 4, 5 vào hổ trợ cho các phòng hồi sức cấp cứu ở tâm dịch.
- Chuyển bệnh nhân nặng đến những khu vực còn chưa quá tải để điều trị.
5. Các bạn thấy trên mạng hình ảnh những đoàn xe chở quan tài sắp hàng để đem xác đi thiêu và chôn ở các thành phố kế bên vì nghĩa trang của thành phố Bergamo đã không còn chỗ. Điều này có ý nghĩa gì?
Một người chết rồi, họ có thể thiêu xong cứ trả hủ tro về cho người thân rồi ai muốn làm gì thì làm, tự kiếm chỗ chôn, nếu không có chỗ trong thành phố của mình thì tự kiếm...
Nhưng không! Chính phủ đã lo hết cho người chết ngay cả khi họ chỉ là môt nắm tro, để họ có một chỗ an nghĩ bình yên, đó là một phong tục của người Ý, nói theo tiếng bên quê nhà là "mồ yên mả đẹp", vừa đỡ phần bận tâm cho người nhà, vừa có trật tự vệ sinh.
6. Tin đồn về "lựa chọn bệnh nhân" là "vô nhân đạo": Có bài viết nói ở Ý, các bác sĩ lựa chọn bệnh nhân để cứu và chỉ dừng ở đây để nói lên rằng đây là một hành động "vô nhân đạo":
Các bác sĩ khi ra trường ở tất cả các nước trong đó có Ý, đều phải đứng ra thề trước ông tổ ngành Y Hippocrates, lời thề đó như là một tâm nguyện cả đời cho những người mặc áo trắng.
Đứng giữa sinh tử, đứng giữa sự lựa chọn giữa những ai cần "được sống" và cần phải "ra đi", khi mà bạn chỉ có một máy thở duy nhất để cứu sống một trong hai bệnh nhân, khi mà bạn chỉ có đủ thời gian để dồn tâm sức cứu một trong hai người?
Nếu đặt mình vào họ để hiểu họ, bạn sẽ thấy rằng sự lựa chọn này không dễ dàng chút nào, đôi khi còn là nỗi ám ảnh đau lòng suốt đời cho người bác sĩ.
Khi bạn là công dân Ý bạn có mọi quyền bình đẳng như nhau, bạn được điều trị không tốn một đồng xu nào nếu bạn bị nhiễm Corona.
Sự bình đẳng này được thể hiện không phụ thuộc vào việc bạn là VIP hay dân thường, bạn giàu hay nghèo, bạn thất nghiệp hay có việc làm, bạn quen biết hay ko quen biết bác sĩ, chỉ cần bạn là một con người, mạng sống của bạn luôn được quý trọng ở Ý!
7. Có bạn hỏi tôi tại sao nước Ý chết nhiều vậy? Nước Ý là một nước có dân số già, 1/3 dân là người già trên 67 tuổi đã nghỉ hưu, mà người lớn tuổi thì hết 9/10 người là có những bệnh nền mãn tính bên dưới.
Covid-19 thì lại "thích" tấn công mạnh những người miễn dịch kém. Một nước có dân số già nhiều chứng tỏ hai điều, một là đời sống tốt, y tế tốt nên người già sống thọ, hai là kinh tế yếu nên người trẻ sợ sinh con, nước Ý có cả hai điều này.
8. Tại sao nước Ý lây lan nhiều và nhanh như vậy?
Điều này có nhiều người viết và tôi cũng đồng ý như:
- Nước Ý là nước có nhiều du khách và nhất là du khách Trung Quốc, có người Trung Quốc di dân qua Ý và dân Ý qua Trung Quốc làm việc cũng nhiều sau khi cả 2 nước có bang giao kinh tế.
- Nước Ý có tục ôm hôn nhau trên 2 má. Cho tới ngày trước khi bùng dịch thì họ vẫn ôm hôn. Sau khi bùng dịch thì việc này không còn nữa vì ai cũng sợ.
- Nước Ý chủ quan, một phần đúng vì dân Ý không quen đeo khẩu trang, họ nghĩ ai bệnh mới đeo, mình đeo thì người khác nghĩ mình bệnh... một phần sai là vì khẩu trang ko đủ cung cấp cho mọi người, đây là tình trạng chung của các nước.
Dân Ý chủ quan vì vẫn tiếp tục ra đường để bị lây nhiễm thì cũng đúng, điều này một phần là do người dân quen với sự tự do.
Chính phủ kêu gọi ý thức của người dân và họ vẫn đang tiếp tục kêu gọi, dĩ nhiên vì có nhiều người còn chưa chấp hành nên khi ra đường nếu bạn không có lý do chính đáng thì sẽ bị xử phạt hành chánh lúc đầu là 206 euro sau đó tăng lên từ 400 euro đến 3.000 euro, nếu bạn không có tiền thì phạt 3 tháng tù, nếu bạn là người đang nhiễm virus hay bị cách ly mà ra đường thì mức phạt từ 500 euro đến 5.000 euro, mức phạt tù có thể từ 1 đến 5 năm, vì ở đâu cũng có những người thiếu ý thức tự giác, nên phải dùng tới biện pháp xử phạt nặng.
9. Tại sao tôi yêu một nước Ý đang gồng mình vượt qua dịch bệnh?
- Ở Ý có đội ngũ tình nguyện viên đông đảo của những người trẻ và có cả những người ở tuổi hưu với nguy cơ tử vong cao nếu họ nhiễm bệnh. Những nhân viên tình nguyện này vẫn tiếp tục làm việc ở vùng tâm dịch và ở khắp nơi trên đất nước Ý và họ không được trả tiền, nhưng họ vẫn tận tâm với công việc dù có người đã ra đi vì nhiễm bệnh.
Ngoài ra đội ngũ nhân viện y tế gồm các bác sĩ, y tá, hộ lý,.. vẫn tiếp tục làm việc, họ tự cách ly với thân nhân, với con cái, họ làm việc liên tục, quá giờ, có khi mỏi mệt gục ngã ngay trên bàn làm việc.
Đây là những tấm lòng rất nhân ái, những tấm gương đáng khâm phục của ngành y tế Ý và công dân Ý trong đại dịch.
- Tôi phải thêm một điều là các học sinh lớp 1 đến các sinh viên đại học đã nghỉ học vì trường đóng cửa từ giữa tháng hai và có thể kéo dài các tháng tới đây, các cháu vẫn đang theo học online với các giáo viên, giảng viên đại học để không mất chương trình sau gần hai tháng ở nhà, kể cả vài sinh viên đã trình luận án tốt nghiệp cho hội đồng giáo sư qua online để tốt nghiệp.
- Nước Ý đang bùng dịch rất mạnh, số ca chết rất nhiều, rất nhanh... nhưng dân Ý vẫn tin tưởng và sát cánh cùng chính phủ, cùng ngành y tế, và dân Ý rất biết ơn những nhân viên y tế đang làm việc hết mình để bảo vệ mạng sống của họ, của người thân họ.
Tôi viết bài này với mục đích để các bạn hiểu thêm về tình trạng thực tế ở Ý, những gì chính phủ Ý đang lo cho dân mình, nền y tế Ý như vậy theo tôi là nhân đạo và vì dân!
Tôi mong các bạn đừng so sánh những việc chính phủ Ý làm với những nước khác vì tôi đang chỉ giải thích những thông tin sai lệch về Ý trong những ngày qua thôi, góp lên một tiếng nói ra thế giới của một người dân ở một đất nước đang bùng dịch mạnh mẽ với tỉ lệ chết cao.
Trước khi dừng, tôi xin chúc tất cả mọi người ở khắp nơi trên thế giới bình an vượt qua đại dịch trong đó có người dân Ý nơi tôi đang sống.