Làm việc trên giường không phải ý tưởng hay nếu bạn muốn có giấc ngủ ngon.
Giấc ngủ ngon và chất lượng ảnh hưởng đến nhiều khía cạnh trong cuộc sống - tâm trạng, cân nặng, hệ thống miễn dịch và hơn thế nữa.
Nhưng đối với nhiều người, có được một giấc ngủ ngon là một thách thức. Theo một cuộc khảo sát của Hội đồng Giấc ngủ Ngon (Mỹ) vào tháng 3, chưa đến một nửa số người trưởng thành ở Mỹ (49%) ngủ từ 7 đến 8 tiếng mỗi đêm.
Một số thói quen trước khi ngủ có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ của bạn. Tờ HuffPost đã phỏng vấn các chuyên gia về giấc ngủ xem đâu là những điều họ không làm trước khi ngủ.
Đọc tin tức
"Mặc dù ban đêm có vẻ là thời điểm lý tưởng để xem thông tin mới nhất về COVID-19, nhưng chúng ta nên cố gắng tránh những điều có thể gây lo lắng trước khi ngủ. Thật không may, ngày nay tin tức tràn ngập những điều có thể gây ra lo lắng và những cảm xúc không mong muốn mà bạn muốn tránh nếu muốn có giấc ngủ ngon", Raj Dasgupta, phó giáo sư y học lâm sàng tại Trường Y khoa Keck, Đại học Nam California (Mỹ), nói với HuffPost.
"Tin tức, bằng một cách nào đó, có thể khiến mọi người thức khuya giống như phim kinh dị. Hình ảnh và thông tin liên quan đến bạo lực hoặc sợ hãi kích thích tâm trí của bạn, ngăn cản bạn chuyển sang giấc ngủ một cách suôn sẻ".
Giấc ngủ ngon và chất lượng ảnh hưởng đến nhiều khía cạnh trong cuộc sống - tâm trạng, cân nặng, hệ thống miễn dịch và hơn thế nữa.
Làm việc trên giường
"Trong đại dịch COVID-19, nhiều người làm việc tại nhà, và khi đó, nhà trở thành văn phòng. Tuy nhiên, bằng mọi giá, bạn nên tránh làm việc trên giường. Hãy để não duy trì suy nghĩ rằng giường chỉ dành cho hai việc - ngủ và tình dục", Ruchir P. Patel, giám đốc y tế của Viện Giấc ngủ và Mất ngủ Arizona (Mỹ), nói với HuffPost.
"Khi bạn thực hiện ngày càng nhiều các hoạt động kích thích tinh thần trên giường, não từ từ hình thành mối liên hệ tâm lý - coi giường là nơi để thức hơn là ngủ. Điều này có thể khiến mọi người mất ngủ. Ngôi nhà vốn đã là văn phòng, vì vậy, trong thời điểm khó khăn này, hãy giữ giường là nơi để thư giãn, thoát khỏi công việc và ngủ".
Tập luyện
"Tập thể dục vào buổi sáng hoặc vào ban ngày có thể giúp cải thiện các triệu chứng mất ngủ vào ban đêm, nhưng tập thể dục vào cuối ngày có thể phản tác dụng. Nhiều người cố gắng tập thể dục vào ban đêm với mục đích ‘xả hơi’, nhưng lại vô tình khiến bản thân khó đi vào giấc ngủ hơn", Stacey Gunn, bác sĩ giấc ngủ tại Viện Giấc ngủ và Mất ngủ Arizona, chia sẻ.
Một số thói quen trước khi ngủ có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ của bạn.
Tranh luận căng thẳng
"Cố gắng hết sức để tránh một cuộc tranh luận căng thẳng với người ấy trước khi ngủ. Đừng bao giờ đi ngủ với tâm trạng tức giận, nếu không cảm giác tồi tệ sẽ biến thành oán hận. Có nghiên cứu ủng hộ quan điểm cho rằng những ký ức cảm xúc tiêu cực khó bị đảo ngược hơn sau một đêm ngủ", theo phó giáo sư Dasgupta.
"Thêm vào đó, sự tức giận là một điểm trừ rất lớn. Nếu bạn tức giận thường xuyên, nó sẽ tạo ra một khuôn mẫu và làm mất đi những cơ hội để gần gũi tình dục. Tranh cãi dẫn đến phản ứng căng thẳng, điều này hoàn toàn ngược lại với những gì bạn muốn nếu bạn đang cố gắng chìm vào giấc ngủ. Điều quan trọng là tạo ra một môi trường yên bình để bạn và đối tác có giấc ngủ ngon. Thay vì cãi nhau, hãy xích lại gần nhau và xem "Love Actually", một trong những bộ phim yêu thích của tôi".
Uống caffein
"Tránh uống bất kỳ đồ uống có chứa caffein nào sau 2 giờ chiều. Đồ uống có chứa caffein - bao gồm cà phê, soda, trà đá, nước tăng lực - hoạt động như một chất kích thích", theo Anupama Ramalingam, bác sĩ giấc ngủ tại Viện Giấc ngủ và Mất ngủ Arizona.
Uống rượu
"Một số người uống rượu buổi tối vì nó giúp họ dễ ngủ hơn vào đầu đêm. Nhưng tôi khuyên bạn không nên làm như vậy vì nó khiến kiến trúc giấc ngủ bị phá vỡ sau đó, dẫn đến chất lượng giấc ngủ kém. Nếu tôi uống một ly vào buổi tối, tôi cố gắng tránh xa giờ đi ngủ và để cồn có cơ hội đào thải ra khỏi cơ thể trước khi ngủ", bác sĩ Gunn nói.
Uống rượu trước khi ngủ có thể giảm chất lượng giấc ngủ
Dùng thiết bị điện tử
"Trong khoa học về giấc ngủ và sinh học, chúng tôi sử dụng thuật ngữ zeitgeber để mô tả các tín hiệu về môi trường giúp chúng ta tham gia vào chu kỳ 24 giờ. Ánh sáng là zeitgeber mạnh nhất báo hiệu cho não bộ tỉnh táo. Tiếp xúc lâu với ánh sáng có độ sáng cao quanh giờ đi ngủ khiến chúng ta tỉnh táo và giảm thời lượng ngủ, theo Anita Shelgikar, phó giáo sư lâm sàng thần kinh học và giám đốc chương trình nghiên cứu sinh về y học giấc ngủ tại Đại học Michigan (Mỹ).
"Tiếp xúc với ánh sáng vào ban đêm cũng ngăn chặn quá trình sản xuất melatonin tự nhiên của não, một loại hormone được tiết ra để đáp ứng với bóng tối và giúp chúng ta đi vào giấc ngủ".
Bật đèn quá sáng
Như đã nói ở trên, "tiếp xúc với ánh sáng có độ sáng cao ức chế bài tiết melatonin. Thêm vào đó, sự thay đổi nhịp sinh học (hoặc chu kỳ ngủ-thức hằng ngày) do tiếp xúc với ánh sáng vào ban đêm có thể góp phần gây ra bệnh tim mạch và bệnh chuyển hóa. Hãy giảm độ sáng của đèn trong nhà trước khi ngủ vài giờ", theo William J. Healy, phó giáo sư y khoa kiêm giám đốc cải thiện chất lượng giấc ngủ tại Đại học Augusta (Mỹ).
Thức quá lâu trên giường
"Nhiều bệnh nhân của chúng tôi muốn ngủ 10 tiếng nhưng thực tế chỉ ngủ được từ 6 đến 8 tiếng. Đừng dành nhiều thời gian trên giường hơn mức bạn thực sự cần. Tất cả thời gian thức trên giường khiến não bộ bắt đầu hình thành suy nghĩ rằng giường là nơi để thức và cũng là nơi ngủ. Nhưng điều này có thể dẫn đến gián đoạn giấc ngủ, do đó gây chất lượng giấc ngủ kém", giám đốc y tế của Viện Giấc ngủ và Mất ngủ Arizona, ông Patel, nói.
(Nguồn: HuffPost)
*Đọc thêm bài viết của tác giả Trà My tại đây!