Đây cũng là lúc một số người chuyển qua các lựa chọn mua hàng xách tay, hàng tân trang hoặc hàng đã sử dụng ở các kênh rao vặt hoặc cửa hàng nhỏ lẻ để giảm chi phí mua sắm.
Nhưng trước khi bỏ ra số tiền không nhỏ để sở hữu chúng, bạn cần tham khảo thêm các kiến thức để phân biệt hàng giả từ nhiều nguồn.
Bài viết này được tham khảo từ trang Coorent để liệt kê một số mẹo nhỏ để phát hiện hàng giả hoặc hàng bị mông má lại thường được một số cửa hàng cố tình trà trộn vào để lừa gạt người mua nhẹ dạ và thiếu hiểu biết:
1. Bao bì sản phẩm
Tuy không phải là căn cứ duy nhất nhưng phải luôn chú ý tới bao bì và đóng gói của mặt hàng, nhất là khi bạn đặt mua chúng qua các kênh mua bán trực tuyến như Lazada, Shopee, Tiki,...
Hàng thật thường được đóng gói ở mức cơ bản nhưng chỉn chu, không có sự thiếu nhất quán ở bao bì hay vật liệu. Trong khi hàng giả thường được đóng gói cẩu thả và trông "dại" hơn.
Phông chữ ở mặt sau sản phẩm cũng rất quan trọng. Bạn cần kiểm tra độ sắc nét, rõ ràng và tính nhất quán của chúng, kể cả màu mực in. Sản phẩm thật thường được in sắc nét và có sự tương phản dễ chịu.
2. Khi mở hộp
Sản phẩm giả vẫn có thể được đựng trong những chiếc hộp trông như hàng xịn. Nhưng có một thứ để kiểm tra xuất xứ là ngôn ngữ chữ viết trong đó, thường là ngôn ngữ của nơi sản phẩm được phân phối.
Một ví dụ để nhận thấy hàng giả nữa là việc đóng gói sản phẩm ở trong hộp – chẳng hạn như iPhone.
Nếu bạn khui hộp một chiếc iPhone mới và thấy nó được bọc trong túi nhựa như ảnh minh họa trên đây thì chắc chắn đây là hàng đã được mông má và đóng gói lại, không nên phí tiền cho những chiếc iPhone "fullbox" kiểu này.
3. Hướng dẫn sử dụng
Như đã đề cập ở bước thứ 2, các tài liệu hướng dẫn sử dụng đi kèm sản phẩm là một kênh tham khảo về xuất xứ hàng hóa.
Phiên bản quốc tế thường dùng sách hướng dẫn tiếng Anh, trong khi các bản nội địa thường dùng ngôn ngữ bản địa
Ví dụ: Nếu bạn mua điện thoại iPhone hay Samsung được phân phối chính hãng ở Việt Nam thì chắc chắn nó sẽ có tài liệu hướng dẫn bằng tiếng Việt đi kèm, nếu không thì có lẽ sản phẩm đó cần được đặt dấu hỏi về nguồn gốc xuất xứ và có nhiều nguy cơ sản phẩm của bạn sẽ không phải là hàng chính hãng.
4. Chất liệu sản phẩm
Các thương hiệu hàng đầu thường chú trọng tới chất liệu của sản phẩm, các chi tiết gia công thường mịn màng và hoàn mỹ. Bạn nên quan tâm tới chúng khi tìm mua hàng cũ từ các kênh rao vặt như Chotot, Nhattao hay ở các cửa hàng cũng như kênh mua bán trực tuyến.
Hàng giả thường ít quan tâm tới phụ kiện nên điểm dễ nhận thấy nhất là các đường cắt/bavia trên phụ kiện đi kèm như củ sạc và dây cáp, hàng thật thường được gia công gọn và mịn, không bị lộ các đường cắt bavia như trên hàng giả.
Tất nhiên cũng phải thừa nhận rằng gần đây các hãng điện thoại giá rẻ Trung Quốc đã đạt tới trình độ gia công rất cao, tiệm cận với các ông lớn di động nên đây chỉ là một kênh mang tính tham khảo.
5. Phông chữ
Có thể bạn ít để ý tới phông chữ nhưng ở hàng thật các tên thương hiệu hoặc tên sản phẩm thường sử dụng phông chữ nhận diện riêng, rất đặc trưng. Hàng giả thường đánh máy qua loa và dùng một phông chữ thông thường.
Bất kỳ sự thay đổi về màu sắc hay kích cỡ nào cũng không nên bỏ qua, vì các sản phẩm xịn không bao giờ thay đổi chi tiết nào về nhận diện và thiết kế nếu không có thông báo công khai.
6. Củ sạc
Như đã đề cập ở phần 4, các phụ kiện đi kèm và đặc biệt là củ sạc của hàng xịn thường được chăm chút kỹ lưỡng, khác với hàng fake. Các sản phẩm giả thường sử dụng các nguồn phụ kiện gia công cẩu thả vì vấn đề chi phí, nên các chi tiết trên củ sạc hay dây cáp của chúng không đủ tinh xảo.
Bạn cần lưu ý chữ viết trên củ sạc nữa. Trong ví dụ này bạn có thể thấy logo bị đặt lệch và các ký hiệu không có trong củ sạc xịn. Tuy nhiên sẽ khó mà phân biệt nếu bạn không có sẵn một củ sạc xịn để đối chiếu, nhưng bạn có thể kiểm tra xuất xứ của sản phẩm.
7. Dây cáp
Trừ khi các hãng có thông báo chính thức, còn lại họ sẽ không có bất kỳ thay đổi nào về kiểu dáng và thiết kế của dây cáp đi kèm sản phẩm.
Do vậy bạn cần chú ý về kích thước và màu sắc đặc trưng của thương hiệu bạn đang dùng. Hàng fake thường cố gắng bắt chước nhưng luôn có sai sót...
8. Các đường cắt
Nếu có dịp so sánh một chiếc iPhone 6 giả và một chiếc iPhone 6 thật, bạn sẽ thấy rõ sự khác biệt ở các đường cắt vát kim cương trên sản phẩm.
Ở chiếc iPhone thật (chiếc nằm phía trên), các đường cắt vát rất mượt và liên tục, trong khi hàng fake bị lởm khởm một vài chỗ và lúc mỏng lúc dày.
9. Màn hình
Một số người dùng cho biết ánh sáng phản ra từ camera ở chiếc iPhone fake (bên phải) nhìn lộ rõ hơn và khi bật màn hình thời gian phản ứng của hàng giả cũng chậm hơn.
Nhưng đó là trong ví dụ cụ thể với chiếc iPhone giả này, nhưng trong nhiều trường hợp hàng dựng được giả mạo tinh vi dựa trên hàng thật nên bạn sẽ không thấy các đặc điểm đó. Lúc này chỉ có thể dựa vào chất lượng màn hình hoặc các chi tiết đã nêu từ đầu bài để phân biệt.
Trên đây chỉ là một vài mẹo nhỏ để giúp bạn phân biệt hàng giả khi mua điện thoại qua các kênh online, hàng xách tay, hàng tân trang hay hàng đã qua sử dụng.
Bạn vẫn cần kiểm tra thêm phần cứng và trải nghiệm thực tế với sản phẩm trước khi bỏ tiền ra để sở hữu chúng, tránh "tiền mất tật mang". Nếu bạn có thêm kinh nghiệm mua sắm điện thoại, hãy chia sẻ với VnReview qua phần bình luận dưới đây.