BVĐK tỉnh Hòa Bình không phải chịu trách nhiệm hình sự
Sáng nay, tại phiên tòa xét xử vụ sự cố y khoa làm 9 người chết sau khi chạy thận tại BVĐK tỉnh Hòa Bình ngày 29/5/2017, trả lời các câu hỏi của luật sư về trách nhiệm của BVĐK tỉnh Hòa Bình, luật sư Nguyễn Danh Huế (bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của BVĐK tỉnh Hòa Bình) khẳng định theo quy định của pháp luật, pháp nhân không phải chịu trách nhiệm hình sự, mà BVĐK tỉnh Hòa Bình là một pháp nhân.
“Theo Bộ luật Hình sự năm 1999, pháp nhân không phải chịu trách nhiệm hình sự. BVĐK tỉnh Hòa Bình đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng để cung cấp các thông tin, hồ sơ, tài liệu phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử được khách quan, đúng pháp luật... Vấn đề trách nhiệm dân sự, bệnh viện sẽ tuân thủ đúng các phán quyết của Hội đồng xét xử”, luật sư Nguyễn Danh Huế nói.
Trước đó, trả lời câu hỏi của luật sư Ngô Thị Thu Hằng (bào chữa cho bị cáo Hoàng Công Lương), ông Đinh Tiến Công, Điều - dưỡng trưởng Khoa Hồi sức tích cực (BVĐK tỉnh Hòa Bình) tỏ ra lúng túng khi bị luật sư truy trách nhiệm.Ai phân công BS Lương phụ trách đơn nguyên Thận nhân tạo?
Ông Đinh Tiến Công là người trực tiếp ghi biên bản cuộc họp tổng kết cuối năm 2015 và các biên bản giao ban của khoa Hồi sức tích cực. Ông Công cho biết mình chỉ ghi chép về nội dung chuyên môn.
Dưới đây một phần cuộc xét hỏi của luật sư Ngô Thị Thu Hằng và ông Đinh Tiến Công:
Luật sư Hằng: Ông có cam kết chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung đã ghi chép?
Ông Đinh Tiến Công: Tôi chỉ là người tổng hợp lại nội dung cuộc họp.
Luật sư Hằng: Ông có cam kết nội dung là chính xác?
Ông Đinh Tiến Công: Tôi chỉ ghi những gì diễn ra, tôi không rõ với cơ quan điều tra thì nó (biên bản cuộc họp – PV) có quan trọng hay không. Tôi chỉ là người tập hợp lại nội dung của những cuộc họp giao ban và họp tổng kết cuối năm 2015 vào ngày 26/12/2015.
Luật sư Hằng: Ông trả lời rõ, ông có cam kết chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung mình đã ghi chép?
Ông Đinh Tiến Công: Tôi đã ghi chép đúng với những gì diễn ra.
Trong khi đó, trả lời luật sư Hằng, điều dưỡng viên Nguyễn Thị Hậu cho biết, tại cuộc họp của khoa 26/12/2015, Hậu không được nghe đến việc bác sỹ Hoàng Đình Khiếu phân công nhiệm vụ cho bác sỹ Hoàng Công Lương phụ trách đơn nguyên Thận nhân tạo .
Cũng theo điều dưỡng Hậu, vào thời điểm sáng sớm ngày 29/5/2017 (ngày xảy ra sự cố y khoa làm 9 người chết), điều dưỡng Hậu có được nghe điều dưỡng Đỗ Thị Điệp thông báo hệ thống lọc RO số 2 đã sửa chữa xong và có thể đưa vào sử dụng.
Điều dưỡng Hậu là người bật công tắc hệ thống sau khi được điều dưỡng Điệp thông báo về tình trạng hệ thống lọc RO số 2. Ngoài đồng hồ đo độ dẫn điện, điều dưỡng Hậu cho biết, không có căn cứ nào khác để khẳng định hệ thống nước RO đã an toàn để thực hiện việc chạy thận cho bệnh nhân.
“Khi bật hệ thống nước, tôi có quan sát đồng hồ trong giới hạn an toàn, đủ điều kiện cho việc lọc máu chạy thận”, điều dưỡng Hậu nói.
Trong khi đó, bị cáo Bùi Mạnh Quốc (Giám đốc Công ty TNHH Xử lý nước Trâm Anh, người trực tiếp dùng hóa chất axit flohydric – HF trong việc sục rửa vỏ màng lọc RO ) cho biết, sau khi xảy ra sự cố, đại diện hãng máy dùng thiết bị cầm tay kiểm tra chỉ số đồng hồ, và sau khi cơ quan điều tra cho biết thì bị cáo mới biết đồng hồ hiển thị sai.
“Trước khi sửa chữa, chỉ số hiện trên đồng hồ tầm 8.0-9.0, sau sửa chữa báo 8.68-8.86”, Quốc trình bày.
Bùi Mạnh Quốc cũng thừa nhận mình không có bằng cấp gì mà chỉ làm theo kinh nghiệm được… truyền miệng. Bị cáo cũng đã được tập huấn về việc sử dụng hóa chất và được biết HF là axit mạnh.
Tuy nhiên, khi luật sư Hằng hỏi axit này có phân ly trong nước hay không, bị cáo trả lời “không nắm rõ”.
Bà Hằng cũng cho biết đã tìm hiểu kỹ và được biết HF là axit yếu chứ không phải là loại axit mạnh như bị cáo vừa khai.
Trong phiên xét xử sáng nay, ông Hoàng Công Tình - bác sỹ phụ trách chung khoa Hồi sức tích cực và đơn nguyên Hồi sức cấp cứu cho biết mình không nhớ danh mục các hóa chất bị cấm sử dụng trong y tế. Tuy nhiên, ông Tình khẳng định axit HF không có trong danh mục hóa chất được sử được sử dụng trong y tế của Bộ Y tế, do vậy không có quy định phải xét nghiệm AAMI.
“Những hóa chất nào được phép sử dụng thì mới có danh mục, còn những hóa chất không được phép sử dụng thì không được phép dùng”, ông Hoàng Công Tình trả lời.