800 kg Uranium làm giàu: Iran gần với quả bom nguyên tử đầu tiên như thế nào?

DK |

Nếu Iran đứng vững trước các "sóng gió" và sở hữu vũ khí hạt nhân, nguyên nhân đẩy nhanh quá trình này rõ ràng là do các quyết định của ông Trump.

Iran đã có 800 kg uranium, nếu quả bom nguyên tử thành hình, công đầu của ông Trump?

Ngày 23/12/2019, hãng tin TASS dẫn tuyên bố của người đứng đầu Tổ chức Năng lượng nguyên tử Iran Ali Akbar Salehi cho biết các kho dự trữ uranium đã làm giàu của Iran đã đạt 800 kg.

"Chúng tôi đã có hơn 800 kg uranium đã làm giàu. Hàng tháng chúng tôi sản xuất 200 kg uranium và trong 9 tháng tới, chúng tôi sẽ có 2 tấn".

Ông Salehi bổ sung "còn quá sớm để nói về các bước tiến mới của Iran (giảm cam kết đối với thỏa thuận hạt nhân 2015). Đó là trách nhiệm của Tổng thống Rouhani và ông vẫn chưa đưa ra tuyên bố".

Theo thỏa thuận hạt nhân năm 2015, Iran cam kết không làm giàu uranium trên mức 3,67% trong vòng 15 năm và duy trì kho dự trữ uranium đã làm giàu ở mức không quá 300 kg, không xây dựng các lò phản ứng nước nặng mới và không phát triển vũ khí hạt nhân.

Khi Tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2018 và áp dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Tehran, ông đã biện minh rằng thỏa thuận không vĩnh viễn ngăn chặn Iran có được vũ khí hạt nhân.

Tuy nhiên, thay vì nhượng bộ trước áp lực của ông Trump, Iran đang từng bước rút khỏi thỏa thuận hạt nhân. Vào tháng 5/2019, Iran đã thực hiện bước đầu tiên trong việc rút khỏi các cam kết của thỏa thuận bằng cách tạm dừng việc bán uranium đã làm giàu trong 60 ngày.

800 kg Uranium làm giàu: Iran gần với quả bom nguyên tử đầu tiên như thế nào? - Ảnh 1.

Iran hiện không có các phương tiện phóng vũ khí hạt nhân ở tầm xa, nó khiến việc sở hữu vũ khí hạt nhân cơ bản (bom nguyên tử) sẽ không hiệu quả ở tầm chiến lược.

Vào ngày 7/7/2019, Teheran đã tiến hành giai đoạn 2 giảm cam kết và tuyên bố đã vượt quá mức độ làm giàu 3,67%. Vào ngày 6/11/2019, Tổng thống Iran Hassan Rouhani tuyên bố khởi động các máy ly tâm tại cơ sở làm giàu uranium Fordow.

Mặc dù bảo vệ các hành động liên quan tới thỏa thuận hạt nhân,TT Mỹ Donald Trump và chính quyền của ông không tập trung vào chương trình hạt nhân của Iran mà là các vụ thử tên lửa và hành động hỗ trợ các nhóm vũ trang ở Trung Đông.

Nếu mục tiêu thực sự là hạn chế chương trình hạt nhân của Iran, thì trừng phạt kinh tế rõ ràng là không đủ, nhưng nếu mục tiêu là thay đổi chế độ (như nhiều người nghi ngờ) thì có vẻ như nó đã ảnh hưởng khá lớn đến xã hội Iran.

Tuy nhiên, nếu Cộng hòa Hồi giáo Iran đứng vững trước các "sóng gió" trong nước và sở hữu vũ khí hạt nhân (một cách bí mật hoặc công khai), nguyên nhân đẩy nhanh quá trình này rõ ràng là do các quyết định của ông Trump.

Nhà phân tích Guy Birchall của tờ The Sun:

"Iran có thể sở hữu quả bom hạt nhân đầu tiên trong vòng một năm và họ đang chế nhạo ông Trump về việc có thể làm giàu uranium nhanh gấp 50 lần".

Một phóng sự về cơ sở làm giàu hạt nhân Fordow của Iran.

Quân đội Iran có cần tới vũ khí hạt nhân hay không?

Để trả lời được câu hỏi rằng Iran có đang theo đuổi chương trình vũ khí hạt nhân hay không và quân đội nước này có cần tới bom nguyên tử hay không, chúng ta phải trả lời một loạt các câu hỏi.

Sở hữu vũ khí hạt nhân sẽ ảnh hưởng đến lợi ích và chiến lược của Iran? Iran có khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân chống lại các hoàng gia Arab hay Israel hay không? Và cuối cùng là vũ khí hạt nhân của Iran có thể lọt vào tay các nhóm vũ trang ở Trung Đông hay không?

Iran luôn tìm cách làm suy yếu những gì mà họ cho là "trật tự do Mỹ thống trị ở Trung Đông" và để ngăn chặn một cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ hoặc Israel, nhưng quốc gia này không có tham vọng mở rộng lãnh thổ hay xâm chiếm, chinh phục hoặc chiếm đóng các quốc gia khác.

Vũ khí hạt nhân không có khả năng thay đổi những điều trên ngoại trừ việc củng cố khả năng "răn đe" của Iran, mà để làm việc này, hàng chục nghìn tên lửa đạn đạo đã là quá đủ.

800 kg Uranium làm giàu: Iran gần với quả bom nguyên tử đầu tiên như thế nào? - Ảnh 5.

Kho tên lửa đạn đạo của Iran là thứ vũ khí răn đe chủ chốt, chúng khiến bất kỳ đối thủ nào cũng phải cân nhắc trước một cuộc tấn công vào lãnh thổ quốc gia này.

Ý thức hệ Cách mạng Hồi giáo của Iran sẽ không phải là lý do then chốt cho việc theo đuổi vũ khí hạt nhân, chính địa chính trị trong khu vực và tình hình chính trị, quân sự và kinh tế trong nước sẽ có ảnh hưởng lớn hơn đến quyết định đó.

Rất ít khả năng một Cộng hòa Hồi giáo Iran vũ trang hạt nhân sẽ sử dụng chúng nhằm vào một vương quốc Hồi giáo khác hoặc Israel, vì ưu thế quân sự và hạt nhân áp đảo của đối phương (và của Mỹ) sẽ khiến Iran phải "trả giá đắt".

Hơn thế nữa, các thành phần đa số của giới tinh hoa chính trị Iran không đặt niềm tin vào vũ khí hạt nhân và sẽ không có tác động nhiều đến quyết định sở hữu vũ khí hạt nhân của Iran.

Cuối cùng, chính phủ Iran hiện không sử dụng các nhóm vũ trang trong khu vực để truyền bá ý thức hệ. Thay vào đó, sự hỗ trợ của Iran cho các nhóm vũ trang "đầy tính toán" giữa chi phí và lợi ích, với mục đích cuối cùng là duy trì sự "răn đe" và mở rộng ảnh hưởng ở Trung Đông.

Một cuộc chiến hạt nhân vô tình hoặc cố tình giữa Israel và các nhóm vũ trang thân Iran là một viễn cảnh nguy hiểm, nhưng không có nhiều bằng chứng cho thấy các nhóm vũ trang này có thể dễ dàng tiếp cận với vũ khí hạt nhân của Iran, ngay cả khi chính thể này sụp đổ.

Vụ thử nghiệm kích nổ đầu đạn hạt nhân trên không năm 1962 của Mỹ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại