Hệ thống miễn dịch là cơ chế bảo vệ tự nhiên của cơ thể, từ đó giúp chống lại bệnh tật do vi khuẩn, virus, nấm và độc tố gây ra. Hệ thống miễn dịch được tạo thành từ các mô cơ quan, tế bào và protein, chúng phối hợp với nhau để tiêu diệt các tác nhân gây bệnh xâm nhập vào cơ thể.
Hệ miễn dịch có thể bị suy giảm bởi các thói quen kém lành mạnh mà chúng ta làm hàng ngày. Đặc biệt, trong mùa đông, khi thời tiết thay đổi thất thường, nhiệt độ giảm sâu, nếu bạn tiếp tục thực hiện các thói quen không lành mạnh và khiến hệ miễn dịch suy giảm, bạn sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
Theo đó, trang tin tức The Sun, Anh đã liệt kê 8 thói quen có thể âm thầm ‘hủy hoại’ hệ miễn dịch của cơ thể. Nếu bạn đang mắc phải 1 trong 8 thói quen này, hãy thay đổi ngay để hạn chế nguy cơ mắc bệnh.
8 thói quen âm thầm ‘hủy hoại’ hệ miễn dịch
1. Ngủ không đủ giấc
Chất lượng giấc ngủ là nền tảng của một sức khỏe tốt, vì vậy việc ngủ không đủ giấc có thể gây ra một số ảnh hưởng tới cơ thể, trong đó có cả hệ thống miễn dịch.
Cơ thể chỉ giải phóng các protein có tên cytokine (giúp tăng cường hoạt động của tế bào miễn dịch) trong khi ngủ. Do đó, chất lượng giấc ngủ kém, ngủ không đủ giấc có thể khiến hệ miễn dịch suy giảm, khiến các loại virus, vi khuẩn dễ dàng tấn công cơ thể, từ đó làm tăng nguy cơ mắc bệnh và khiến cơ thể chậm phục hồi hơn khi mắc bệnh.
Ảnh minh họa.
2. Thường xuyên căng thẳng, lo lắng
Theo trang tin sức khỏe WebMD, căng thẳng và lo lắng cũng có thể làm suy yếu phản ứng miễn dịch của bạn chỉ sau 30 phút.
Căng thẳng khiến cơ thể sản sinh ra lượng hormone cortisol cao hơn để giảm căng thẳng. Tuy nhiên, căng thẳng mạn tính, cơ thể bạn có thể quen với sản sinh ra quá nhiều cortisol trong máu, điều này sẽ làm tăng nguy cơ viêm nhiễm trong cơ thể. Tình trạng viêm nhiễm kéo dài có thể khiến hệ thống miễn dịch làm việc quá sức và không còn bảo vệ cơ thể hiệu quả nữa.
Ngoài ra, căng thẳng mạn tính cũng khiến lượng tế bào lympho suy giảm. Đây là các tế bào bạch cầu giúp cơ thể chống lại tình trạng nhiễm trùng. Mức độ tế bào lympho càng thấp, nguy cơ bị nhiễm virus càng cao. Hệ thống miễn dịch của bạn bắt đầu cảm thấy yếu hơn, vì vậy nó không thể chống lại nhiễm trùng hoặc bệnh tật.
3. Ít tiếp xúc với môi trường bên ngoài
Nghiên cứu từ Đại học Georgetown, Mỹ chỉ ra rằng ánh sáng mặt trời không chỉ giúp cơ thể tăng cường hấp thụ vitamin D mà còn giúp cung cấp năng lượng cho tế bào lympho T - một phần tế bào của hệ thống miễn dịch. Điều này giúp cơ thể tăng cường hệ miễn dịch và giúp chống lại tình trạng nhiễm trùng hiệu quả.
4. Không ăn đủ trái cây và rau củ
Trái cây và rau củ chứa nhiều chất dinh dưỡng có lợi, có thể giúp cơ thể tạo ra các tế bào bạch cầu để chống lại tình trạng nhiễm trùng.
Theo Trường Y tế Công cộng Harvard TH Chan, Mỹ chế độ ăn thiếu một hoặc nhiều chất dinh dưỡng có thể làm suy giảm quá trình sản xuất và hoạt động của các tế bào miễn dịch.
Các chuyên gia y tế khuyến khích mọi người nên xây dựng chế độ dinh dưỡng cân bằng với đa dạng các loại thực phẩm bao gồm cả trái cây, rau củ, protein, ngũ cốc nguyên hạt để duy trì sức khỏe.
Ảnh minh họa.
5. Lười vận động, ít tập thể dục
Thói quen lười vận động, đặc biệt là trong mùa đông khi thời tiết trở lạnh có thể khiến các phản ứng miễn dịch suy yếu.
Theo trang tin WebMD, tập thể dục thường xuyên có thể giúp máu lưu thông hiệu quả, giúp hệ miễn dịch hoạt động hiệu quả và bảo vệ cơ thể chống lại các tác nhân gây hại tốt hơn.
6. Lạm dụng rượu bia
Cuối năm là khoảng thời gian có nhiều lễ hội, là dịp mọi người tụ tập ăn uống, tham gia các bữa tiệc rượu. Tuy vậy, mọi người cũng cần hạn chế uống rượu bia hết mức có thể vì uống quá nhiều đồ uống có cồn có thể gây ảnh hưởng tới các phản ứng miễn dịch.
Rượu làm thay đổi cấu trúc của hệ vi sinh đường ruột và ảnh hưởng đến khả năng hỗ trợ hệ thống miễn dịch của các vi sinh vật này. Uống rượu dường như có thể làm hỏng các tế bào miễn dịch trong ruột - nơi được đánh giá là tuyến phòng thủ đầu tiên giúp cơ thể chống lại vi khuẩn và virus.
7. Thường xuyên hút thuốc
Trong thuốc lá chứa nicotin có khả năng ức chế miễn dịch, có thể làm suy giảm hiệu quả hoạt động của các tế bào bạch cầu trung tính. Đồng thời nicotin cũng gây ảnh hưởng đến khả năng hoạt động và truyền tín hiệu của tế bào, từ đó làm suy giảm khả năng tiêu diệt mầm bệnh của tế bào bạch cầu.
Ảnh minh họa.
8. Ăn quá nhiều chất béo ‘xấu’
Chế độ ăn giàu chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa có thể gây mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột, điều này có thể gián tiếp gây ảnh hưởng tới các phản ứng miễn dịch của bạn.
Trường Y tế Công cộng Harvard TH Chan cho biết chế độ ăn nhiều đường tinh luyện và thịt đỏ, ít trái cây và rau quả có thể gây rối loạn hệ vi sinh vật đường ruột, gây viêm mạn tính và ức chế khả năng miễn dịch.
Làm thế nào để tăng cường hệ miễn dịch?
Tiến sĩ Ross Walton chia sẻ với trang The Sun: “Việc điều chỉnh các thói quen xấu, xây dựng một số thói quen tốt có thể giúp bạn tăng cường khả năng miễn dịch của cơ thể”.
Ông khuyến khích mọi người nên thường xuyên tập thể dục, thực hiện các hoạt động giúp giảm căng thẳng, tiêm vaccine phòng ngừa bệnh tật.
Ngoài ra, Trường Y tế Công cộng Harvard TH Chan cũng đưa ra 7 khuyến nghị giúp mọi người tăng cường khả năng miễn dịch của cơ thể. Cụ thể:
- Xây dựng chế độ ăn lành mạnh, đa dạng thực phẩm như trái cây, rau củ, protein, ngũ cốc nguyên hạt, uống nhiều nước.
- Không hút thuốc.
- Hạn chế rượu bia.
- Tập thể dục thường xuyên.
- Ngủ đủ giấc (từ 7-9 tiếng mỗi đêm).
- Cố gắng kiểm soát căng thẳng bằng cách tập thể dục, thiền, theo đuổi sở thích cá nhân hoặc trò chuyện với người thân hoặc bạn bè.
- Thường xuyên rửa tay, đặc biệt là trước khi nấu ăn và sau khi đi vệ sinh.