1. Trêu chọc, bỏ qua khi con cái nói bậy
Trẻ con có tập tính rất dễ bắt chước. Bởi vậy, những lời người lớn nói ra dù tốt hay không tốt, các bé sẽ dễ dàng tiếp thu và học theo.
Khi trong nhà có người thường xuyên nói tục, trẻ nhỏ cũng sẽ lặp lại y hệt những câu nói tiêu cực này mà không hề biết ý nghĩa tiêu cực của nó. Lâu dần, những câu nói tục, nói bậy sẽ trở thành "câu cửa miệng" của các bé.
Trong khi đó, nhiều phụ huynh khi nghe con mình phát ra những câu nói không hay lại coi đó là chuyện nhỏ, không những không uốn nắn, dạy con mà còn hùa theo, trêu chọc trẻ.
Hậu quả là các bé phát triển ngôn ngữ theo chiều hướng lệch lạc, ngày càng nói tục, nói bậy nhiều hơn và trở nên không nghe lời người lớn.
Không nên bỏ qua, khích lệ, trêu chọc hay dung túng con cái nếu trẻ có những lời nói không đúng chừng mực. (Ảnh minh họa).
2. Cãi nhau trước mặt con cái
Những mâu thuẫn trong cuộc sống thường ngày khiến nhiều bậc cha mẹ thường xuyên cãi vã, to tiếng bất cứ khi nào. Thậm chí có không ít gia đình còn miệt thị, tranh cãi, đánh nhau trước mặt con trẻ.
Thường xuyên chứng kiến cảnh gia đình "cơm không lành, canh không ngọt" như vậy, tinh thần của các bé sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều, sinh ra tâm lý xa lánh cha mẹ, không thích ở nhà.
Nhiều nghiên cứu xã hội cũng đã cho thấy, nhiều đứa trẻ sống trong các gia đình không hạnh phúc, khi lớn lên sẽ thiếu thốn tình cảm, hình thành tính cách cục cằn, dễ bị sa đà, lôi kéo vào các tệ nạn xã hội.
Tranh cãi hoàn toàn không phải là việc cha mẹ nên làm trước mặt con trẻ. (Ảnh minh họa).
3. Không dạy con cái cách đối nhân xử thế
Vì công việc quá bận rộn, không ít bậc cha mẹ hoàn toàn phó mặc con mình cho nhà trường, rất ít khi để ý tới đời sống học tập và các mối quan hệ xã hội của con trẻ, càng ít dạy con về cách đối nhân xử thế.
Nhiều người cho rằng đó là cách giúp các bé có thể tự lập. Nhưng chính sự phức tạp trong các mối quan hệ xã hội và những khó khăn trong đời sống học tập lại ít nhiều khiến các bé bị tổn thương.
Khi không có sự giúp đỡ và khuyên nhủ từ cha mẹ, các em phải tự mình vượt qua những khó khăn tinh thần này. Cho tới tuổi thành niên, những đứa trẻ đó đã học được cách tự mình quyết định và giải quyết mọi việc.
Nhưng vào lúc này, cha mẹ lại ép con cái làm theo những quyết định của mình mà không quan tâm tới cảm nhận, mong muốn, ước mơ của con. Điều này khiến các em nảy sinh ham muốn nổi loạn, không nghe lời cha mẹ.
Những áp lực từ phía trường học và các mối quan hệ xã hội sẽ làm tổn thương trẻ nếu cha mẹ không dạy các em cách đối nhân xử thế. (Ảnh minh họa).
4. Không dạy con cái cách tiết kiệm
Với nhiều gia đình khá giả, việc con cái đi làm thêm trong khi còn đi học là không thể chấp nhận được.
Những bậc cha mẹ này luôn chu cấp tiền bạc để thỏa mãn những nhu cầu cần thiết của con trẻ, nhưng không dạy cho con cách tiết kiệm, cũng không tạo điều kiện để con cái hiểu được giá trị của đồng tiền.
Vì vậy, những đứa trẻ này mặc dù không phải lo lắng về vật chất, nhưng lâu dần sẽ sinh ra thói quen tiêu xài hoang phí, lười lao động, ngại khó, ngại khổ.
Dạy cho con cái cách tiết kiệm ngay từ khi còn nhỏ sẽ giúp các em biết quản lý tài chính và biết trân trọng sức lao động trong tương lai. (Ảnh minh họa).
5. Không quan tâm tới các loại sách truyện con đọc
Ngày nay, có nhiều bậc phụ huynh vẫn "ngây thơ" cho rằng mọi loại sách báo, truyện tranh, truyện chữ đều chỉ mang chức năng là cung cấp các thông tin lành mạnh và giải trí, nên tùy ý để cho con trẻ mua đọc.
Nhưng trên thực tế, có không ít những loại sách, truyện mang những nguồn thông tin không được kiểm duyệt và thiếu lành mạnh.
Bởi vậy, nếu không chú ý tới những hình thức giải trí của con cái, các bé dễ dàng bị tiêm nhiễm những luồng tư tưởng lệch lạc, ảnh hưởng đến sự hình thành tư duy và phát triển nhân cách của trẻ.
Không phải bất kỳ loại sách truyện nào cũng phù hợp cho trẻ em đọc. (Ảnh minh họa).
6. Luôn nghĩ rằng con mình bị thiệt
Trong những xung đột của con cái với các mối quan hệ bên ngoài, phụ huynh thường nghĩ rằng con mình là người bị thiệt và tìm mọi cách để thanh minh, bênh vực.
Cách hành xử như vậy không chỉ khiến con cái ỷ lại cha mẹ, mà còn hình thành trong con trẻ những cách nghĩ như: "mình luôn đúng", "mình luôn là người bị thiệt"…
Cứ như vậy, con cái sẽ mất khả năng giải quyết xung đột, không thể điều hòa các mối quan hệ xã hội, tính cách trở nên cục cằn và có nhiều suy nghĩ cực đoan.
Khi các cuộc xung đột của con trẻ, các bậc phụ huynh nên tìm ra nguyên nhân để phân xử rõ ràng. (Ảnh minh họa).
7. Thu xếp mọi chuyện giúp con cái
Ngày nay, có không ít trẻ em được bố mẹ "lo từ A đến Z", không phải động tay động chân vào việc nhà, đi học cũng có người đưa đón...
Nhiều phụ huynh cho rằng làm như vậy sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho con tập trung học tập, mà không hay biết rằng thói quen "tiện tay" làm hết mọi việc giúp con của mình lại gây ra những tác hại không tưởng.
Khi được bố mẹ làm hết mọi thứ, trẻ em dần trở nên lười biếng, phó mặc mọi việc cho người khác. Nếu tiếp tục duy trì nếp sống như vậy, các bé khi lớn lên sẽ không biết chăm sóc bản thân, càng không biết quán xuyến cuộc sống, thậm chí còn có thói quen đổ lỗi, trốn tránh trách nhiệm.
Luôn luôn giúp con cái thu xếp mọi việc không phải là một cách chăm sóc đúng đắn đối với con trẻ. (Tranh minh họa).
8. Luôn coi mọi lỗi lầm của con là "chuyện nhỏ"
Dung túng con cái là một trong những sai lầm nghiêm trọng trong việc dạy con của các bậc phụ huynh. Thậm chí, ngay cả khi con gây ra đại họa, nhiều bậc cha mẹ có tiền tài, địa vị vẫn coi đó là… "chuyện nhỏ"!
Nếu được nuôi dạy như vậy ngay từ khi còn bé, con cái của những gia đình này khi lớn lên sẽ có biểu hiện "cậy quyền", "cậy thế", dẫn đến nhiều suy nghĩ và hành động tai hại.