Tìm ra lý do, yếu tố gây trì hoãn
Những nguyên nhân chủ yếu gây trì hoãn thường bắt nguồn từ sự thay đổi trong tâm lý với các biến cố như:
- Trải qua một cuộc chia tay hoặc ly hôn
- Chuyển đến nơi ở mới
- Sinh con
- Bắt đầu công việc mới
- Mệt mỏi với công việc hiện tại
Sau khi xác định được nguyên do cho sự trì hoãn, bạn hãy tập kiên nhẫn với bản thân mình, bao dung với sự khó chịu trong hành trình thay đổi thói quen này. Đó là dấu hiệu cho thấy bạn đang dần dần thành công.
Để ý tới nội tâm của bạn
Cách bạn trò chuyện với bản thân mình ảnh hưởng rất nhiều đến việc rũ bỏ bất kỳ thói quen xấu nào. Càng thất vọng và chỉ trích bản thân, sự trì hoãn của bạn càng thêm nặng nề.
Vì vậy, thay vì tự nhủ những điều tiêu cực như “mình không thể làm việc này” hay “mình sẽ trì hoãn việc này mãi”, bạn có thể suy nghĩ theo hướng tích cực hơn như “mình có thể làm được và đang kiểm soát tốt việc này”.
Vượt qua rào cản bước đầu
Một mẹo đơn giản mà hiệu quả để tránh trì hoãn là dù khó khăn đến mức nào, bạn hãy cố gắng thực hiện bước đầu tiên của nhiệm vụ. Dù sau đó có tiếp tục trì hoãn hay không, đây vẫn là một sự tiến bộ của bạn trên hành trình xóa bỏ thói quen xấu này. Hoàn thành bước đầu cũng là bước đệm tốt để bạn tiếp tục triển khai các nhiệm vụ tiếp theo sau đó.
Chia nhỏ công việc
Khối lượng công việc càng đồ sộ, bạn càng dễ cảm thấy bị choáng ngợp và muốn trì hoãn. Vì vậy, để khiến mọi thứ trở nên khả thi hơn, bạn hãy chia nhỏ công việc, mục tiêu của mình ra cho đến khi bản thân cảm thấy có thể thực hiện được.
Nghỉ giải lao
Nghỉ giải lao là điều quan trọng để tránh tình trạng bản thân bị kiệt sức hay choáng ngợp, từ đó dẫn đến việc trì hoãn nhiều hơn. Bạn có thể tham khảo Kỹ thuật Pomodoro, làm việc tập trung trong 25 phút và nghỉ giải lao 5 phút.
Sau 4 vòng như vậy, bạn có thể nghỉ từ 15 đến 30 phút. Bên cạnh đó, trong khoảng thời gian giải lao, bạn nên thực hiện một chút vận động thể chất để cải thiện chức năng nhận thức, đón nhận nhiều năng lượng và giúp tâm trạng tốt hơn.
Có không gian làm việc riêng biệt
Môi trường có thể ảnh hưởng đến cách làm việc, đặc biệt trong trường hợp bạn thường bị thiếu tập trung. Hãy đảm bảo không gian làm việc của bạn đủ yên tĩnh, đủ đồ dùng cần thiết và không có yếu tố gây xao nhãng.
Tự thưởng cho bản thân
Có chế độ khen thưởng, bạn sẽ có nhiều động lực để hoàn thành công việc hơn. Bạn nên đặt ra các mốc cụ thể và suy nghĩ về phần thưởng khi hoàn thành các mốc đó từ trước khi bắt đầu công việc.
Tìm kiếm sự giúp đỡ khi cần thiết
Đừng ngần ngại yêu cầu sự trợ giúp, giúp đỡ từ gia đình, bạn bè và đồng nghiệp khi cần. Nếu đã nghiêm túc thực hiện các bước trên để cải thiện thói quen trì hoãn mà không thấy được hiệu quả, bạn nên thử tới gặp các chuyên gia y tế, tâm lý để kiểm tra các tình trạng rối loạn tâm trạng nếu có của mình.